Câu hỏi số 20: Quy chế thi THPT quốc gia vừa được Bộ GD&ĐT công bố có những điểm mới đáng chú ý nào?


Trả lời chính thức từ website Thituyensinh.vn của Bộ GD&ĐT:


Năm 2017 là năm thứ ba kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội nhưng kết quả vẫn bảo đảm độ tin cậy để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho các đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh.

Các kỳ thi năm 2015, 2016 đã được tổ chức thành công, sau mỗi năm có những điều chỉnh, hoàn thiện tốt hơn. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức thi như những năm qua, vẫn còn một số điểm hạn chế, có thể cải tiến để tốt hơn. Cụ thể là vẫn tồn tại 2 loại cụm thi trong mỗi địa phương; kỳ thi được tổ chức trong 4 ngày với 8 môn thi nên vẫn nặng nề; việc tổ chức thi 8 môn với 4 môn theo hình thức tự luận tạo điều kiện để học sinh học tủ, học lệch…

Để từng bước khắc phục các hạn chế trên, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tổ chức một cụm thi với các điểm thi được đặt ở các trường hoặc liên trường THPT ở các huyện/thị tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi.

Tham gia coi thi, chấm thi là giáo viên các trường phổ thông và cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên. Sự tham gia này để các trường đại học, cao đẳng chia sẻ trách nhiệm, cùng phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo chủ trì cụm thi để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan

Kỳ thi năm 2017 sẽ tổ chức thi 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã hội (KHXH). Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với hình thức thi này sẽ hướng tới học sinh học tập toàn diện, khắc phục dần tình trạng học tủ, học lệch.

Kỳ thi được tổ chức trong 2,5 ngày tạo thuận lợi cho thí sinh. Các thông tin cụ thể sẽ có trong văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế thi để các nhà trường, giáo viên biết và thực hiện

Quy chế cũng cho phép và khuyến khích học sinh ngoài thi các bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) thì có thể đăng ký thi cả 2 bài thi tự chọn (KHTN và KHXH) để tăng thêm cơ hội xét tuyển  vào đại học, cao đẳng và khuyến khích các em học tập toàn diện hơn.

Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 12, với các câu hỏi ở mức độ cơ bản để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và có những câu hỏi nhằm phân hóa kết quả thi của thí sinh, đáp ứng mục tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng. Để đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi chuẩn hóa riêng.

Ngoài ra, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ tiếp tục sử dụng kết quả học tập trong năm lớp 12 với kết quả các bài thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Trước đó, chiều 28/09/2016, Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án thi THPT và xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2017. Theo đó riêng kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ tiếp tục sử dụng kết quả học tập trong năm lớp 12 với kết quả các bài thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Những điểm mới trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017

Theo đó, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy.

1. Môn Toán thi trắc nghiệm

Theo phương án do Bộ GD&ĐT công bố, kỳ thi THPT 2017 sẽ có 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Thí sinh sẽ phải thi 4 bài thi, gồm 3 bài bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

Về hình thức thi: ngoại trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

2. Mỗi thí sinh có một mã đề riêng

Mỗi thí sinh trong một phòng thi sẽ có một mã đề riêng. Bài thi sẽ được chấm bằng máy.

3. Chuyển lịch thi sang tháng 6, chỉ còn 2 ngày

Theo phương án của Bộ GD công bố, kỳ thi THPT 2017 sẽ diễn ra 2 ngày trong tháng 6, thống nhất trong cả nước.

Ngày thứ nhất: Buổi sáng: thi bài thi Ngữ văn; Buổi chiều: thi bài thi Khoa học tự nhiên.

Ngày thứ hai: Buổi sáng: thi bài thi Toán và bài thi Ngoại ngữ;  Buổi chiều: thi bài thi Khoa học Xã hội.

4. Chỉ có một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) tổ chức một cụm thi do sở GDĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương; các điểm thi được bố trí đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh; các thí sinh tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp.

Sở GDĐT các tỉnh bố trí cán bộ thực hiện các khâu tổ chức thi theo đúng quy chế.

Bộ GDĐT cử cán bộ, giảng viên từ các đại học, học viện, trường ĐH, CĐ (gọi chung là các trường ĐH, CĐ) đến các tỉnh để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi, nhất là các khâu coi thi và chấm thi.

5. Không bắt thí sinh làm hết đề tổ hợp, có điểm từng môn thành phần

Sở GDĐT cập nhật kết quả thi lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chung của Bộ GDĐT, công bố kết quả thi và cấp cho mỗi thí sinh 1 Giấy chứng nhận kết quả thi.

6. Điểm liệt của mỗi bài thi độc lập (theo thang 10 điểm): 1,0 điểm.

Kết hợp sử dụng kết quả điểm 4 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh Giáo dục THPT) hoặc 3 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh Giáo dục Thường xuyên) với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

- Phương thức tính điểm xét tốt nghiệp: điểm các bài thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 có tỷ lệ tương ứng 50 : 50.

- Điểm liệt của mỗi bài thi độc lập (theo thang 10 điểm): 1,0 điểm.

- Điểm liệt của mỗi môn thành phần (theo thang 10 điểm) của các bài thi tổ hợp: 1,0 điểm.

7. Mỗi thí sinh được cung cấp mã số và tài khoản riêng

Các thông tin của thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia được cập nhật vào hệ thống quản lý dữ liệu chung của Bộ GDĐT. Mỗi thí sinh được cung cấp một mã số thí sinh và tài khoản để kiểm tra thông tin cá nhân, kết quả thi THPT quốc gia, kết quả tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.

8. Dành 25% chỉ tiêu cho khối thi truyền thống

Các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi.

Các trường công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh 2017 dành cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau; trong đó, dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D).

9. Thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển

Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.

10. Bộ GD&ĐT sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh để  lọc "ảo"

Bộ GDĐT sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với 1 nguyện vọng phù hợp nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này được công khai để các trường tham khảo, làm căn cứ tuyển sinh.

Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.


Theo Kenhtuyensinh.vn tổng hợp từ Tienphong.vn & Thituyensinh.vn