Nhiều trường hoàn thiện đề án tuyển sinh

Nhờ xét tuyển từ kỳ thi PTTH, các thí sinh không phải dự kỳ thi đại học, cao đẳng như mọi năm.
Ảnh: Viết Thành

Trường tốp trên có ngưỡng riêng

Trong số hơn 400 trường ĐH, CĐ đã gửi đề án tuyển sinh năm 2015 tới Bộ GD-ĐT, duy nhất có ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi riêng, tất cả các trường còn lại đều tuyển sinh dựa trên căn cứ là kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Năm nay, lần đầu tiên ĐH Quốc gia Hà Nội áp dụng phương thức đánh giá năng lực tại 7 cụm thi, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng (TP Đà Nẵng), Trường ĐH Vinh (TP Vinh), Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), Trường ĐH Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định (TP Nam Định), Trường CĐ Kinh tế tài chính Thái Nguyên (TP Thái Nguyên). Trường tổ chức 2 đợt thi, đợt 1 vào các ngày 30 và 31-5, đợt 2 vào ngày 1 và 2-8. Kết quả thi đánh giá năng lực có giá trị để đăng ký xét tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội trong 24 tháng kể từ ngày dự thi. Nhà trường xét tuyển 2 đợt, trong đợt 1, thí sinh được phép đăng ký dự tuyển tối đa 3 ngành của một đơn vị đào tạo thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội theo thứ tự ưu tiên. Đợt 2 xét tuyển bổ sung vào những ngành còn chỉ tiêu. Thí sinh không trúng tuyển đợt 1, được phép đăng ký dự tuyển đợt 2.

Phần lớn các trường còn lại chỉ sử dụng điểm của kỳ thi quốc gia để xét tuyển. Có khoảng 150 trường vừa xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi quốc gia vừa xét tuyển căn cứ trên điểm học bạ THPT. Với phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT thì điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không thấp hơn 6 điểm đối với hệ ĐH và 5,5 điểm đối với hệ CĐ. Một số ít trường có đặt ra ngưỡng riêng như Trường ĐH Ngoại thương yêu cầu thí sinh phải có điểm trung bình chung các năm THPT từ 6,5 điểm trở lên. Năm nay, Trường ĐH Bách khoa không tổ chức sơ tuyển như năm 2014 nhưng yêu cầu thí sinh phải có tổng điểm trung bình các môn học thuộc tổ hợp xét tuyển từ 20 trở lên. Học viện Báo chí và tuyên truyền năm nay sẽ tổ chức xét tuyển ngành báo chí đồng thời với việc tổ chức thi môn năng khiếu báo chí. Điểm môn này sẽ được nhân hệ số hai khi tính điểm xét tuyển. Bài thi năng khiếu gồm 2 phần: Bài thi trắc nghiệm (3 điểm) gồm 30 câu hỏi, thời gian làm bài 30 phút nhằm kiểm tra hiểu biết chung về các vấn đề của đời sống xã hội. Phần thứ hai là bài thi tự luận (7 điểm) gồm 2 câu hỏi, thời gian làm bài 120 phút với nội dung đánh giá năng lực xử lý, biểu đạt thông tin và sử dụng ngôn ngữ; đánh giá năng lực phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân. Bài kiểm tra năng khiếu do Học viện ra đề và tổ chức chấm thi.

Có tiêu chí phụ trong xét tuyển

Năm nay, một loạt trường đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2014. Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp tăng tới 1.200 chỉ tiêu so với năm ngoái, lên 6.700 chỉ tiêu hệ chính quy. Viện ĐH Mở Hà Nội tăng tới 25%, từ 2.000 chỉ tiêu (năm 2014) lên 2.500. Trường ĐH Luật Hà Nội tăng thêm 417 chỉ tiêu, lên gần 2.400 chỉ tiêu, trong đó, ngành có nhiều chỉ tiêu nhất là luật - 1.715 và luật kinh tế - 400 chỉ tiêu. Viện ĐH Mở Hà Nội tăng 500 chỉ tiêu, lên thành 2.500 chỉ tiêu. Một số trường khác cũng dự kiến tăng khoảng 100-400 chỉ tiêu, như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng, ĐH Thủy lợi…

Không nằm ngoài xu hướng trên, khối trường quân đội năm nay có tổng chỉ tiêu là 4.865, cũng tăng so với năm 2014. Trong đó, Học viện Kỹ thuật quân sự có 3.055 chỉ tiêu, tăng hơn 700; Học viện Quân y có 750 chỉ tiêu, tăng gần 100; Học viện Quân sự có 385 chỉ tiêu, tăng 115; Học viện Biên phòng có 655 chỉ tiêu, tăng 305; Học viện Hậu cầu có 1.035 chỉ tiêu, tăng 125 chỉ tiêu… Đáng chú ý, phần lớn số chỉ tiêu tăng thêm nằm ở các khối ngành kỹ thuật, công nghệ, còn các ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính hầu như đều giữ nguyên hoặc giảm số chỉ tiêu. Không chỉ tăng chỉ tiêu, năm nay nhiều trường thuộc khối quân đội nêu rõ cách xác định điểm trúng tuyển và các tiêu chí phụ đối với trường hợp có thí sinh bằng điểm nhau. Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết, trường hợp xét tuyển đến một mức điểm nhất định mà vẫn còn chỉ tiêu nhưng số thí sinh bằng điểm cao hơn số lượng chỉ tiêu còn lại thì trường sẽ xét tới các tiêu chí phụ. Tiêu chí 1: Thí sinh có điểm thi môn toán cao hơn sẽ trúng tuyển. Sau khi xét tiêu chí 1, trường vẫn còn chỉ tiêu, nhưng có nhiều thí sinh cùng bằng điểm mà cùng đạt tiêu chí 1 như nhau thì xét đến tiêu chí 2: Thí sinh có tổng điểm tổng kết môn học của 3 môn xét tuyển trong 5 học kỳ THPT cao hơn sẽ trúng tuyển. Nếu tiếp tục xét thì dùng tới tiêu chí thứ 3: Tổng cộng điểm tổng kết môn học của 3 môn xét tuyển kỳ 1 năm lớp 12 cao hơn sẽ trúng tuyển. Có cùng phương thức xét tiêu chí phụ như trên còn có Học viện Quân y với tiêu chí 1 là điểm thi môn toán (với tổ hợp khối A) và môn sinh (với tổ hợp khối B). Học viện Khoa học quân sự có tiêu chí 1 là điểm thi môn toán (ngành trinh sát kỹ thuật), môn thi chính (ngành ngoại ngữ và quan hệ quốc tế). Học viện Biên phòng ưu tiên môn văn khi xét tiêu chí 1. Trường Sĩ quan phòng hóa ưu tiên môn hóa...

Những thay đổi trong phương án tuyển sinh của các trường, trong đó có nhiều thay đổi có lợi cho thí sinh đã được các trường thông tin kịp thời, phần nào giúp các em yên tâm trong khi chờ Bộ GD-ĐT chính thức công bố cuốn Những điều cần biết để có "bức tranh" toàn cảnh về mùa tuyển sinh năm 2015.

Theo Hà Nội mới, tin gốc: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tuyen-sinh/744057/nhieu-truong-hoan-thien-de-an-tuyen-sinh

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, kỳ thi THPT quốc gia, đề án tuyển sinh