Vai trò của nghệ thuật giao tiếp phi ngôn ngữ

Ánh mắt và nụ cười là hai tài sản vô cùng quý giá trên khuôn mặt mỗi con người. Sử dụng nụ cười và ánh mắt là một nghệ thuật cần được rèn luyện thường xuyên. Những hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ này sẽ giúp bạn có được những thành công ngoài mong đợi.

Nghệ thuật giao tiếp phi ngôn ngữ | Kỹ năng giao tiếp hiệu quả

Nghệ thuật giao tiếp phi ngôn ngữ | Kỹ năng giao tiếp hiệu quả

Nghệ thuật giao tiếp phi ngôn ngữ

Chuyên gia tâm lý Trần Hải Vân, Trung tâm tư vấn Bạn và Tôi, bày tỏ: “Không gì chán bằng nghe một diễn giả nói suốt cả tiếng đồng hồ mà gần như không có một động tác biểu lộ của cơ thể. Do đó, trong giao tiếp, hay thuyết trình cần khéo léo kết hợp lời nói với giao tiếp phi ngôn ngữ. Giao tiếp phi ngôn ngữ là một kỹ năng mềm được thể hiện qua nét mặt, ánh mắt, nụ cười, cử chỉ, tư thế… Ánh mắt đi kèm theo lời nói sẽ làm cho lời nói truyền cảm và thuyết phục hơn. Lời nói đi kèm với nụ cười sẽ khiến cho cuộc giao tiếp trở nên thân thiện và gần gũi. Thậm chí, trong nhiều hoàn cảnh, ánh mắt có thể thay thế lời nói... Còn nụ cười được xem là một thứ trang sức rất hữu hiệu trong giao tiếp và cũng là phương tiện làm quen hay xin lỗi rất tinh tế, ý nhị”.

ThS. Võ Trương Như Ngọc, Phó trưởng bộ môn Giải phẫu mô, phôi, răng (ĐH Răng - Hàm - Mặt) cũng cho rằng: “Trong kỹ năng giao tiếp, cách nói chuyện rất quan trọng, thứ nhất là lời nói, cử chỉ, ánh mắt nhưng cái tạo ấn tượng lại là nụ cười. Một nụ cười như bông hoa trên miệng làm bừng sáng cả gương mặt, làm người xung quanh cũng cảm thấy dễ mến, dễ gần. Nụ cười có khi chỉ nở trong khoảnh khắc nhưng làm ta nhớ mãi. Nụ cười thật đơn giản nhưng không thể mua ”.

Cười là một hoạt động tốn ít calo, mà nó còn chứa đựng bao hàm ý lẫn sự tình tứ của người muốn truyền thông điệp, bởi thế mà nhân gian có câu “Liếc mắt đưa tình”. Chỉ cần cái chau mày, liếc mắt sắc bén cũng khiến người tiếp chuyện hiểu được tâm trạng của bạn. Một ánh mắt trìu mến, hàm chứa sự cổ vũ, đồng tình, khích lệ cũng khiến người đối thoại có thêm niềm tin trong cuộc sống và công việc.

Nguyễn Thu Thuỷ, cựu sinh viên Trường ĐH Y dược TPHCM từng bảo vệ luận văn với chủ đề “Vẻ đẹp nụ cười” quan niệm rằng: Mỉm cười là một biểu hiện văn minh, cũng là cách thể hiện sức mạnh hoặc truyền đạt thông tin. Ai giữ được nụ cười trên môi, chứng tỏ trong lòng họ còn có niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Chẳng ai muốn quan hệ với một người khi nào cũng có bộ mặt lạnh lùng hoặc cau có. Ai luôn giữ nụ cười trên môi, sống tận tụy với công việc, chan hoà với mọi người thì nụ cười mới phát huy được hết giá trị của nó. Tất cả những người có duyên không ai giống ai nhưng họ có một nét chung nhất là.

Để có ánh mắt và nụ cười đẹp

Theo Chuyên gia tâm lý Trần Hải Vân, mỗi người đều tự biết mình có thế mạnh gì trên khuôn mặt. Đó có thể là cái mũi đẹp hay đôi mắt, đôi môi... Do đó, để phát huy được thế mạnh trong kỹ năng giao tiếp cần biết che đi những cái xấu và tạo ra điểm nhấn ở những nét đẹp nhờ trang điểm hay để kiểu tóc hợp lý. Để thành công trong giao tiếp cần có ánh mắt đẹp và nụ cười đẹp. Vì trong giao tiếp chỉ có mắt và miệng cử động và có khả năng biểu cảm cao nhất. Do đó, nếu chẳng may một người có nụ cười hở lợi thì khi cười phải có ý bằng cách cười chúm chím, không cười to quá nhưng cũng đừng gượng gạo. Nghĩa là cần phải tập để có độ mở của nụ cười một cách hợp lý làm sao vẫn đảm bảo mình có nụ cười tươi tắn nhưng không được hở lợi.

Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, tập trung mọi giác quan của cơ thể: thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác... Nói cách khác, mọi năng lượng của các giác quan đều tập trung vào đôi mắt. Mắt to, đen, sáng... thể hiện sự thông minh, lanh lợi. Và cũng nhìn vào đôi mắt người đối thoại có thể đọc được phần nào tâm trạng, suy nghĩ của họ. Giao tiếp bằng mắt rất quan trọng, nó thể hiện sự chăm chú, sự tôn trọng của mình với người khác mà không ngôn ngữ nào thay thế được. Trong giao tiếp nên nhìn thẳng vào mắt người đối diện, thỉnh thoảng mới nhìn xuống để đỡ bị bối rối khi bắt gặp ánh mắt người đối thoại quá nhiều. Với ánh mắt này, người đối diện sẽ thấy bạn là một người tự tin và đáng tin cậy. Theo GS.TS. Hoàng Tử Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TPHCM: Việc tư vấn và tập luyện nụ cười, một số nơi trên thế giới đã làm rồi, nước mình thì chưa.

Cười là một phản xạ và hoàn toàn có cách để thay đổi, cải tạo nụ cười.

Vấn đề vẻ đẹp của nụ cười đã được Khoa Răng - Hàm - Mặt của trường quan tâm từ năm 1999. Trong vài năm gần đây đã có một số nghiên cứu về vấn đề này. Đây là những nghiên cứu góp phần cho việc xác định những “chuẩn” được thừa nhận rộng rãi về một nụ cười đẹp, làm cơ sở cho việc tư vấn và giúp luyện tập cho những người mong muốn thay đổi để có được nụ cười tự tin hơn.

Điều này có nghĩa là có thể thay đổi, cải tạo nụ cười nếu mất cân đối giữa môi và răng có thể làm lại răng, điều chỉnh về mặt hình thể, đường viền lợi cao thì điều chỉnh kéo xuống tạo một nụ cười hài hoà không hở lợi. Chỉ đơn thuần là hướng dẫn họ cách cười che đi nhược điểm”.

10 ghi nhớ giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ

1. Lưu ý các cử chỉ phi ngôn ngữ

Con người có thể giao tiếp theo nhiều cách khác nhau; vậy bạn hãy để ý đến những điều như ánh mắt, điệu bộ, tư thế, những cử động của cơ thể và giọng nói. Tất cả những dấu hiệu này có thể truyền tải những thông tin quan trọng nằm ngoài lời nói. Thông qua việc quan sát kỹ thái độ không lời của người khác, bạn sẽ có khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ hiệu quả hơn.

2. Quan sát các hành vi không nhất quán

Nếu lời nói của một người không khớp với hành vi phi ngôn ngữ của họ, bạn nên lưu ý hơn. Ví dụ, có người nói với bạn họ đang vui trong khi nhíu mày và nhìn chằm chằm xuống đất. Các nghiên cứu cho thấy khi lời nói không đi kèm với điệu bộ, người ta sẽ không quan tâm tới nội dung được nói ra mà thay vào đó tập trung vào các dấu hiệu của thái độ, suy nghĩ hay cảm xúc.

3. Tập trung vào giọng nói

Giọng nói của bạn có thể diễn đạt vô số thông tin, từ sự nhiệt tình, thờ ơ, cho đến giận dữ. Hãy bắt đầu để ý đến cách giọng nói ảnh hưởng đến phản ứng của những người xung quanh bạn và thử dùng giọng nói để nhấn mạnh những điều bạn muốn chuyển tới người nghe. Chẳng hạn, trong kỹ năng thuyết trình, nếu bạn muốn thể hiện mình thật sự quan tâm đến vấn đề gì đó, hãy thể hiện sự nhiệt tình bằng một giọng nói sôi nổi.

4. Giao tiếp tốt bằng ánh mắt

Khi người ta không nhìn vào mắt người khác, dường như họ đang trốn tránh hay cố che dấu điều gì đó. Trái lại, nhìn quá chăm chú cũng có thể bị xem là như muốn đối đầu hay đe dọa. Dù ánh mắt là một phần quan trọng trong giao tiếp, phải nhớ rằng kỹ năng giao tiếp bằng mắt tốt không có nghĩa là nhìn chăm chăm vào mắt người khác. Vậy làm sao bạn biết giao tiếp bằng mắt thế nào cho đúng? Một số chuyên gia về giao tiếp cho rằng nên nhìn thẳng vào mắt người khác trong từng khoảng thời gian bốn đến năm giây.

5. Hỏi về các cử chỉ không lời

Nếu bạn không hiểu ngôn ngữ điệu bộ của người khác, đừng ngại đặt câu hỏi. Cách hay nhất là nhắc lại suy diễn của bạn về những gì người khác nói và hỏi cho rõ hơn. Ví dụ bạn có thể nói “Vậy điều anh muốn nói là …”

6. Dùng cử chỉ để giao tiếp hiệu quả và có ý nghĩa hơn

Hãy nhớ giao tiếp bằng lời và không lời song hành để chuyển tải thông điệp. Bạn có thể cải thiện khả năng giao tiếp bằng lời thông qua cách dùng ngôn ngữ cử chỉ để hỗ trợ cho những gì bạn nói. Điều này vô cùng hữu ích khi bạn đang diễn thuyết hoặc nói trước đám đông.

7. Quan sát nhóm cử chỉ

Một cử chỉ đơn lẻ có thể mang nhiều ý nghĩa nhưng cũng có thể chẳng có nghĩa gì. Chìa khóa cho việc hiểu chính xác ngôn ngữ khôn g lời là tìm kiếm nhóm các cử chỉ củng cố cho một điểm chung. Nếu bạn quá chú trọng đến một cử chỉ trong nhiều cử chỉ, bạn có thể kết luận sai.

8. Cân nhắc ngữ cảnh về những gì người khác đang cố truyền đạt.

Khi bạn đang giao tiếp với người khác, luôn xem xét tình huống  và ngữ cảnh giao tiếp. Một vài tình huống đòi hỏi phải có những  cử chỉ trịnh trọng hơn và những cử chỉ này có thể được hiểu rất  khác trong những tình huống khác. Hãy cân nhắc xem cử chỉ  không lời có phù hợp trong ngữ cảnh đó hay không. Nếu bạn  đang cố cải thiện việc giao tiếp không lời, hãy tập trung vào những cách giúp cho các cử chỉ của bạn ăn khớp với mức độ  trang trọng mà tình huống yêu cầu.

9. Cảnh giác vì cử chỉ có thể bị hiểu sai

Theo một số người, cái bắt tay chặt thể hiện cá tính mạnh mẽ  trong khi cái bắt tay yếu ớt được cho là thiếu can đảm. Ví dụ này chứng minh một luận điểm quan trọng về khả năng hiểu sai những cử chỉ không lời. Thực tế một cái bắt tay lỏng lẻo có thể chỉ một điều hoàn toàn khác hẳn, chẳng hạn như chứng viêm khớp. Hãy luôn nhớ quan sát nhóm hành vi. Cử chỉ tổng quan của một người nói lên rất nhiều điều so với một cử chỉ đơn lẻ được nhìn nhận tách biệt.

10. Luyện tập, luyện tập và luyện tập

Nhiều người dường như có sở trường dùng ngôn ngữ giao tiếp không lời một cách hiệu quả và hiểu đúng cử chỉ của những người khác. Những người này thường được gọi là có khả năng “hiểu người.” Trên thực tế, bạn có thể rèn luyện kỹ năng này bằng cách để tâm đến hành vi phi ngôn ngữ và luyện tập các cách giao tiếp không lời với mọi người. Thông qua việc chú ý đến hành vi không lời và tập luyện các kỹ năng, bạn có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình một cách đáng kể.

Kết luận:

Mỗi người có một ngôn ngữ cơ thể riêng, chỉ cần bạn chú ý và liên hệ đến những dấu hiệu phi ngôn ngữ mình từng học thì chắc chắn bạn sẽ hiểu được đối tượng giao tiếp như thế nào. Điều này rất có ý nghĩa trong các cuộc đàm phán hay thương lượng quan trọng. Truy cập vào mục Kỹ năng sống của kenhtuyensinh để đọc thêm nhiều bài viết về kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ nhé! Chúc các bạn sớm thành công!


Bài viết thuộc chủ đề: kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, giao tiếp phi ngôn ngữ, nghệ thuật giao tiếp, kỹ năng biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ giao tiếp không lời, cải thiện kỹ năng giao tiếp.