9 câu hỏi nên đặt cho trường bạn đang quan tâm khi du học Mỹ

1.Tôi có thể sống ở đâu? - ‘Where can I live?’

Đâu là các phương án nhà ở mà trường Đại học đưa ra? Liệu nhà ở sinh viên có nằm ngay trên học xá, hay ngoài học xá? Chi phí nhà ở tốn bao nhiêu tiền, và bao gồm những tiện ích nào? Bạn có đảm bảo sẽ có một chỗ ở trên khu học xá trong năm đầu tiên không? Nhà trường hỗ trợ gì cho sinh viên trong việc tìm nhà ở ngoài?

2. Các sinh viên nước ngoài ở trường như thế nào? - ‘What’s the international student body like?’

Tỷ lệ sinh viên nước ngoài đăng ký nhập học tại trường là bao nhiêu? Sinh viên nước ngoài đến từ các quốc gia nào? Có bao nhiêu sinh viên đến từ Việt Nam? Nếu vậy thì có các câu lạc bộ hay nhóm, hội nào mà sinh viên có thể tham gia?

3. Các khóa học được dạy ra sao? - ‘How is the course taught?’

Chương trình học được giảng dạy dưới hình thức bài giảng, phòng thực hành hay các chương trình hội thảo, hội nghị? Có bao nhiêu sinh viên được xếp vào mỗi lớp? Cấu trúc bài giảng được chia ra như thế nào? Liệu bạn có phải làm việc độc lập hay làm việc theo nhóm? Mỗi tuần bạn sẽ phải đi học trong bao nhiêu tiếng đồng hồ? Bạn có thể có những khoảng thời gian trao đổi, hỏi han các giáo viên trong giờ làm việc?

4. Bạn sẽ được học cụ thể những kiến thức gì? - \'What would you study specifically on a course?’

Liệu bạn có thể nhận được thông tin chi tiết về tài liệu tham khảo cho từng môn (tác giả, tác phẩm…) Bạn cần chọn những nhóm môn học (module) nào? Những môn nào là bắt buộc…

Nên hỏi gì về trường bạn đang quan tâm khi du học Mỹ?

Nên hỏi gì về trường bạn đang quan tâm khi du học Mỹ?

5. Những cựu sinh viên giờ ra sao? - ‘What have previous graduates on this course gone on to do?’

Trường có câu lạc bộ cựu sinh viên không? Những cựu sinh viên trước đang làm gì? Có một ai đó “hoành tráng” mà bạn có thể dõi theo không? Các công ty, tổ chức nào mà cựu sinh viên của trường đã từng làm việc (và bạn cũng có khả năng đầu quân sau này)? Có những sinh viên nào đã chọn những lối đi riêng đầy thử thách và khác biệt so với phần đông cựu sinh viên khác?

6. Tôi nên học gì nếu có hướng học lên cao? - ‘What should I study if I want to study at a higher level later?’

Nếu bạn có nguyện vọng học lên cao thì nên học gì ở bậc Cử nhân? Các khóa học nào mà nhà trường có tổ chức và phù hợp với định hướng này của bạn? Trường có dạy các khóa dự bị không?

7. Thời hạn nộp hồ sơ chính xác là khi nào? - ‘Can you confirm the application deadlines?’

Khi nào là hạn nộp hồ sơ? Có sự khác biệt về thời hạn nộp hồ so cho sinh viên từng nước không? Hạn nộp ứng tuyển học bổng thì như thế nào? Bạn cần phải chuẩn bị gì trước thời điểm đó?

8. Khu vực lân cận như thế nào? - ‘What’s the local area like?’

Tại sao bạn nên học ở vùng này? Có gì thú vị ở đấy? Cuộc sống tiệc tùng (về đêm) ở đó ra sao? Phương tiện giao thông, đi lại ở đây có dễ dàng không? Đây có phải là một thành phố sinh viên, hoặc người dân ở đây đa số nằm trong thành phần xã hội như thế nào?

9. Nhà trường sẽ giúp đỡ tôi thế nào trong quá trình xin việc làm sau khi tốt nghiệp? - ‘How can the university help me find employment after I complete my course?’

Nhà trường có liên hệ với các tổ chức địa phương, trong nước và quốc tế đang hoạt động trong ngành công nghiệp mà tôi muốn theo đuổi hay không? Trong cùng một lĩnh vực ưa thích, tôi có thể chọn những ngành học nào khác? Trên khu học xá có dịch tư vấn hướng nghiệp không? Liệu tôi có thể đi thực tập trong thời gian học?

9 điều bạn cần chú ý khi chọn trường đai học du học Mỹ

Ở Mỹ có hơn 5.000 trường đại học, vì vậy việc chọn trường phù hợp nhất cho mình có thể mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, sinh viên có thể thu hẹp danh sách trường bằng cách tập trung vào một số tiêu chuẩn nhất định.

1.Bằng chính quy, bằng không chính quy : Trước hết, các bạn cần tìm hiểu xem trường mình chọn có cấp bằng chính quy và được các tổ chức giáo dục công nhận hay không. Mỹ không có quy định các tổ chức giáo dục phải được công nhận là chính quy hoặc ngay cả khi các tổ chức được công nhận là chính quy, họ cũng không phải tuân theo một hình thức cụ thể nào về việc cấp bằng. Vì thế ở nước Mỹ có nhiều hình thức “chính quy” và các tổ chức cấp bằng khác nhau. Các bạn có thể xem danh sách các trường được công nhận tại đây.

2. Chuyên ngành : Yếu tố thứ hai bạn nên cân nhắc là chuyên ngành hay lĩnh vực nghiên cứu mà bạn muốn chuyên sâu. Khi bắt tay vào việc tìm trường, sinh viên có thể tham khảo các trang Web như Goldenpathguide.com hay Collegeboard.org. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể liên hệ với Golden Path Academics để được tư vấn về việc chọn trường.

3. Chuyên môn : Chuyên môn của từng trường có thể khác nhau tùy thuộc vào việc trường đó thuộc khối giáo dục chuyên ngành, khối nghiên cứu, hay khối đại cương. Các trường đại học đại cương thường tập trung vào giảng dạy và tương tác giữa học sinh và giáo sư. Các trường đại học chuyên ngành thường đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể và thường không linh hoạt trong việc để cho sinh viên tự chọn môn học như ở đại học đại cương. Mặt khác, các trường chuyên về nghiên cứu thường tuyển nhiều sinh viên sau đại học, có các giáo sư nổi tiếng thế giới và cơ sở vật chất lý tưởng.

Video giới thiệu Khóa học lập kế hoạch du học - Academy.vn

4. Tỷ lệ nhận : Tỷ lệ người nộp đơn được nhận – hay còn gọi là “độ chọn lọc” - cũng là một yếu tố cần xem xét khi chọn trường. Những trường có “độ chọn lọc” cao là những trường có số người nộp đơn rất cao nhưng số được nhận ít. Trong khi nhiều trường khác gần như nhận bất cứ sinh viên nào đáp ứng yêu cầu nhập học của họ.

5. Kinh phí : Về kinh phí, cân nhắc số một là học phí và các lệ phí khác. Khi quyết định đi du học, sinh viên phải nhìn nhận một cách thực tế về tình hình tài chính của gia đình dành cho việc chi trả học phí, sinh hoạt, sách vở và đồ dùng học tập cho suốt thời gian học. Cân nhắc thứ hai là nhà ở. Không phải trường nào ở Mỹ cũng có ký túc xá. Vì vậy sinh viên phải tìm hiểu xem chỗ ở trong trường và ngoài trường như thế nào. Nếu thuê nhà ở ngoài trường, cần xem xét giá thuê nhà, chi phí đi lại cũng như thời gian đi lại để so sánh với mức chi phí nếu ở ký túc xá. Nếu sinh viên muốn ở ký túc xá, cần tìm hiểu về loại hình ký túc xá như phòng riêng hay phòng chung vì giá cả sẽ khác nhau.

6. Khu vực địa lý : Tiếp theo là cân nhắc về khí hậu và vị trí địa lý. Hoa Kỳ là một quốc gia lớn với nhiều vùng khí hậu khác nhau (chẳng hạn như khí hậu bốn mùa ở vùng Đông Bắc hay khí hậu sa mạc tại Arizona) và môi trường sống khác nhau (giữa khu vực thành thị và nông thôn). Các thành phố lớn thường có nhiều nhà hàng, địa điểm vui chơi, bảo tàng và khu mua sắm…, trong khi các thị trấn nhỏ thường yên tĩnh hơn. Khi cân nhắc vị trí địa lý của trường, sinh viên nên chọn vùng nào phù hợp với chuyên ngành học của mình. Ví dụ sinh viên chuyên ngành mỹ thuật nên chọn môi trường đô thị như thành phố New York, nơi các bạn có thể dễ dàng tiếp cận các bảo tàng nghệ thuật và triển lãm nổi tiếng.

7. Môi trường xã hội : Khi đi học đại học, các yếu tố ảnh hưởng đến đời sống của sinh viên bao gồm các hoạt động xã hội, số sinh viên quốc tế, các tổ chức đoàn thể của trường và các hoạt động ngoại khóa. Đời sống xã hội phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động ngoại khóa (thể thao, xã hội, văn hóa…) cũng như số lượng sinh viên sống trong ký túc xá của trường. Các trường học ngoại trú (sinh viên sống ở nhà hoặc thuê nhà bên ngoài) thường có ít các hoạt động vào cuối tuần và vì thế có ít cơ hội để sinh viên hòa nhập. Số lượng sinh viên quốc tế ở các trường có thể từ 700 đến 7.000 sinh viên. Những trường có số lượng sinh viên quốc tế lớn thường có văn phòng hành chính dành riêng cho sinh viên quốc tế, cung cấp các dịch vụ, các hoạt động mở rộng quan hệ và hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến đời sống sinh viên quốc tế.

8. Thể dục thể thao : Đối với các hoạt động ngoại khóa như thể thao, kịch, các câu lạc bộ học thuật…, nếu biết trường nào cung cấp loại hoạt động gì có thể hữu ích cho sinh viên trong việc quyết định xem môi trường đại học nào họ muốn hướng tới, và giúp rút ngắn các lựa chọn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sinh viên có thể tự thành lập các câu lạc bộ và hoạt động mình yêu thích nếu ở trường chưa có.

9. Xếp hạng trường : Yếu tố cuối cùng không kém phần quan trọng phải cân nhắc là bảng xếp hạng của các trường… Các bạn lưu ý là ở Mỹ không có một hệ thống xếp hạng chính thức nào, và các bảng xếp hạng phổ biến hiện nay (chẳng hạn như U.S. News và World Report) cũng chỉ mang tính chủ quan và không nhất thiết dựa trên tiêu chuẩn chất lượng chương trình hay danh tiếng của các trường.

Để bắt đầu tìm trường phù hợp cho mình, bạn có thể tham khảo cẩm nang Golden Path Guide của chúng tôi, hoặc tham khảo các trang khác như U.S. News hay Collegeboard.

Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, việc làm thêm khi chọn du học Mỹ có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các công ty tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí