Đó là một cố gắng của ngành giáo dục trong việc thực hiện nghị quyết trung ương 29 về đổi mới giáo dục và Luật GDĐH, nhằm ổn định và nâng cao chất lượng hệ thống GDĐH nước ta. Cộng đồng GDĐH đang chờ đợi và theo dõi việc thực hiện nghị định này.

Dưới đây là một số trao đổi nhằm tìm hiểu nghị định nói trên, mong những người có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện làm sáng tỏ.

Theo nghị định, có thể hiểu phân tầng và xếp hạng thuộc cùng một khái niệm, chỉ khác nhau: phân tầng là “xếp hạng” trong ba tầng lớn, còn xếp hạng được thực hiện chi tiết hơn trong từng tầng.

Theo kinh nghiệm quốc tế mà chúng tôi hiểu, phân tầng chủ yếu theo chức năng của các cơ sở GDĐH, phần lớn do Nhà nước quy định, dựa vào nhu cầu của quốc gia và khả năng của các cơ sở GDĐH.

Nhà nước sẽ đầu tư và đưa ra chính sách phù hợp với chức năng được quy định của các cơ sở GDĐH trong các tầng đó nhằm thúc đẩy sự phát triển của chúng theo lợi ích quốc gia. Một ví dụ nổi tiếng về khái niệm này là phân tầng hệ thống GDĐH công lập của bang California, Hoa Kỳ năm 1960 mà các chuyên gia GDĐH các nước OECD khuyến cáo các nước này nên tham khảo cho mô hình GDĐH của mình vào thế kỷ 21.

Còn xếp hạng là kết quả của đánh giá về chất lượng, thường không phải của Nhà nước mà là của một số tổ chức dân sự. Có thể lấy ví dụ về xếp hạng của Trường đại học Giao thông Thượng Hải, của tạp chí U.S. News...

Một loại hoạt động xếp hạng phổ biến hơn là kiểm định trường đại học, chủ yếu để biết các trường đạt hay không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Mục tiêu của xếp hạng là cung cấp thông tin về các cơ sở GDĐH cho công chúng chọn trường để học hoặc chọn sản phẩm đào tạo để sử dụng.

Như vậy nên hiểu phân tầng và xếp hạng là hai khái niệm khác nhau, nhằm các mục tiêu khác nhau, do các chủ thể khác nhau thực hiện. Vì phân tầng gắn với các quy định của Nhà nước về chức năng của cơ sở GDĐH nên hệ thống phân tầng thường ổn định, không đổi, hoặc chỉ thay đổi khi nhu cầu của quốc gia đối với các tầng cơ sở GDĐH có biến đổi. Khi đã gắn với chức năng được Nhà nước quy định thì các tầng cơ sở GDĐH phải hoạt động phù hợp với các tiêu chí gắn với chức năng đó, theo sự phân công đã có.

Chẳng hạn các tầng cao ở trên cùng được quy định tập trung vào nghiên cứu, đào tạo cấp sau đại học và chỉ đào tạo một số lượng giới hạn cấp đại học, thì phải tuyển sinh cấp đại học số lượng ít và chọn lọc mạnh nhằm đảm bảo đào tạo chất lượng cao, không được hi sinh chất lượng, “lấn sân” tuyển sinh của các tầng thấp để tăng số lượng, tăng thu nhập. Các tầng thấp được phân công đào tạo cấp đại học thì cần tập trung đào tạo tốt cấp này chứ không hướng lên đào tạo các cấp cao hơn để hi vọng sẽ được “chuyển tầng”.

Cũng giống như một trường tiểu học không nên phấn đấu để thực hiện chức năng của một trường trung học. Hệ thống các tầng GDĐH công lập của California tồn tại trong gần 60 năm mà các cơ sở GDĐH hầu như không đổi về chức năng, không có chuyển tầng. Do đó có lẽ việc nghị định đưa ra thời hạn 10 năm để đánh giá sắp xếp lại các cơ sở GDĐH trong các tầng là không phù hợp với khái niệm phân tầng.

Đối với xếp hạng GDĐH thì trên thế giới có khá nhiều hệ thống, mỗi hệ thống chú trọng vào các tiêu chí khác nhau và có những ưu nhược điểm khác nhau, cũng rất khó thực hiện một cách chính xác. Các cơ sở GDĐH và công chúng lựa chọn sử dụng các dịch vụ đó tùy theo sự tín nhiệm và nhu cầu của mình.

Nhà nước rất không nên can thiệp quá sâu vào các hệ thống xếp hạng này, chẳng hạn như quy định ở điều 9 Luật GDĐH về việc Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng công nhận việc xếp hạng tương ứng đối với trường đại học, trường cao đẳng. Việc Nhà nước can thiệp sâu vào hệ thống này sẽ tạo khó khăn cho hoạt động của hệ thống, giảm sự cơ động của các cơ sở GDĐH.

Có lẽ Nhà nước chỉ nên quản lý chặt việc phân tầng để đảm bảo có một hệ thống GDĐH hợp lý, mỗi cơ sở thực hiện tốt sứ mạng và chức năng của mình, và nên thả nổi việc xếp hạng GDĐH cho các tổ chức xã hội và cộng đồng GDĐH thực hiện.

Để triển khai việc phân tầng và xếp hạng GDĐH thuận lợi và có hiệu quả, trong thời gian sắp tới mong các cơ quan chịu trách nhiệm về GDĐH giải thích rõ hơn các khái niệm đã nêu.

Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/nen-hieu-the-nao-ve-phan-tang-va-xep-hang/997219.html