Thí sinh lựa chọn cụm thi địa phương có được xét vào đại học?

Nhiều thí sinh tỏ ra băn khoăn nếu lỡ chọn cụm thi tại địa phương để xét công nhận tốt nghiệp thì cơ hội vào học đại học sẽ thế nào.

Rất nhiều học sinh có học trung bình – yếu lúc đầu chỉ nghĩ thi để đậu tốt nghiệp nên thi ở cụm thi tại địa phương. Tuy nhiên, đa số các em đều băn khoăn liệu đạt điểm cao nhưng cánh cổng đại học có bị khép lại?

Giải đáp thắc mắc này, ông Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Đảm bảo chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết những thí sinh tại các cụm thi địa phương chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét công nhận tốt nghiệp THPT vẫn có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐ đã đăng ký tuyển sinh riêng.

Các trường đại học này được quyền tuyển sinh riêng theo đề án tuyển sinh của trường không sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia.

Một số trường đại học, cao đẳng chỉ cần các em tốt nghiệp THPT và xét kết quả học tập năm lớp 12 hoặc quá trình học 3 năm ở phổ thông.

Vậy các em vẫn còn cơ hội vào ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải công bố công khai phướng thức tuyển sinh vào các ngành của trường trước 1/1/2015.

Vì vậy, các em cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để tham gia tuyển sinh vào những trường này, phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện gia đình; nên cân nhắc thật kỹ trước khi đăng ký tham dự kỳ thi để phù hợp với nguyện vọng và năng lực cá nhân”, ông Kiên lưu ý.

Giải thích thêm về sự khác nhau của thí sinh dự thi tại 2 cụm thi, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết các thí sinh thi ở các cụm thi khác nhau có các mã khác nhau, hoàn toàn có thể phân biệt được thí sinh thi ở cụm thi nào.

Kỳ thi quốc gia chủ yếu sẽ là tổ chức thi ở các cụm do trường đại học chủ trì, việc tổ chức thi ở các cụm địa phương chỉ thực hiện khi có những học sinh ở địa phương không có nguyện vọng sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển vào các trường đại học, và tự nguyện đăng ký thi ở cụm địa phương.

“Thực tế trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014 có khoảng gần 20% số học sinh chỉ thi tốt nghiệp. Và như vậy, việc không sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào trường đại học là do thí sinh tự nguyện”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Giải đáp về điều kiện không phải thi môn ngoại ngữ, ông Trần Văn Kiên chia sẻ với môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nhật.

“Những học sinh Giáo dục trung học và học viên Giáo dục thường xuyên không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, thí sinh được chọn môn thi thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý”, Phó Cục trưởng Cục khảo thí cho biết.

Cụ thể giáo viên dạy môn Ngoại ngữ thiếu hoặc chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, năng lực dạy học yếu; việc thực hiện chương trình không liên tục; học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu Ngoại ngữ yếu hoặc do chuyển trường nên phải học đổi môn Ngoại ngữ; các điều kiện về trang thiết bị dạy học, thực hành tiếng chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học,.v.v. Những thí sinh này được thi thay thế môn Ngoại ngữ do Giám đốc Sở GD-ĐT quyết định.

Có hạn chế tình trạng luyện thi đại học?

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về việc hạn chế việc luyện thi vào các trường đại học, đặc biệt là các đại học lớn khi Bộ GD-ĐT không bắt buộc tất cả các trường phải sử dụng kết quả của kỳ thi chung?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa cho rằng những trường không sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển thì cần phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh, đáp ứng các yêu cầu được quy định trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Một trong những yêu cầu đặt ra là không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi.

Ông Nghĩa thông tin thêm cũng như kỳ thi “3 chung” trước kia, đối với kỳ thi THPT quốc gia, để đảm bảo chất lượng đầu vào, sau khi có kết quả thi, Bộ cũng sẽ đưa ra ngưỡng chất lượng đầu vào làm căn cứ để các trường xét tuyển.

Trước băn khoăn của thí sinh về nguyện vọng xét tuyển vào đại học sau khi có kết quả của kỳ thi quốc gia, ông Nghĩa thông tin quy định về công tác xét tuyển sẽ được đưa vào Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

“Về nguyên tắc, quy trình xét tuyển phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh (cố gắng đảm bảo những học sinh có kết quả cao sẽ không bị trượt), đồng thời đảm bảo để các trường không gặp quá nhiều khó khăn trong công tác xét tuyển. Và Bộ sẽ nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin trong công tác xét tuyển để giảm khó khăn cho trường cũng như học sinh”, ông Nghĩa khẳng định.

Nguồn VTC, http://vtc.vn/lo-chon-cum-thi-dia-phuong-lieu-con-co-hoi-vao-dai-hoc.543.506173.htm