Tin liên quan

>> Lạm thu bao giờ chấm dứt?

>> Lạm thu học phí tại nhiều trường

>> Không bỏ được lạm thu do qui định phá rào của Bộ GD

Thông tư chống lạm thu...

Với Thông tư số 29 Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành "Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”, lần đầu tiên những khoản đóng góp "tự nguyện” mang một cái tên mỹ miều hơn là "tài trợ”. Hơn cả văn bản được Bộ ban hành năm 2011 là Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, sự ra đời của Thông tư lần này liệu có làm những khoản "lạm thu” hết lạm? Đó là sự hồ nghi có lý của dư luận bởi trong thực tế những ngày này, các trường học đang tổ chức họp phụ huynh đầu năm và tiền trường vẫn đang không ngừng tăng như giá cả ngoài chợ.

Thông tư này là văn bản quy phạm pháp luật mới nhất vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhằm quản lý các khoản thu chi trong nhà trường. Trước đó, tháng 11-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó đã qui định rõ những những khoản tiền mà Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học, vớí hình thức đóng góp tự nguyện. Vậy nhưng trong thực tế các khoản tiền đóng góp ngoài học phí mang tên tự nguyện vẫn tồn tại mặc nhiên. Các năm 2010 và 2011, Bộ Giáo dục - Đào tạo đều có công văn gửi ủy ban nhân dân và sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố, đề nghị tăng cường kiểm tra chấn chỉnh "lạm thu”, đồng thời Bộ cũng tổ chức thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ đầu năm học và thu chi tại một số tỉnh, thành phố. Và lần này với việc ban hành một Thông tư, theo giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính pháp lý sẽ cao hơn để có cơ sở giải quyết tốt hơn tình trạng "lạm thu.”

 

Học phí tăng nhanh hơn tiền chợ, Lạm thu học phí, Tiền xây dựng trường, tận thu học phí, phí tự nguyện, hội phụ huynh học sinh, dai doan ket

Cũng chỉ là văn bản

Nhưng trong thực tế, có lẽ giống với những điều lệ hay công văn của những năm học trước, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ trở thành một thứ văn bản để nói với nhau về tính pháp lý trên giấy. Cùng với giá xăng, giá gas, giá điện, giá thịt, giá rau…, vừa vào đầu năm học, các gia đình đều mướt mồ hôi, vì các khoản chi phí học hành cho con cái cũng đội giá vù vù theo thời giá thị trường. Ngoài các khoản đóng góp tăng gấp đôi, thì khoản quĩ hội cha mẹ học sinh, theo phụ huynh vừa dự xong cuộc họp đầu năm, là có những trường, những lớp cũng tăng đến trên 55 %... Dường như những câu chuyện tăng phí tại các nhà trường chưa đến hồi kết thúc, một phần do sự tác động của thị trường giá cả, còn một phần là do cơ chế thu – chi đầu năm học của một số trường học.

Chưa bao giờ việc tăng giá ở trường học lại dễ dàng như hiện nay. Hầu như gia đình nào cũng có con em đến trường, ai cũng mong muốn tạo được cơ hội học hành tốt nhất cho thế hệ tương lai. Nắm bắt được tâm lý này, không ít nhà trường (từ bậc mầm non, tiểu học đến THCS, THPT…) đã dựa vào "hội phụ huynh học sinh” làm lá chắn để tìm cách tăng các khoản thu. Có nghĩa là chưa có bao giờ tiền trường lại trở thành nỗi nhọc nhằn với các gia đình thu nhập trung bình trở xuống như bây giờ. Cầm tờ thông báo các khoản đóng đầu năm của nhà trường không ít phụ huynh hoa mắt trước những con số: Tiền học phí…, tiền học phẩm…. đồng phục, tiền quĩ hội, quĩ lớp…, tiền học bán trú…, lại còn cả khoản "thu hộ phụ huynh”…Chỉ mới sơ qua mỗi suất đóng góp tổng cộng 9 triệu đồng. Ngoài những khoản thu theo qui định không ít trường đã tìm cách tăng thu, chỉ cần chìa ra tờ "thánh chỉ” "UBND…cho phép thu….” là các trường đã có một tấm giấy thông hành hợp lệ.

Trong thông báo thu tiền bao giờ cũng có 2 cột rất rõ ràng ‘thu theo qui định” và thu "tự nguyện” mà phần "tự nguyện” này bao giờ cũng có sức nặng hơn nhiều lần. Có những lý do có vẻ như rất hợp lý như, việc vận động phụ huynh học sinh đóng góp để cải thiện cơ sở vật chất trường học, phục vụ việc học tập của học sinh, hay vì mục tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia nhà trường mong được các phụ huynh ủng hộ… "Trăm dâu đổ đầu tằm” mọi khoản đóng góp cần thiết của nhà trường đều chia đều cho các phụ huynh, vì thế gánh nặng kinh tế từ nhu cầu học tập ngày càng tạo nên một sự quá tải đối với nhiều gia đình công nhân viên chức bình thường, trở thành nỗi lo lắng thường trực trong đời sống của các gia đình.

Một học sinh mẫu giáo tại một trường điểm ở Hà Nội, các khoản tiền đầu năm học 2012-2013 này khoảng 1.500.000đ-2.500.000đ ngàn đồng, đó là chưa kể đến tiền ăn, học năng khiếu khoảng gần 1 triệu đồng. Giá cả thị trường tăng vọt thì khoản học phí mỗi tháng của các học trò cũng ngày một khác…Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế thì khoản tiền đó "tặc lưỡi” là xong, chẳng đáng gì khi con em mình được đào tạo ở môi trường sư phạm tốt vào bậc nhất ở Thủ đô. Vì thế mà người ta đua nhau cho con vào trường điểm cấp quận, cấp thành phố, những mong cho con có cơ hội tốt nhất để học hành tiến tới. Nhưng đối với các gia đình bình thường, trường học (đang nói trường công lập) giá cả tăng chẳng khác gì ngoài chợ. Không ít phụ huynh phàn nàn trên các diễn đàn: "Cứ đà này chắc phải nhịn ăn mà nuôi con học, vì tiền lương cả tháng của tôi chẳng đủ đóng học cho 2 đứa con…” Và rằng: "Vẫn ngôi trường này, vẫn lớp học này, thế mà năm nào cũng yêu cầu đóng tiền mua quạt, lắp điều hòa, sửa sang phòng ốc…Chẳng lẽ quạt, điều hòa mới lắp năm học trước năm nay đã hỏng???”

Chỉ là tự nguyện ...ép buộc

Tất cả những khoản đóng góp núp dưới bóng tự nguyện và hợp lý đến không chê trách được vào đâu. Vì mọi thứ đều là để tạo điều kiện ăn học tốt nhất cho các con của mình, đồ điện tử chuyện hỏng hóc thế cũng là lẽ thường thôi…Và khoản thu nào cũng được bàn bạc với hội phụ huynh, thậm chí nhiều khoản do chính phụ huynh đề xuất. Chưa kể chi tiêu thế nào cũng được liệt kê rõ ràng sau mỗi kỳ quyết toán gửi cho các phụ huynh rồi. Bản thân một lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận: lạm thu thường diễn ra nhiều hơn ở các bậc học mầm non, phổ thông và tại các khu vực đô thị, thành phố. Vậy là lý do phải huy động "tài trợ” từ phụ huynh tức là xã hội hóa giáo dục vì ngân sách nhà nước cấp không đủ là không thuyết phục. Bởi vì tất cả chúng ta đều biết, ngân sách nhà nước bao giờ cũng được đầu tư tập trung hơn cho các bậc học nhỏ tuổi bởi chủ trương phổ cập giáo dục.

Nói về Thông tư 29, không ít người thấy bất hợp lý ngay từ tên gọi, các khoản tiền đóng góp mang tên "tự nguyện” của phụ huynh xưa nay vẫn là đồng loạt như nhau theo một mẫu đơn "tự nguyện” in sẵn, liệu có nên được gọi là "tài trợ”. Tài trợ gì mà cả lớp 40 học sinh thì 40 gia đình cùng nộp 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, dù sao đi nữa với việc Thông tư 29 dành tới 3/11 điều với 9 khoản qui định rõ trách nhiệm của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo và trách nhiệm của thủ trưởng các cơ sở giáo dục về việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cũng là một bước để lạm thu phải có người chịu trách nhiệm cụ thể. Trước đây, quả bóng trách nhiệm được đổ cho phụ huynh, rằng họ tự nguyện và tự thu chi với nhau.

Nhưng câu hỏi liệu năm học 2012 này khi đã có Thông tư 29 của ngành giáo dục, tình trạng lạm thu có giảm không thì như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, câu trả lời chắc hẳn là chẳng những không giảm, tiền trường vẫn đang tăng như tiền chợ!

 

 

Những tin tức đang được quan tâm:

Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi

Kênh Tuyển Sinh (Đaidoanket )