>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015

Điểm ưu tiên khu vực dùng để xét tuyển tất cả các trường ĐH

Thí sinh Bùi Ngọc Anh vừa hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia và có hộ khẩu tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Nếu thí sinh Ngọc Anh đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học thuộc địa bàn thành phố Hà Nội thì có được hưởng 0,5 điểm ưu tiên khu vực không?

Theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành, đối với chính sách ưu tiên theo khu vực: Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học trung học có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó.

Thành phố Thái Nguyên thuộc khu vực II, nếu thí sinh Bùi Ngọc Anh có quá trình học THPT tại thành phố Thái Nguyên thì dù học đại học ở bất kỳ khu vực nào trên cả nước thì thí sinh được cộng 0,5 điểm vào kết quả thi để xét tuyển.

Có hộ khẩu tại Hà Nội, có được cộng điểm ưu tiên khu vực?

Học sinh Nguyễn Thạc Dũng hiện theo học tại trường THPT Lục Nam, tỉnh Bắc Giang nhưng hộ khẩu ở Hà Nội. Học sinh Dũng hỏi, khi đăng ký xét tuyển đại học thì liệu có khó khăn gì không và học sinh có được cộng điểm ưu tiên khu vực không?

Theo quy định, sau kỳ thi THPT Quốc gia, mỗi thí sinh sẽ được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi, học sinh Dũng có nguyện vọng vào học trường đại học, cao đẳng sẽ nộp Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm: Phiếu đăng kí xét tuyển; Bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi và phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ liên lạc.

Học sinh có thể nộp trực tiếp tại trường có nguyện vọng học hoặc gửi bằng đường chuyển phát nhanh về địa chỉ của trường, không có bất cứ khó khăn nào.

Học sinh Dũng sẽ được cộng điểm ưu tiên theo khu vực, được quy định đối với nơi học sinh đang học THPT.

Cộng điểm ưu tiên khu vực trong trường hợp chuyển trường

Học sinh Lê Thị Minh Hằng sống và học tập tại tỉnh Tuyên Quang từ nhỏ và hiện đang học lớp 11 tại trường THPT chuyên Tuyên Quang. Năm học tới, học sinh Hằng sẽ cùng gia đình chuyển vào TP. Nha Trang sinh sống. Học sinh Hằng hỏi, năm sau thi đại học, học sinh có được cộng điểm ưu tiên miền núi không?

Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành quy định về chính sách ưu tiên theo khu vực, cụ thể:

"Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học trung học có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh".

Như vậy, học sinh Lê Thị Minh Hằng có thời gian 2 năm học THPT tại Tuyên Quang thì được hưởng chính sách ưu tiên đối với khu vực tại Tuyên Quang.

Mẹ là người dân tộc Tày, con có được cộng điểm ưu tiên?

Theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành, công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại khu vực nào được hưởng chính sách ưu tiên theo quy định.

Học sinh Nguyễn Ngọc Diệp (Hà Nội): Mẹ em là người dân tộc Tày, bố em là người dân tộc Kinh, em cũng là người dân tộc Kinh. Vậy xin hỏi em có được hưởng chế độ cộng điểm ưu tiên 06 trong kỳ thi đại học không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành: Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại khu vực nào thì được hưởng chính sách ưu tiên của khu vực đó theo quy định. Theo như nội dung học sinh Nguyễn Ngọc Diệp hỏi, học sinh sẽ không được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng là người dân tộc thiểu số.

Học sinh Phạm Tuấn Lâm (TP. Hồ Chí Minh): Hiện nay em đang học lớp 12 tại trường THPT Bình Hưng Hoà. Bố em là bộ đội xuất ngũ thì xin hỏi em có thuộc nhóm đối tượng ưu tiên trong thi THPT Quốc gia không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, chỉ có bản thân là bộ đội xuất ngũ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự mới được hưởng chính sách ưu tiên trong xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Do đó, trường hợp học sinh Phạm Tuấn Lâm không thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu tiên.

Học sinh Chu Ngọc Hải (Nghệ An): Mẹ em từng tham gia làm nghĩa vụ quốc tế từ năm 1985 - 1988 (cụ thể là ở Lào) và được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 62/2011/QĐ -TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ, được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương chiến sĩ vẻ vang và Huân chương chiến công. Vậy xin hỏi em có được cộng thêm điểm ưu tiên khi xét tuyển đại học 2015 không? Em đã nộp hồ sơ, nếu bây giờ em bổ sung thêm giấy chứng nhận Huân chương của mẹ em thì có được xét điểm cộng ưu tiên nữa không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng: “Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế có giấy chứng nhận được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”.

Thí sinh là con thương binh được cộng bao nhiêu điểm ưu tiên?

Thí sinh là “con thương binh” sẽ được cộng điểm ưu tiên vào kết quả thi để xét tuyển vào đại học hoặc cao đẳng. Tùy theo mức độ thương tật, sẽ được hưởng mức điểm cụ thể.

Học sinh Vũ Thị Thuỷ (Bắc Ninh): Em là học sinh lớp 12, chuẩn bị tham gia kỳ thi THPT Quốc gia, bố em là thương binh loại A, thương tật hạng 4/4. Xin hỏi em có được cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển đại học không, và em cần những giấy tờ gì để được cộng điểm?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, thí sinh là “con thương binh” sẽ được cộng điểm ưu tiên vào kết quả thi để xét tuyển vào đại học hoặc cao đẳng. Tùy theo mức độ thương tật, sẽ được hưởng mức điểm cụ thể, nếu bố học sinh Vũ Thị Thuỷ là thương binh hạng 4/4 thì sẽ được cộng thêm 1,0 điểm vào tổng điểm kết quả thi 3 môn để xét tuyển (theo thang điểm 10/1 môn thi).

Học sinh Nguyễn Hương Khánh Ly (Hưng Yên): Bố em là người trực tiếp tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, đã được cấp Quyết định hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Vậy xin hỏi em có đủ điều kiện hưởng chế độ ưu tiên đối tượng 06 trong tuyển sinh đại học, cao đẳng không? Nếu được thì em được cộng bao nhiêu điểm?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng: “Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế có giấy chứng nhận được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”. Giấy tờ để được hưởng, gồm:

- Quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Giấy tờ chứng minh đã được khen tặng Huân chương kháng chiến hoặc Huân chương chiến thắng; Huy chương kháng chiến hoặc Huy chương chiến thắng.

Thí sinh được cộng thêm 1,0 điểm vào tổng điểm kết quả thi 3 môn để xét tuyển (theo thang điểm 10/1 môn thi).

Giấy tờ để được hưởng, gồm:

- Quyết định trợ cấp một lần của Sở Lao động thương binh và xã hội.

- Huân chương Kháng chiến hoặc Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến hoặc Huy chương Chiến thắng.

Như nội dung học sinh Chu Ngọc Hải nêu trên thì chưa đủ điều kiện để được hưởng ưu tiên.

Theo báo điện tử Chính phủ