>> Đào tạo liên thông đại học và Cao đẳng

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời một số câu hỏi của bạn đọc về việc tuyển sinh đào tạo liên thông năm 2012, chế độ miễn học phí khi học liên thông, quy định tổ chức thi và cấp bằng, tình trạng học hộ tại các lớp học liên thông…

Bà Hoàng Thanh (hoangthanh565@…) và một số sinh viên có địa chỉ email: ngocduy220893@…, minhchien2003@…, nhocsock02@…, hongnhan296@…, hỏi: Năm 2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo còn tuyển sinh hệ liên thông không và sinh viên học liên thông được hưởng quyền lợi gì? Học sinh dân tộc và vùng 135 khi học liên thông có được hưởng chế độ miễn giảm học phí không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Năm 2012, các cơ sở đào tạo tiếp tục tuyển sinh đào tạo liên thông theo quy định tại Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13/2/2008 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

Người học chương trình đào tạo liên thông theo phương thức nào thì được cấp bằng theo phương thức đó (cấp bằng chính quy, bằng vừa học vừa làm). Khi ra trường được tuyển dụng vào các vị trí công việc tùy theo trình độ và yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Thông tư số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 thì học sinh dân tộc và vùng 135 khi học hệ liên thông không được miễn giảm học phí.

Ông Lê Tích (letich.dn567@…) hỏi: Khi chấn chỉnh, sửa đổi và quản lý hệ đào tạo liên thông được thực hiện trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có xem xét việc đào tạo, cấp bằng, bảng điểm hệ liên thông giống với hệ đại học dài hạn không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Trong thời gian qua, việc đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học đã góp phần nâng cao trình độ của người lao động, của cán bộ các bộ, ngành và các địa phương. Tuy nhiên, một số cơ sở đào tạo chưa thực hiện đúng theo các quy định tại Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13/2/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học và gây bức xúc trong dư luận.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo Thông tư về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học thay thế Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT nêu trên nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập trong quá trình đào tạo liên thông. Trong thời gian tới, dự thảo Thông tư này sẽ được đưa lên mạng để lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành chính thức.

Sinh viên Cao Cường (caocuong.law@…) hỏi: Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp tới có xem xét điều chỉnh lại quy định sinh viên hệ cao đẳng của trường đại học nào thì chỉ được thi liên thông ở trường đại học đó không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Việc đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường (cơ sở đào tạo) thực hiện theo Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13/2/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiệu trưởng các trường đại học và cao đẳng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tổ chức đào tạo các trình độ của trường mình, nếu vi phạm các quy định tại Thông tư này sẽ bị xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến đình chỉ tuyển sinh và bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật.

Ý kiến của bạn về việc thay đổi những bất cập trong việc tổ chức thi và học liên thông từ cao đẳng lên đại học đã được đưa vào dự thảo Thông tư đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học và trong thời gian tới sẽ được đưa lên trang Web của Bộ để xin ý kiến góp ý của toàn xã hội.

Ông Nguyễn Phước Tân (1964phuoctan@…) phản ánh: Hiện nay trong các trường đại học Mở, học liên thông còn nhiều tình trạng nộp tiền và thuê người đi học hộ, sau đó hết khóa học ra trường có bằng và vẫn bố trí công việc trong các doanh nghiệp nhà nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng giải quyết như thế nào với tình trạng không học mà có bằng này?

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Việc tổ chức quản lý đào tạo từ xa, liên thông các trình độ ở các trường do Hiệu trưởng chịu trách nhiệm thực hiện theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu để xảy ra các trường hợp sai phạm thì Hiệu trưởng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực như trên phải được phản ánh kịp thời và có bằng chứng cụ thể thì cơ sở đào tạo và Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có thể tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lí được.

Chấn chỉnh đào tạo liên thông liên kết trình độ CĐ, ĐH

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản chỉ đạo yêu cầu các trường ĐH, CĐ chấn chỉnh đào tạo liên thông liên kết. Theo đó, Bộ GD-ĐT các cơ sở giáo dục không tổ chức liên kết đào tạo liên thông để cấp bằng chính quy ngoài cơ sở đào tạo của trường.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, hiện nay việc tổ chức, quản lý đào tạo liên thông, liên kết tại một số đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng (sau đây gọi chung là trường) không đúng quy định và chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng.

Để chấn chỉnh việc này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ thực hiện đúng các quy định về đào tạo liên thông và liên kết (Quyết định số 06/2008/QĐ ngày 13/02/2008QĐ-BGDĐT, Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT); chú trọng tới các giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo.

Không tổ chức liên kết đào tạo liên thông để cấp bằng chính quy ngoài cơ sở đào tạo của trường. Các trường đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, từ trung cấp nghề và cao đẳng nghề lên cao đẳng và đại học phải có quyết định giao nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Công bố công khai chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng, kế hoạch đào tạo cho người học trên trang thông tin điện tử của trường. Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý các trường thực hiện sai quy định trong đào tạo liên thông, liên kết.

Những tin tức đang được quan tâm:

Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi

Kênh Tuyển Sinh ( Theo Chinhphu.vn)