Hiện tại, thí sinh cả nước đang trong giai đoạn làm hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học 2020. Nhiều thí sinh băn khoăn không biết lựa chọn trường nào/ngành nào và đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là đủ.

> Hướng dẫn cách đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học 2020

Đăng ký thi THPT 2020: Nên chọn bài thi tổ hợp nào?

Không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, theo số liệu thống kê của Vụ Giáo dục đại học, trong thời gian qua, khi cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, hầu hết các em trúng tuyển và nhập học với 2-3 nguyện vọng đầu tiên trong lần xét tuyển đợt 1. Số thí sinh trúng tuyển trong những đợt xét tuyển lần 3, 4, 5 chiếm tỷ lệ rất ít.

Dù thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhưng nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 thì sẽ không sử dụng tới các nguyện vọng sau.

“Các em cần xác định nguyện vọng 1, 2 là nguyện vọng chính, quan trọng nhất, phù hợp với năng lực và mong muốn của mình. Các em đã có 3 năm THPT để suy nghĩ, lựa chọn và tập trung học tập, ôn thi cho ngành nghề phù hợp với khả năng, sở trường, thế mạnh của mình, phù hợp với điều kiện kinh tế, sức khỏe, gia đình... Vì thế, chọn ngành, chọn trường không nên là câu chuyện của thời gian cuối. Đây là thời điểm các em cần tập trung cao độ cho việc ôn thi hiệu quả để đạt mục tiêu trúng tuyển vảo trường mơ ước”, bà Thủy nhấn mạnh.

TS Cao Xuân Liễu, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Quản lý giáo dục cũng cho rằng: “Cần phải khẳng định thêm là theo quy định, Bộ GD-ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng xét tuyển. Điều đó tùy thuộc vào ý muốn của thí sinh. Tuy vậy, với kinh nghiệm làm công tác đào tạo và hướng nghiệp tuyển sinh lâu năm, tôi cho rằng việc thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng với các ngành khác nhau vào các trường đại học khác nhau là không cần thiết và không nên”.

Đăng ký xét tuyển đại học: Đừng nên chọn quá nhiều nguyện vọng - Ảnh 1

Thí sinh tự do đăng ký nguyện vọng nhưng chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất

TS Cao Xuân Liễu lý giải, khi thí sinh đăng ký vào quá nhiều ngành khác nhau, sự tập trung vào ngành học, khối thi của thí sinh sẽ bị phân tán. Kể cả khi trúng tuyển, thí sinh cũng rất khó khăn khi lựa chọn trường, ngành nhập học. Vì vậy, các em cần cân nhắc khi lựa chọn ngành học, trường thi phù hợp với năng lực, mức độ yêu thích và cần tính cả đến yếu tố rủi ro.

“Các em nên sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo các tiêu chí như trường yêu thích, ngành yêu thích nhưng điểm ngưỡng đầu vào cao, cơ hội thấp; ngành yêu thích, trường không yêu thích nhưng cơ hội trúng tuyển cao; ngành yêu thích, trường yêu thích và cơ hội trúng tuyển cao… Do đó, các em nên tìm hiểu các thông tin về ngưỡng trúng tuyển, cũng như chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trong những năm trước mà mình dự định đăng ký hiện nay, hầu hết các trường đại học đều đã công bố đề án tuyển sinh của mình. Nhìn chung, các trường đều đa dạng hình thức xét tuyển để có được sinh viên có chất lượng nhất, như xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào học bạ, xét tuyển hỗn hợp và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT năm 2020”, TS Liễu lưu ý.

Cũng theo Trưởng phòng GD-ĐT Học viện Quản lý giáo dục, năm nay, nhiều trường đại học đa dạng phương thức xét tuyển. Đây là cơ hội để thí sinh có thể bước chân vào trường đại học với ngành nghề mình yêu thích. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lưu ý là theo quy chế, các trường phải công bố chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển, nên các em cần chú ý cân nhắc khi sử dụng phương thức đăng ký xét tuyển. Cần tính toán và dự đoán được với năng lực điểm số của mình hiện tại thì phương thức nào là phù hợp và khả thi nhất đối với mình. Muốn vậy, thí sinh phải chú ý tới thông tin tuyển sinh được công bố rộng rãi của các trường đại học.

Điều đặc biệt cần lưu ý là khác với năm 2019, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo không sử dụng cổng thông tin để cung cấp các thông tin về các trường đại học mà thí sinh tự tìm thông tin về các trường để đăng ký xét tuyển mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục hỗ trợ thí sinh đăng ký tổ hợp xét tuyển. Thí sinh có thể và nên sử dụng nhiều hình thức đăng ký xét tuyển để đảm bảo hơn về cơ hội trúng tuyển vào ngành học, trường đại học mình yêu thích và phù hợp với nguyện vọng.

Cách đăng ký nguyện vọng phù hợp, cơ hội trúng tuyển cao

Kênh Tuyển Sinh xin đưa ra một số gợi ý giúp thí sinh sắp xếp các nguyện vọng xét tuyển đại học một cách hợp lý, có cơ hội trúng tuyển cao:

- Điều quan trọng nhất là thí sinh phải chọn ngành thực sự yêu thích và chọn trường/ngành phù hợp với khả năng, sở trường của bản thân.

- Lập bảng danh sách các trường, các ngành mình đang quan tâm (nên căn cứ vào sự yêu thích, cơ hội việc làm, phẩm chất cần có...)

- Lựa chọn khoảng 5 ngành/trường có điểm chuẩn năm trước phù hợp với khả năng của mình (so sánh với kết quả trong những lần thi thử, năng lực học tập do bản thân tự đánh giá).

Xem thêmĐiểm chuẩn khối ngành kỹ thuật, công nghệ qua 3 năm gần nhất

- Sắp xếp thứ tự các nguyện vọng ngành/trường theo sự yêu thích và phù hợp khả năng. Ngành/trường nào yêu thích nhất để nguyện vọng 1. Những nguyện vọng khác xếp tiếp sau theo thứ tự thích nhiều hay thích ít hơn. 

- Phần mềm sẽ xét tuyển nguyện vọng 1 đầu tiên. Nếu trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi, sẽ không xét các nguyện vọng sau. Do đó nguyện vọng 1 rất quan trọng với các thí sinh. Trường hợp trượt nguyện vọng 1, phần mềm sẽ xét đến nguyện vọng 2, sau đó lần lượt là nguyện vọng 3…

Những lưu ý khác khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học: XEM TẠI ĐÂY.

Theo VOV