Tin liên quan

>> Lách luật để tuyển sinh ở nhiều trường

>> Các trường kéo dài xét tuyển để hy vọng đủ chỉ tiêu

>>Quy chế tuyển sinh mới làm bối rối các trường

Trường ngoài công lập chật vật tuyển sinh

Có trường ngoài công lập (NCL) đến thời điểm này mới chỉ tuyển được thí sinh đến con số hàng chục. Để đạt đủ chỉ tiêu tuyển sinh, với nhiều trường lại là ước mơ. Câu chuyện làm sao có đủ thí sinh để không phải "đóng cửa" ngành của các trường NCL xem ra vẫn còn khá nhiều nan giải...

Khổ như ... cán bộ tuyển sinh trường NCL

Để có được một thí sinh biết đến trường rồi nộp hồ sơ vào trường, đối với cán bộ tuyển sinh các trường NCL quả thực là một "cuộc chiến" thực sự.

Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây - PGS.TS. Hoàng Hữu Nguyên cho biết, 4 đoàn làm công tác tuyển sinh của trường đi gần như suốt năm, bắt đầu từ tháng 2 đã lên đường đi khắp các tỉnh thành. Riêng mùa tuyển sinh năm 2012, tổng cộng trường đã đến 24 tỉnh của phía Bắc. Công việc vô cùng vất vả, lại tốn kém vì nào tiền xe, tiền ăn, tiền ở nhưng kết quả cũng không đến đâu.

Còn theo lời kể của trưởng phòng tuyển sinh ĐH Nguyễn Trãi Trần Văn Tuyến, đội làm công tác tuyển sinh của trường 10 người cùng với khoảng 20 cộng tác viên làm việc gần như cả năm. “Đợt tuyển sinh năm nay chúng tôi đi khắp 15 tỉnh thành, tổng cộng trực tiếp đến làm việc với mấy trăm trường THPT trên cả nước. Nếu thời gian cao điểm, có khi 2 tháng mới được về với vợ con một lần” – anh Tuyến tâm sự.

Mặc dù cách làm việc được cho là bài bản với rất nhiều cách tiếp thị, truyền thông ..., nhưng cho đến thời điểm này, ĐH Nguyễn Trãi mới có tổng cộng khoảng 500 sinh viên cả hai hệ ĐH và CĐ, trong khi chỉ tiêu có đến trên 1000. Cuộc việc tìm kiếm thí sinh vẫn đang tiếp tục. “Trường đã thông báo xét tuyển đến đợt 3, hy vọng sẽ gọi thêm được khoảng 200 thí sinh nữa, nhưng tình hình quả thực rất khó khăn” – anh Tuyến cho biết.

Để tuyển được thí sinh, nhiều trường sẵn sàng trả hoa hồng không nhỏ cho bất kỳ ai giới thiệu được thí sinh vào học tại trường. Chuyện thí sinh Hà Nội nhận được điện thoại mời nhập học của một trường mãi tận miền Tây cũng không còn là chuyện lạ.

Cạnh tranh và căng thẳng

Trong khi hầu hết tân sinh viên các trường ĐH công lập đã ổn định việc học tập thì thời điểm hiện tại, nhiều trường ĐH NCL vẫn căng thẳng với việc tuyển sinh.

GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết, đến thời điểm hiện tại trường mới chỉ đạt được khoảng 50% chỉ tiêu, trong khi đó cùng thời điểm này các năm trước trường đã có thể gọi được 80-90% thí sinh đến nhập học.

Trường ĐH Thành Tây mới bắt đầu xét tuyển từ 25/9. Theo PGS.TS. Hoàng Hữu Nguyên, trong hai hôm đầu xét tuyển có khoảng 60 – 70 thí sinh đến nhập học, trong khi tổng chỉ tiêu của trường là 1400. Trường ĐH quốc tế Bắc Hà cũng mới chỉ tuyển được 30-40 thí sinh. Với con số quá khiêm tốn này, việc có đủ chỉ tiêu được hay không không thể nói trước, tuy nhiên, điều băn khoăn của PGS.TS. Hoàng Hữu Nguyên là, trường chắc chắn sẽ phải kéo dài xét tuyển đến hết tháng 11, nhưng tuyển lắt nhắt, nay chục em, mai chục em thế này, biết tổ chức giảng dạy thế nào?

Căng thẳng và mệt mỏi là tâm trạng của lãnh đạo rất nhiều trường NCL thời điểm này. Ông Ngô Xuân Hà – Hiệu trưởng trường ĐH Thành Đô than thở: Chưa bao giờ công việc tuyển sinh lại vất vả như năm nay. Thí sinh gửi hồ sơ phô tô nhưng gọi lại không đến. Có em đến thăm trường chán chê, gọi đến nhập học xong lại bỏ. Hồ sơ ảo thì quá nhiều. Nhận được 1000 hồ sơ nhưng khi gọi nhập học chỉ được chưa đến 500 em. Trong khi tổng chỉ tiêu của trường có đến 2200 ĐH và 800 CĐ. Ngày 28 ngày trường tổ chức nhập học cho sinh viên nhưng không biết được bao nhiêu em đến.

Không chỉ trường NCL, rất nhiều trường cao đẳng, trường ĐH địa phương cũng kêu khó trong mùa tuyển sinh năm nay.

Có rất nhiều lý do mà các trường NCL gặp khó khăn trong việc xét tuyển như: Thời gian xét tuyển được kéo dài đến tận 30/11 khiến thí sinh cứ trông chờ ở các trường công; điểm nguyện vọng sau không phải cao hơn nguyện vọng trước nên các trường công có điều kiện “vét” thí sinh cho đến đủ chỉ tiêu dẫn đến nguồn tuyển cạn; học sinh không vào dân lập vì sợ ra trường không kiếm được việc làm...

Tuy nhiên, chưa trường nào nhắc đến việc thí sinh không chọn trường mình là do vấn đề chất lượng của trường chưa đảm bảo.

"Có thí sinh thi đỗ và hệ ĐH của trường nhưng kiên quyết xin học hệ cao đẳng để sau đó có thể học liên thông lên ĐH ở một trường công lập" - Ông Ngô Xuân Hà - Hiệu trưởng trường ĐH Thành Đô.

Những tin tức đang được quan tâm:

Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi

Kênh Tuyển Sinh (GD&TĐ)