Tham dự Hội nghị có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT cùng lãnh Sở GD&ĐT, Chủ tịch Công đoàn giáo dục, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT 8 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình.

Hội nghị tập trung đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2014 - 2015 của các Sở GD&ĐT vùng đồng bằng Bắc bộ.

Học kỳ I năm học 2014 - 2015, các Sở GD&ĐT Vùng 2 đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm công tác giáo dục và đào tạo, kế hoạch thời gian năm học 2014 - 2015 của tỉnh; xây dựng các đề án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học; Nghị quyết, Kế hoạch hành động và thành lập Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Các tỉnh đồng bằng Bắc bộ chú trọng chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia

Ảnh minh họa

Công tác quản lý được tất cả các Sở trong vùng chú trọng, trong đó tăng cường thực hiện phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị nhà trường. Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Một số Sở trong vùng đã xác định chủ đề năm học cho toàn Ngành hoặc cho từng bậc học phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Điều này cho thấy sự quyết tâm và quyết liệt trong công tác chỉ đạo có tính tập trung, trọng điểm thực hiện nhiệm vụ năm học 2014 - 2015.

Công tác thanh tra được tăng cường và đổi mới, tập trung vào các vấn đề còn gây bức xúc trong dư luận, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học tại các nhà trường. Tăng cường và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

Về giáo dục mầm non: Toàn vùng triển khai nhiều biện pháp chăm sóc vệ sinh, phòng bệnh và nuôi dưỡng trẻ. Tất cả các tỉnh trong vùng đều tăng tỉ lệ trẻ mầm non ăn bán trú và giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Về giáo dục tiểu học: Nhân rộng mô hình trường học mới VNEN; chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục; áp dụng phương pháp "Bàn tay nặn bột" vào các tiết dạy, bài dạy hoặc chủ đề khoa học đã được giáo viên sử dụng thường xuyên, có hiệu quả; việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT đã giúp học sinh tiến bộ.

Về giáo dục trung học: Các phương pháp, biện pháp dạy học tích cực đã được các sở trong vùng triển khai tập huấn đến toàn thể đội ngũ giáo viên. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá tiếp tục được các sở trong vùng quan tâm và có nhiều giải pháp mang lại hiệu quả cao như: chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc các khâu ra đề, coi, chấm bài kiểm tra và khảo sát chất lượng cuối kỳ; nhận xét, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực; triển khai nhiều giải pháp cụ thể cho học sinh cả về kiến thức, kỹ năng và tâm lý để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.

Về giáo dục thường xuyên: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao nhận thức cho mọi người về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; củng cố hoạt động và nâng cao năng lực của các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm tin học, ngoại ngữ; tăng cường về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học.

Về giáo dục chuyên nghiệp: Rà soát hoàn thiện chương trình đào tạo, tăng cường cải tiến đổi mới giáo trình, bổ sung thêm nhiều đầu sách cho thư viện, tăng thời lượng thực hành, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên, xây dựng chuẩn đầu ra; thời gian dành cho kỹ năng thực hành với một số chuyên ngành đã được tăng lên; tích cực đổi mới phương pháp dạy - học, đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng đào tạo qua các khâu kiểm tra, thi...

Lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi, chia sẻ và định hướng giúp tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị của các địa phương trong việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020, về đánh giá học sinh tiểu học, định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, kinh phí chi Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non, mở rộng đường truyền phần mềm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, kinh phí cho công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên...

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao những kết quả mà các Sở GD&ĐT Vùng 2 đã đạt được. Các Sở đã chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn thực hiện nhiều giải pháp đổi mới giáo dục và đào tạo.

Thứ trưởng chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II của năm học, đặc biệt là việc chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, có nhiều sáng kiến để nhân rộng mô hình giáo dục mới theo hướng phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học, triển khai có hiệu quả chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông.

Theo Giáo dục Thời đại, tin gốc: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cac-tinh-dong-bang-bac-bo-chu-trong-chuan-bi-cho-ky-thi-thpt-quoc-gia-694238-c.html