>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015
Vẻ mặt mệt mỏi của cả phụ huynh và thí sinh khi phải chờ đợi rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh - Nguyễn Khánh |
Có lẽ ngày 20-8 sẽ đi vào lịch sử tuyển sinh ở nền giáo dục nước ta. Trước khi diễn ra kỳ xét tuyển có một không hai này, những cán bộ làm công tác tuyển sinh - có bề dày kinh nghiệm hàng chục năm - cũng không thể tưởng tượng được hết những rắc rối, những chuyện bi hài, những tiếng thở dài não nề, sự lo lắng đến cùng cực của thí sinh, phụ huynh và chính các trường.
Chưa chắc phụ huynh và thí sinh chấp nhận vì một lời xin lỗi không đủ để đổi lấy những gì mà họ phải trải qua trong 20 ngày qua; nhưng chí ít lời xin lỗi cũng thể hiện tấm lòng thành, thể hiện nét văn hóa của những người đứng đầu Bộ GD-ĐT. |
Dư luận ví kỳ xét tuyển này giống như thị trường chứng khoán, nộp vào rút ra... Sự ví von ấy đã là quá ê ẩm cho Bộ Giáo dục - đào tạo, nhưng trên thực tế của ngày 20-8, ngày cuối của đợt 1 đăng ký xét tuyển, thì nó cũng chưa lột tả hết được nỗi lo lắng đến tăng huyết áp, đau tim của phụ huynh và thí sinh.
Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH tại TP.HCM kể rằng cứ năm phút một lần, phòng đào tạo, ban giám hiệu, phòng công nghệ thông tin lại hội ý, rồi căng mắt nhìn lên màn hình theo dõi số liệu. Bên ngoài, phụ huynh và thí sinh ngồi chờ chực đông nghịt.
Với số lượng đông đảo phụ huynh và thí sinh, thường rất ồn ào, nhưng khi nhà trường cập nhật điểm, không khí bỗng im lặng như tờ. Điểm nhích lên theo giờ, niềm hi vọng cũng tan vỡ theo từng giờ. Bình luận trên Tuổi Trẻ Online khi xem bài tường thuật của Tuổi Trẻ, bạn đọc tên Long Xuyên viết: “Tôi đang ngồi trước màn hình, máy tính nối mạng 24/7. Bên cạnh là thuốc trợ tim”!
Khó mà có thể tưởng tượng ra chuyện ngày cuối cùng của đợt xét tuyển, Trường ĐH Ngoại thương phải tổ chức tư vấn thêm tại chỗ cho thí sinh và phụ huynh yên tâm.
Đau xót hơn là câu chuyện tại ĐH Y dược, khi trường này cập nhật danh sách thí sinh tuyển thẳng, những thí sinh đạt 27,75 điểm đã phải chia tay nguyện vọng 1.
Đêm trước họ vẫn còn ngủ ngon, vẫn mỉm cười vì mình nằm trong tốp an toàn và mức điểm cao chót vót ấy dễ gì bị ai đánh bại, vậy mà giờ đây tất cả đều văng ra ngoài.
Lời khẩn cầu của một bà mẹ đứng giữa trường y thật nhói lòng: “Cầu mong đừng ai nộp hồ sơ vào nữa”... Hay lời than của một phụ huynh ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: “Trời ơi sao càng ngày càng đông vậy nè. Chắc phải chạy ra cổng trường ngăn không cho vô nộp quá”. Chắc chắn “trời không nghe”, nhưng liệu Bộ GD-ĐT có thấu hay không?
Thương thí sinh, phụ huynh vất vả, các trường cũng đã hết sức mình cập nhật điểm, hội trường mở máy lạnh để thí sinh và phụ huynh vơi bớt phần nào nhọc nhằn, lo toan. Nhưng bên trong, các cán bộ làm công tác tuyển sinh 2015 cũng căng thẳng không kém.
Cán bộ của một trường ĐH cho biết: “Chúng tôi cũng khủng hoảng tinh thần trước tình trạng quá sức căng thẳng này, đặc biệt đôi lúc điện thoại rung lên thì mở ra thấy tin nhắn từ phụ huynh, học sinh đòi “nhảy cầu Rạch Miễu tự tử”, hay có đề xuất: trường phải cử cán bộ gọi điện động viên thí sinh và gia đình”...
Những cái hay cái dở của kỳ thi, của đợt xét tuyển đã được các chuyên gia, phụ huynh, thí sinh nêu lên tràn ngập trên các phương tiện truyền thông 20 ngày qua.
Bộ GD-ĐT cũng đã lên tiếng thừa nhận nhưng cũng chỉ để rút kinh nghiệm tổ chức kỳ thi được tốt hơn trong những năm tới. Nhưng với những gì thực tế diễn ra, chúng tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cần phải có một lời xin lỗi công khai, chân thành.
Chưa chắc phụ huynh và thí sinh chấp nhận vì một lời xin lỗi không đủ để đổi lấy những gì mà họ phải trải qua trong 20 ngày qua; nhưng chí ít lời xin lỗi cũng thể hiện tấm lòng thành, thể hiện nét văn hóa của những người đứng đầu Bộ GD-ĐT.
TS Nguyễn Đức Nghĩa: \'Bộ Giáo dục nợ thí sinh một lời xin lỗi\'
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM. |
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, đáng lẽ kỳ thi THPT quốc gia kết thúc tốt đẹp nhưng đến cuối cùng lại gây ra quá nhiều xáo trộn, khó khăn cho thí sinh, phụ huynh, các trường đại học và cả xã hội. Tất cả vấn đề này nằm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà cụ thể là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục vì đã can thiệp quá nhiều, quá sâu vào quy trình xét tuyển của các trường đại học. Bộ đã buộc tất cả trường phải dùng phần mềm xét tuyển chung - là nguyên nhân gây ra rối rắm như vừa qua.
Theo ông Nghĩa, trước đây tổ chức kỳ thi đại học, cao đẳng là 3 chung, lẽ ra năm nay còn 2 chung bao gồm tổ chức thi chung giờ và chung đề. Nhưng thực tế kỳ thi đã trở thành 4 chung, gồm: chung giờ, chung đề, xét tuyển chung, phần mềm để xét tuyển cũng chung. Chính phần mềm xét tuyển chung là "đầu dây mối rợ" gây nên tất cả xáo trộn. Về mặt kỹ thuật, phần mềm chung đã buộc tất cả dữ liệu tập trung vào một đầu mối là Cục Khảo thí. Với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin yếu kém, không có sự chuẩn bị chu đáo của Cục đã dẫn đến nhiều rắc rối, mà dấu hiệu đầu tiên đã bộc lộ ngay ngày công bố điểm thi, thí sinh không xem được điểm do nghẽn mạng.
Đến đợt xét tuyển đại học, cao đẳng đầu tiên, phần mềm xét tuyển chỉ được hoàn chỉnh vào ngày 11/8 trong khi kỳ xét tuyển đã bắt đầu trước đó 10 ngày. Hiện phần mềm đó như thế nào các trường đại học vẫn chưa được biết, bởi khi thí sinh đến nộp hồ sơ bằng các giấy tờ, trường mới xin Bộ dữ liệu của em đó. Ông Nghĩa cho rằng, xét tuyển đại học trước đây là việc giữa nhà trường và thí sinh thì bây giờ cả hai nhân vật chính lại phải thông qua Cục Khảo thí. Điều này gây ra sự tắc nghẽn trong quá trình nộp - rút bởi khi thí sinh tới rút các trường có thể trao lại hồ sơ giấy mà các em đã nộp, nhưng trường phải thông qua Cục Khảo thí mới xóa được dữ liệu. Xóa xong thí sinh mới nộp được vào trường khác.
Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM nhận xét, lẽ ra việc xét tuyển khá đơn giản nếu như Cục Khảo thí công khai các dữ liệu của thí sinh cho các trường đại học. Căn cứ vào đó trường có thể trực tiếp nhận - trả hồ sơ. Nếu cơ sở hạ tầng công nghệ kém các trường có thể xét tuyển bằng tay vì mỗi thí sinh chỉ có một phiếu điểm để nộp nên không cần phải kiểm soát quá gắt gao. Tuy nhiên, từ đầu tới cuối Cục vẫn theo đuổi phần mềm xét tuyển dẫn đến sự hỗn loạn khi đến ngày cuối cùng ở các trường đại học có hàng nghìn thí sinh tới rút hồ sơ.
Các trường phải vất vả nhận - trả hồ sơ cho các em, nhưng việc xóa dữ liệu trường cũ sang trường mới vào những giờ chót có được hay không phụ thuộc vào Bộ Giáo dục. "Lãnh đạo Bộ, những người tổ chức kỳ thi này phải chịu trách nhiệm và xin lỗi trước thí sinh về những xáo trộn, vất vả mà các em phải chịu trong đợt xét tuyển vừa qua", ông Nghĩa nói.
PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ. |
Nhìn nhận về kỳ thi THPT quốc gia, PGS. TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơcho rằng những ngày đầu kỳ thi đã diễn ra khá suôn sẻ, tốt đẹp, phức tạp chỉ bắt đầu khi xét tuyển. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân:
Thứ nhất, thí sinh, phụ huynh do là năm đầu tiên thực hiện đổi mới xét tuyển nên chưa quen. Là người trong cuộc nên thí sinh không khỏi nôn nóng và hoang mang thái quá thay vì cần bình tĩnh để suy xét, quyết định nộp vào ngành nào trường nào. Chỉ trừ những thí sinh điểm cao nộp vào Y đa khoa thì những em điểm cao ngay từ đầu đã xác định được vị trí của mình. Số chạy loạn xạ từ trường này sang trường khác là do có điểm thi thấp hơn. Nhiều em không tự lượng được sức mình, không cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ mà xét tuyển đại học với suy nghĩ bằng mọi giá tìm được trường đậu để học.
Thứ hai, các đại học chưa làm hết chức năng và khả năng của mình làm cho nỗi hoang mang của người dân nhân lên. Nhiều trường đã quá tin và thụ động ngồi chờ phần mềm xét tuyển của Bộ. Trong quá trình xét tuyển trường công bố cùng lúc cả 4 nguyện vọng, vì không lọc được lượng thí sinh ảo nên nhiều thí sinh, phụ huynh hoang mang, lo lắng rồi vội vã rút hồ sơ vì không biết đậu hay rớt. "Ngay chúng tôi chuyên làm về công tác tuyển sinh khi nhìn vào bảng danh sách thí sinh các trường cập nhật cũng không thể dự đoán khả năng đậu - rớt, huống hồ là thí sinh", ông Xê nói.
Đại học Cần Thơ với kỳ tuyển sinh năm nay thu nhận được một kết quả khả quan, tuyển được lượng thí sinh có điểm cao hơn so với những năm trước. Để có được điều này, ông Xê cho biết ngay từ đầu trường đã dự đoán trước được vấn đề, sau đó xây dựng phần mềm tuyển sinh riêng. Trong đó có phần mềm lọc ảo do vậy không bị lệ thuộc vào Bộ. Khi thí sinh nộp phiếu điểm, trên phiếu điểm đã có mã vạch nên trường chỉ cần nhập vào phần mềm của trường là được.
Thứ ba, theo ông Xê cũng là lý do quan trọng nhất làm nên một kỳ thi rối rắm là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho thí sinh đăng ký cùng lúc 4 nguyện vọng. Nếu như ngay từ đầu chỉ cho các em chọn một ngành, một trường thì mọi việc đã khác. Hơn nữa Bộ ôm đồm quá nhiều về mặt dữ liệu, các trường bị động, lệ thuộc vào Cục Khảo thí nên không thể linh động trong việc xét tuyển.
Một trong những nhược điểm rất lớn nữa của Bộ là việc cho phép một ngành có thể tuyển sinh bằng nhiều tổ hợp, nhưng lại tách làm hai: đối với tổ hợp truyền thống được xét tối đa 75%, còn tổ hợp mới là 25%. Điều này làm cho việc xét tuyển thêm phức tạp.
Ngày 20/8 là hạn chót của đợt 1 xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Hàng nghìn thí sinh đã phải chạy như con thoi từ trường này sang trường khác, chen chúc chờ đợi nộp và rút hồ sơ. Nhiều phụ huynh đã phải bỏ công việc, mất ăn mất ngủ để cùng con tính toán điểm, lựa chọn trường.
Theo
- Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20150821/bo-gddt-nen-co-mot-loi-xin-loi/955776.html
- VnExpress, tin gốc: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/ts-nguyen-duc-nghia-bo-giao-duc-no-thi-sinh-mot-loi-xin-loi-3267361.html