Xây dựng mô hình tư vấn tâm lý trong trường phổ thông

Xây dựng mô hình tư vấn tâm lý trong trường phổ thông
Công tác tư vấn tâm lý học đường thời gian qua đã có những chuyển biến bước đầu và đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng được phần nào nhu cầu của HSSV, tăng cường được khả năng đề kháng trước những tác động tiêu cực của xã hội.

Nhiều trường đã thành lập phòng tâm lý

Kết quả hội thảo về công tác tổ chức các hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường do Bộ GD&ĐT công bố cho biết: Các nhà trường đã nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác tư vấn tâm lý trong việc giáo dục toàn diện, giúp HSSV có một đời sống tinh thần lành mạnh để học tập và rèn luyện tốt.

Nhiều nhà trường đã thành lập phòng tư vấn tâm lý và đi vào hoạt động bước đầu hiệu quả tốt. Một số nhà trường đã chủ động vận động nguồn lực từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ hoạt động tư vấn tâm lý.

Tuy nhiên, các phòng tư vấn tâm lý trong các nhà trường vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn lôi cuốn HSSV tham gia.

Nội dung tư vấn đã được triển khai đa dạng như: Tư vấn học tập và định hướng nghề nghiệp; tư vấn tình cảm; tư vấn sức khỏe sinh sản; tư vấn về các hoạt động thể thao, giải trí; tư vấn các hoạt động tình nguyện và hỗ trợ cộng đồng…

Các nhà trường đã tiến hành triển khai công tác tư vấn tâm lý cho HSSV dưới nhiều hình thức như: Tư vấn trực tiếp, tư vấn thông qua gia đình, giáo viên, bạn bè, tư vấn qua điện thoại, email hoặc qua các diễn đàn, các trang mạng xã hội, tư vấn thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề…

Đặc biệt, nhiều nhà trường đã bố trí được đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý. Hàng năm, đội ngũ cán bộ này được tập huấn, nâng cao trình độ nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn.

Tuy nhiên, hầu hết cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý hiện nay là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm. Đội ngũ này chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về công tác tư vấn tâm lý, nên gặp khó khăn trong quá trình tư vấn. ..

Đa dạng hóa hình thức tư vấn

Trong thời gian tới, các sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ, TCCN sẽ tập trung thực hiện tư vấn các nội dung sau: Tư vấn tâm lý, tư vấn các mối quan hệ trong xã hội, tư vấn lứa tuổi vị thành niên, tư vấn tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản, tư vấn tâm lý gia đình, tư vấn tâm lý học nghề nghiệp, tư vấn những vấn đề của xã hội hiện đại, tư vấn phương pháp học tập tốt.

Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tư vấn để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động tư vấn tâm lý. Coi trọng công tác tư vấn riêng cho cá nhân để giúp các em có sự tự tin và khả năng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, tạo ra sự cân bằng tâm lý, học tập đạt kết quả tốt, mở rộng giao lưu và hoàn thiện nhân cách.

Thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề giữa các chuyên gia tư vấn với HSSV. Phát huy vai trò tích cực của HSSV ưu tú khóa trên tham gia hỗ trợ công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.

Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HSSV. Đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.

Bằng nguồn lực xã hội hóa, các nhà trường chủ động xây dựng các phòng tư vấn tâm lý có không gian riêng, kín đáo tạo tâm lý thoải mái, gần gũi cho HSSV; Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng thế mạnh internet và xây dựng các tài liệu phù hợp với cấp học trong việc thực hiện công tác tư vấn tâm lý.

Các Sở GD&ĐT chủ động tham mưu với các ủy đảng, chính quyền địa phương để quan tâm, hỗ trợ, ban hành một số qui định, chế độ triển khai khai hoạt động tư vấn tâm lý.

Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT để ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường vào đầu năm học mới 2015 - 2016;

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, khảo sát và chuẩn bị điều kiện tổ chức Hội thảo xây dựng mô hình tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông, qua đó nhân rộng mô hình trên toàn quốc.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)