Học sinh còn lúng túng khi gặp dạng thức đề mới trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Vậy cách dạy và học cần ứng biến ra sao để học không chỉ phục vụ thi cử mà còn ứng dụng vào cuộc sống?

Từ kết quả thi lớp 10, thay đổi cách dạy và học ra sao? - Ảnh 1

Kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được đánh giá như thế nào?

Đề thi và đáp án theo hướng mở

Nếu trong vòng gần 10 năm trở lại đây, đề ngữ văn của TP.HCM mang đậm hơi thở của cuộc sống, khiến thí sinh (TS) hào hứng thể hiện suy nghĩ, quan điểm thì đến kỳ thi năm nay, các bài toán thực tế trong đề thi môn toán về sự kiện thời sự thể thao, các chỉ số cơ thể… cũng tạo cảm hứng làm bài cho TS trong phòng thi căng thẳng. Ngoài ra, đáp án cũng mở để chấp nhận các phương án khác nhưng có lập luận chặt chẽ.

Trong quá trình chấm thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM, một giám khảo của Q.Bình Thạnh nhận xét: “Có nhiều TS đưa ra cách giải, trình bày, lập luận hay và khác với đáp án. Điều này cho thấy bài toán vận dụng kiến thức thực tế đã khuyến khích học sinh (HS) thể hiện tư duy. Chính vì thế toán học đã không còn cứng nhắc”.

Vì sao học sinh có kết quả không như mong đợi ?

Sau khi Sở GD-ĐT công bố điểm thi tuyển sinh lớp 10, trên một diễn đàn của HS TP.HCM với hàng trăm ngàn thành viên tham gia đã có không ít tiếc nuối và cả những thất vọng của phụ huynh cũng như HS khi kết quả không như mong đợi. Có phụ huynh bày tỏ: “Mình cũng có con thi đợt này, cũng học lực khá giỏi nhưng bé cũng không đạt điểm cao, chỉ 16 điểm thôi, không biết có đủ điểm đậu nguyện vọng 2, 3 hay không?”.

Bên cạnh chia sẻ của phụ huynh thì ông Đặng Hoàng Dư, giáo viên (GV) tại Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho hay có một số HS đạt kết quả không cao. Trong đó có những HS nằm trong tốp đầu của lớp, học lực khá giỏi. Tuy nhiên, cũng theo thầy giáo này, có thể do HS gặp áp lực tâm lý nên thiếu bình tĩnh khi làm bài hay ôn luyện chưa hiệu quả. Đặc biệt có HS điểm cao ở trường nhưng khi đi thi lại không làm được bài vì cho rằng đề bài có chút “lạ”.

Điểm thấp do đâu?

Dữ liệu điểm thi và phổ điểm 3 môn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 mà Sở GD&ĐT TP.HCM công bố cho thấy có hơn 92.000 bài thi có điểm dưới trung bình. Số lượng bài thi dưới điểm trung bình nhiều nhất rơi vào môn Toán, với hơn 41.774 bài (chiếm 45,37%), kế đến là Tiếng Anh với 41.566 bài (44,27%). Trong khi đó, Ngữ văn có 9.755 bài (10,59%) dưới 5 điểm.

Ngoài ra, thống kê từ dữ liệu điểm thi cho thấy hơn 32.000 bài thi có tổng điểm 3 môn dưới 15 điểm (chiếm 1/3 tổng số thí sinh dự thi), trong đó, hơn 7.000 em đạt tổng điểm 3 môn từ 10 trở xuống.

Trong khi đó, toàn TP.HCM có gần 29.250 thí sinh có tổng điểm 3 môn từ 20 điểm trở lên (chiếm khoảng 32%). 4.916 thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên. Số lượng thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên chỉ có 72 em, từ 27 điểm trở lên có 509 em.

Trước thực tế nhiều học sinh đạt điểm thấp, lãnh đạo một trường THCS ở TP.HCM đánh giá nguyên nhân có thể nằm ở việc học sinh phải trải qua năm học ảnh hưởng vì dịch bệnh kéo dài. Các em học online tại nhà, dẫn đến còn non kiến thức, chưa có nhiều kỹ năng làm bài. Khi làm bài, nhiều em chưa thể hiện được hết khả năng của mình.

“Ngoài ra, trong quá trình học, đề thi học kỳ có thể không quá khó. Vì thế, các con nghĩ mình học như vậy là tạm ổn. Đến khi thi vào lớp 10, đề không khó song đòi hỏi sự cẩn thận, logic. Nhiều thí sinh bị ‘choáng’, không theo kịp”, vị này nói thêm.

Trong khi đó, thầy Đặng Hoàng Dư - giáo viên luyện thi ở quận Gò Vấp, TP.HCM - cho rằng nguyên nhân điểm thấp nằm ở hiện tượng thí sinh học sinh học lệch so với năm trước.

Bên cạnh đó, giáo viên luôn ôn thi theo hướng cũ, luyện tập những dạng đề cũ, dẫn đến trong quá trình học, các em chưa tiếp xúc nhiều với dạng đề mới lạ hoặc chưa nhìn nhận được sự thay đổi, đổi mới trong đề thi.

Thầy Dư cho biết thêm hiện nay, nhiều học sinh vẫn mang bệnh thành tích, cho rằng năm nay mình thi đạt, được điểm cao dẫn đến tâm lý chủ quan, không có sự chuẩn bị. Hơn nữa, học sinh chịu áp lực từ phía phụ huynh nên chưa phát huy tốt.

“Điều quan trọng, các em chưa có sự chuẩn bị chu đáo từ đầu đến cuối. Thí sinh cần hiểu bên cạnh việc học, tích lũy kiến thức từ đầu năm, các em phải kết hợp với việc ôn luyện. Học sinh không nên để đến lúc gần thi mới học hay ôn thi”, thầy Đặng Hoàng Dư nhận định.

Đừng để học sinh thua thiệt

Từ đề thi toán tuyển sinh lớp 10 những năm qua ở TP.HCM, GV Nguyễn Tiến Thùy, Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh), cho rằng những bài này có nhiều cách để giải. Nếu GV chỉ dạy HS bó buộc trong khuôn khổ nhất định thì khi gặp đề có chút biến tấu HS sẽ lúng túng. Khi GV không có tư duy đổi mới, khuyến khích học trò tư duy thì các em sẽ thua thiệt trong các kỳ thi.

Theo cô Thùy, GV không chỉ bắt buộc phải đổi mới theo định hướng mà còn phải học hỏi nhiều phương pháp, tăng cường kiến thức chuyên môn, hướng dẫn cho HS. Với cách thức ra đề như hiện nay, cần tăng cường tính thực tế, lồng ghép vào trong từng nội dung chương trình. Điều này phải thực hiện trong suốt năm học chứ không thể chờ kết thúc chương trình học mới đi hướng dẫn HS.

Từ đề thi lớp 10 năm nay, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho rằng khó nhưng hay vì bám sát thực tế nhiều hơn. Vì thế, GV và lãnh đạo các trường cũng phải chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy. “Giảng dạy như thế nào để gắn liền với cuộc sống chứ không phải dạy hết chương trình rồi còn 2 tuần cuối cùng để ôn luyện thi tuyển thì sai. Phải dạy từng bài, lồng ghép kiến thức đời sống hằng ngày cho từng bài”, ông Phú chia sẻ.

Ông Huỳnh Thanh Phú nhận định chỉ có thể đổi mới phương pháp giảng dạy khi GV không chỉ bám sát sách giáo khoa (SGK). Chẳng hạn với môn tiếng Anh, GV không phải cứ ôm SGK dạy mà còn phải lồng ghép kỹ năng nghe nói đọc viết, cần cập nhật tài liệu từ các kỳ thi chứng chỉ quốc tế IELTS, TOEIC vào cấu trúc bài giảng. Có như vậy HS mới cảm nhận được cái mới.

Vị hiệu trưởng này thẳng thắn: “Ngày hôm nay, nếu cho rằng dạy kiến thức trong SGK là GV đã làm tròn trách nhiệm là không đúng. SGK chỉ là kiến thức nền còn kiến thức của đời sống, xã hội mới phát huy kỹ năng của HS. Nếu GV chỉ cung cấp kiến thức từ SGK thì không phải vai trò của người thầy hôm nay”.

Ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng GV cần phải dạy HS biết ứng dụng được kiến thức vào thực tế để phát triển kỹ năng chứ không phải học, thi rồi quên. Chính vì đặt mục tiêu học để thi nên còn bộ phận không nhỏ GV bám SGK. Thực tế kết thúc lớp 9 không phải HS nào cũng vào THPT mà có nhiều ngã rẽ, học trường tư thục, GDTX, trường nghề, trường có yếu tố nước ngoài… hay du học nên các em cần có kiến thức tổng quát, gắn với cuộc sống.

Cần đổi mới phương pháp dạy học

Trước thực tế nhiều học sinh khá, giỏi khi đi thi vẫn đạt điểm thấp, ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM) cho rằng cần phải thay đổi cách thức giảng dạy hiện nay tại các trường THCS.

Ông cho biết cách thức ra đề như kỳ thi vừa rồi không mới. Vài năm trở lại đây, Sở GD&ĐT đã đổi mới phương pháp đánh giá. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa thể bắt kịp, chưa đổi mới phương pháp giảng dạy.

Ông Phú đặt ra yêu cầu giáo viên phải có trách nhiệm, đổi mới trong tư duy và phương pháp giảng dạy, kết hợp đổi mới nội dung dạy học.

Theo ông, nhà trường cần cố gắng làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh bằng cách vừa dạy kết hợp ôn luyện. Thầy cô cần chủ động bổ sung, rèn luyện các kiến thức, kỹ năng một cách đầy đủ, tránh trường hợp học sinh chỉ học tốt các kiến thức trên sách giáo khoa mà không vận dụng được kiến thức đó cũng như hiểu biết thực tế.

“Thầy cô không thể đợi dạy và học hết một năm học rồi mới dành ra 2-3 tuần cuối để ôn thi. Đây là quá trình kết hợp giữa học tập và ôn luyện, sau đó bổ sung kiến thức đời sống”, ông Phú nói.

Trường ĐH Sài Gòn công bố điểm xét tuyển phương thức đầu tiên năm 2022

600 học sinh bất ngờ bị thông báo chuyển trường, hiệu trưởng và UBND quận nói gì?

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp