Trước giờ G đăng ký thi THPT quốc gia: Chọn môn theo đúng năng lực

Trước giờ G đăng ký thi THPT quốc gia: Chọn môn theo đúng năng lực
Năm đầu tiên tổ chức kỳ thi hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, tại các trường THPT, công tác tư vấn, giúp thí sinh lựa chọn môn thi đúng năng lực, sở trường luôn được chú trọng, đặc biệt thời điểm gần ngày nhận hồ sơ đăng ký dự thi.

Môn tự nhiên vẫn chiếm đa số


Việc nghiêng về lựa chọn khối A, D1 là xu hướng nhiều năm trở lại đây. Theo khảo sát sơ bộ của một số Sở GD&ĐT, năm nay, xu hướng lựa chọn cũng không khác nhiều. Ngày mai (1/4), các trường mới chính thức nhận hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, nhưng khảo sát trước việc chọn môn thi đã được nhiều trường thực hiện.

Tại Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên), ngoài 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ, môn thi được học sinh của trường lựa chọn nhiều nhất là Vật lý và Hóa học. Số thí sinh đăng ký thi theo khối C tương đương mọi năm, theo đó, Địa lý có khoảng 50 học sinh, Lịch sử khoảng gần 30 học sinh trên tổng số 336 học sinh lớp 12 toàn trường.

Cũng thuộc Thái Nguyên, Trường THPT Gang Thép hiện chỉ có khoảng trên 10 học sinh đăng ký học ôn môn Lịch sử. Môn được đăng ký học nhiều nhất là Vật Lý, Hóa học, sau đó đến Sinh học và Địa lý.

Ông Nguyễn Hóa - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum - cho biết: Dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng dự báo các học sinh sẽ chọn nghiêng về các môn tự nhiên nhiều hơn.

“Gần đây, tôi đọc thấy một số báo đưa tin môn Lịch sử và Địa lý rất ít thí sinh đăng ký, thậm chí có trường không có thí sinh nào. Tại Kon Tum không có tình trạng này, mặc dù tỷ lệ chọn môn giữa các khối cao thấp khác nhau” - ông Nguyễn Hóa cho hay.

Cũng dự báo tình hình lựa chọn môn thi không khác nhiều so với mọi năm là nghiêng về các môn khoa học tự nhiên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - ông Nguyễn Văn Huấn - cho biết: Lịch sử, Địa lý có số thí sinh đăng ký ít hơn, nhưng Sở chỉ đạo các trường dù số lượng đăng ký như thế nào cũng phải xếp lớp, tổ chức ôn tập cho học sinh chu đáo.

“Sơ bộ, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tại Bến Tre có khoảng gần 3.000 thí sinh đăng ký thi tại cụm thi tỉnh (chỉ xét tốt nghiệp) trên tổng số khoảng 11.000 học sinh, chưa tính thí sinh tự do.

Với cụm thi tỉnh, Sở dự kiến không gom về một điểm mà tổ chức tại khoảng 3 - 4 điểm thi, vì đặc thù Bến Tre có 3 cù lao, địa hình sông nước, đi lại khó khăn.” - Phó Giám đốc Nguyễn Văn Huấn - cho biết thêm.

Lưu ý chọn môn thi theo năng lực


Năm nay, theo quy định, thí sinh chỉ được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào một trường đại học duy nhất. Khi đã trúng tuyển, các em không còn cơ hội để xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo. Do đó, thí sinh phải lựa chọn kỹ lưỡng và nên chỉ chú trọng vào một trường lợi thế - Cô Nguyễn Thị Quốc Hòa (hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An - Thái Nguyên)
 Một thực tế là, không ít học sinh năm nay do muốn “chắc ăn” nên đăng ký học rất nhiều môn tự chọn. Cách lựa chọn này dù có thể giúp thí sinh tăng cơ hội đăng ký vào nhiều trường đại học, cao đẳng; nhưng ngược lại, sự phân tán, kém hiệu quả là nhãn tiền.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huấn cho biết, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc việc không ép buộc học sinh lựa chọn môn thi mà để các em tự lựa chọn theo năng lực, sở trường và nguyện vọng tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, các thầy cô cũng tư vấn, giúp học sinh không lựa chọn quá nhiều, quá dàn trải. Nếu một học sinh thi đến 7 - 8 môn thì rõ ràng là quá nặng, ôn tập không thể có hiệu quả.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hóa - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum - chia sẻ: Thông thường, chúng tôi tư vấn học sinh chỉ chọn một khối thi theo năng lực, nguyện vọng vào đại học. Tất nhiên, cũng có những em sẽ chọn 2 khối thi để tăng cơ hội xét tuyển vào đại học, nhưng rõ ràng, như vậy, số môn học các em phải ôn tập sẽ nhiều hơn, thời gian và áp lực tăng thêm, do đó, hiệu quả kém đi.

Đưa ra lời khuyên rất thực tế, cô Nguyễn Thị Quốc Hòa (hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An - Thái Nguyên) dẫn quy định của Bộ GD&ĐT về xét tuyển vào đại học: Năm nay, quy định xét tuyển khác mọi năm. Theo đó, thí sinh chỉ được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào một trường đại học duy nhất. Khi đã trúng tuyển, các em không còn cơ hội để xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo.

Do đó, thí sinh phải lựa chọn kỹ lưỡng và nên chỉ chú trọng vào một trường lợi thế. Nếu học sinh theo khối A, nhưng muốn thi thêm khối B, nên xác định khối thi thứ 2 chỉ là lựa chọn thứ yếu, không nên tập trung nhiều.

“Tại trường THPT Chu Văn An, học sinh thi nhiều nhất là 6 môn. Toàn trường chỉ có 4 trên tổng số 336 học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, đây là 4 em đã có kế hoạch đi du học.

Trường cũng vừa tổ chức thi thử cho học sinh và kết quả khá tốt. Em cao nhất đạt 26,5 điểm; số học sinh đạt điểm 7 - 8 mỗi môn khá nhiều.” - cô Hòa cho hay.

Hiện nay, dù mặt bằng trình độ học sinh khá tốt, nhưng các thầy cô Trường THPT Chu Văn An vẫn có kế hoạch ôn tập, đặc biệt là liên tục “lên dây cót tinh thần” cho học sinh. Môn Tiếng Anh được chú trọng, theo đó, đầu tư nhiều vào phần viết (ôn luyện về ngữ pháp, các chủ đề viết luận…). Môn Văn tập trung vào đọc hiểu và viết văn.

“Quan trọng nhất là phải lên dây cót tinh thần cho học sinh, nếu không các em rất dễ buông lỏng việc học trong 1 tháng trước kỳ thi. Sau khi kết thúc năm học, vào khoảng cuối tháng 5, nếu phụ huynh có nhu cầu cho con ôn tập tại trường, nhà trường sẽ sẵn sàng đáp ứng” - Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quốc Hòa cho biết.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)