Mới đây, TP.HCM đã thông báo cho học sinh mầm non trở lại học trực tiếp từ tháng 2 trên tinh thần tự nguyện. Nhiều trường học bắt đầu dọn dẹp để đón trẻ.

Học sinh mầm non tại TP.HCM sẽ đến trường trên tinh thần tự nguyện

Học sinh mầm non tại TP.HCM sẽ đến trường trên tinh thần tự nguyện

Cân nhắc diễn biến của dịch COVID-19, học sinh mầm non tại TP.HCM sẽ trở lại học trực tiếp từ đầu tháng 2, dựa trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ hoặc người chăm...

1. Cởi được gánh lo

Hôm qua, UBND TP HCM ban hành kế hoạch khung thời gian năm học 2021-2022 với giáo dục mầm non. Theo đó, trẻ mầm non sẽ đến trường từ tháng 2 trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, dự kiến thúc năm học vào cuối tháng 7.

Biết tin, anh Lê Đức Dũng (37 tuổi, quận Tân Phú) như cởi được gánh lo. Suốt bốn tháng qua, anh xoay xở đủ cách để trông con gái lớn 4 tuổi khi vợ vừa sinh bé thứ hai.

Anh Dũng làm việc tại một xí nghiệp xây lắp, thường xuyên đi công tác 2-3 tuần. Vợ anh làm nhân viên văn phòng nhưng thất nghiệp từ đầu năm ngoái. Đợt dịch thứ tư bùng phát, anh Dũng từng nghỉ việc hơn 3 tháng. Gia đình anh phải dùng đến tiền tiết kiệm và trợ cấp của chính quyền. Khi thành phố dần mở cửa, anh đi làm trở lại còn vợ mở một quán tạp hóa nhỏ.

Trường mầm non đóng cửa từ cuối tháng 4, bé lớn của anh Dũng phải ở nhà liên tục đến nay. Trong những tháng cao điểm phòng dịch, bé gần như không được ra ngoài, cả ngày trong gian trọ chật chội, dán mắt vào điện thoại. Có bé thứ hai, sinh hoạt của gia đình đảo lộn vì vợ anh vừa trông hai con, vừa bán hàng. Khi thành phố nới lỏng giãn cách, bé lớn được chạy khắp xóm chơi với lũ trẻ nhưng cũng vì thế mà khó trông coi hơn.

Theo anh Dũng, mở cửa trường mầm non là việc cấp thiết, đặc biệt với người lao động tạm trú ở thành phố như vợ chồng anh. Việc này giải quyết nhu cầu giữ trẻ của cha mẹ, giúp họ yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống sau dịch.

"Chúng tôi gần như không thể dạy cho bé như các cô ở trường. Nếu ở nhà mãi, sợ cháu vào lớp 1 rồi mà không biết gì. Chưa kể, đi học cũng an toàn hơn. Ở nhà cháu chạy chơi lung tung, khả năng lây nhiễm Covid-19 còn cao hơn", anh nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Yến (33 tuổi, quận Gò Vấp), có con gái 5 tuổi đang học trường Mầm non Sóc Nâu, ủng hộ cho trẻ đi học lại. Theo chị Yến, TP HCM hiện là vùng xanh, dịch bệnh đã được kiểm soát. Người lớn gần như được tiêm đủ vaccine phòng bệnh, trong khi trẻ con nhiễm bệnh thường có dấu hiệu nhẹ. "Đây là những yếu tố giúp phụ huynh có thể mạnh dạn cho con đi học", chị Yến nói.

Cũng theo chị, ở nhà quá lâu khiến trẻ tù túng, không có cơ hội phát triển những kỹ năng cần thiết phù hợp lứa tuổi. Trẻ dễ trở nên cáu gắt, hoặc biểu hiện cảm xúc bất thường. "Con suốt ngày đòi đi học để gặp bạn, thầy cô. Nghe qua Tết được trở lại trường, nó háo hức cả tối qua", chị kể.

Về nỗi lo xuất hiện F0 trong trường, chị Yến nói "tất nhiên là lo nhưng không thái quá". Bởi không chỉ ở trường học mà bất cứ công sở, nơi công cộng nào, người dân đều phải chấp nhận khả năng này. "Thay vì lo sợ mà nhốt trẻ ở nhà, chúng ta cho các bé đi học và cùng nhà trường siết chặt biện pháp an toàn. Việc đi học lúc này mang lại nhiều lợi ích hơn", chị Yến nhận định.

TP.HCM cho học sinh mầm non đến trường vào tháng 2, phụ huynh nghĩ gì? - Ảnh 1

Nhiều phụ huynh như cởi được gánh lo khi cho trẻ mầm non trở lại trường

Như anh Dũng, chị Yến, nhiều phụ huynh khác cũng mong muốn cho con đi học trở lại, phần vì lợi ích của trẻ, phần vì không thể sắp xếp thời gian, công việc để trông con ở nhà. Trong khi đó, một số phụ huynh có điều kiện thuê người trông giữ con lại muốn chờ 1-2 tuần thí điểm rồi quyết định.

Chị Mỹ (36 tuổi, phụ huynh trường Mầm non Kha Ly, quận 12) cho biết, nhiều tuần qua, gia đình phải gửi con cho một nhóm trẻ 5-6 bé bên ngoài. Học phí cao hơn nhiều lần so với ở trường, chưa kể các bé chỉ được trông nom, không có chương trình học.

"Gửi ở ngoài hay đến trường, nguy cơ dịch bệnh là như nhau. Nhưng rõ ràng ở trường vẫn tốt hơn vì được tổ chức quy củ, được cô dạy học. Tuy nhiên tôi vẫn lưỡng lự, chắc chờ sau Tết xem tình hình ra sao rồi mới quyết", chị nói.

2. Chưa yên tâm với dịch COVID-19

Một số phụ huynh khác quả quyết không cho con đi học từ tháng 2 bởi chưa yên tâm với tình hình dịch bệnh. Anh Trần Huy (37 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết, gia đình chỉ cho con đi học sau khi hoàn tất chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi.

Làm môi giới bất động sản nên anh Huy bố trí được thời gian vừa làm việc, vừa dạy con. "Bé sắp vào lớp 1 nhưng tôi cũng không sốt ruột. Việc học chữ từ từ cũng không sao, quan trọng nhất là sức khoẻ", anh Huy giải thích cho quyết định của mình.

Hiện tại, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi, báo cáo Chính phủ chờ phê duyệt, song chưa rõ thời gian triển khai.

TP HCM có 355.000 trẻ ở bậc mầm non với hơn 1.360 trường, hơn 1.800 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục. Hiện, một số trường, địa phương đã lấy ý kiến về việc mở cửa cho trẻ đi học lại từ tháng 2. Theo khảo sát, tỷ lệ đồng thuận cho trẻ mầm non đi học khác nhau ở từng khu vực hoặc từng phạm vi. Chẳng hạn, ở quận 1, hơn 40% phụ huynh có con 5-6 tuổi đồng thuận; tỷ lệ này ở độ 4-5 tuổi là hơn 34% và 3-4 tuổi là hơn 24%.

Tuy nhiên, nếu tính riêng tại hệ thống trường Mầm non Kid’s Club, với hơn 1.200 phụ huynh ở 6 quận, huyện, tỷ lệ đồng thuận là hơn 70%.

"Sự e dè của phụ huynh là dễ hiểu, tương tự lần cho học sinh lớp 7-12 học lại. Tuy nhiên, nếu trường mở cửa 1-2 tuần an toàn, hiệu quả, phụ huynh sẽ dần cho con đi đến trường", một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, cho hay.

Tình hình kiểm tra cuối kỳ 1 trực tuyến của học sinh tiểu học tại TP.HCM

TP.HCM: Chuẩn bị sẵn sàng để đón học sinh khối 6 trở xuống đến trường

Theo VnExpress