Không thể phủ nhận được những ảnh hưởng cả về tích cực lẫn tiêu cực từ việc hâm mộ thần tượng của các bạn trẻ. Nhưng hâm mộ cuồng nhiệt lại có thể ảnh hưởng xấu đến con khi con ở độ tuổi nhạy cảm. Vậy ba mẹ nên làm gì khi con là fan cuồng?

TOP 3 điều cha mẹ cần làm khi con là fan cuồng - Ảnh 1

Liệu hiện tượng fan cuồng ở giới trẻ có đáng lo ngại?

1. Hiện tượng bạn trẻ "phát điên" vì thần tượng nói lên điều gì?

Như đã nói ở trên, thứ nhất đó là biểu hiện của việc chưa định hướng rõ ràng về thần tượng. Thứ hai, đó là một cách "xả xú páp" cảm xúc có phần hơi tự nhiên. Có thể hiểu, bấy lâu nay bạn trẻ mong muốn thể hiện những tình cảm hâm mộ cuồng nhiệt như thế nhưng không có dịp để “xả”. Ở các tụ điểm biểu diễn văn hóa văn nghệ, mỗi người muốn xem chương trình đều phải có vé và với số lượng người tham gia có hạn, nhưng ở những khu vực công cộng như sân bay, đường phố... thì tất cả mọi người đều có thể tham gia để tìm cơ hội tiếp cận thần tượng bằng xương bằng thịt, nên họ thoải mái bộc lộ cảm xúc. Cảm xúc lây lan, tạo thành cảnh “cuồng” dữ dội hơn...

Việc bạn trẻ "phát điên" vì thần tượng còn cho thấy một xu thế, một biểu hiện của văn hóa thần tượng, văn hóa thưởng thức âm nhạc. Bạn trẻ thường tỏ ra yêu thích nồng nhiệt các ca sĩ, nghệ sĩ có những nét tâm lý, tuổi tác và hình thể tương đồng với mình, phong cách trẻ trung, nhí nhảnh...

"Xác định thần tượng là chuyện bình thường ở giới trẻ, nhưng quá cuồng vì thần tượng lại là chuyện bất thường. Việc bài xích, chê bai người trẻ "cuồng" vì thần tượng sẽ không có tác dụng tích cực. Muốn định hướng giá trị thẩm mỹ cho người trẻ thì phải bình tĩnh, trình bày ý kiến có tình có lý, có phương pháp phù hợp, tránh các hình thức “áp đặt” khiến các "fan cuồng" cảm thấy bị dồn ép và có thể sẽ phản ứng… cuồng hơn" - tiến sĩ Đinh Phương Duy

2. Cơ hội tuyệt vời để giáo dục con

ThS tâm lý Hà Trung Thành (giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM) trao đổi lại với các bậc phụ huynh: “Ca sĩ Trần Lập xăm đầy mình nhưng ai cũng yêu quý anh đó thôi. Khi anh mất, ai cũng tiếc thương, bởi anh là một hình mẫu đẹp về nghị lực sống”.

Theo ThS Thành, các bậc cha mẹ đừng dán nhãn cho con là hư, xấu khi con cái bắt chước thần tượng trong cách ăn mặc. Cách nhìn của giới trẻ chắc chắn có những khác biệt với cha mẹ nhưng cha mẹ hãy rộng lượng hơn và đừng áp đặt cách nhìn định kiến của thế hệ mình. Có thể những đứa trẻ sẽ làm theo sự áp đặt của cha mẹ trước mặt nhưng chúng sẽ làm điều chúng thích ở sau lưng người lớn. Và như vậy, phụ huynh sẽ vuột mất cơ hội rất quý giá để dạy con.

Theo ThS Thành, phụ huynh hãy tìm hiểu thần tượng của con, đừng công kích mà hãy chia sẻ và chỉ ra cái hay của thần tượng. Được đồng cảm như vậy, con trẻ sẽ rất hạnh phúc và học theo những cái hay đó rất nhanh.

Nếu con mê diễn viên Hàn Quốc, hãy thỉnh thoảng xem phim cùng con và lưu ý con những nét đẹp trong văn hóa của họ. Hãy chỉ cho con thấy cách người dưới lễ phép với người trên, cách họ bảo vệ các giá trị gia đình. Con trẻ sẽ học được rất nhiều từ chính thần tượng thông qua cách dạy của phụ huynh.

ThS Thành nói: “Đừng ngứa mắt khi thấy thần tượng của con tóc xanh tóc đỏ, đeo mấy cái bông tai. Thời tuổi trẻ của chúng ta cũng như vậy, cũng chạy theo trào lưu này, phong trào kia. Các con cũng vậy, điều này không có gì nghiêm trọng cả. Trào lưu nào rồi cũng sẽ qua thôi”.

Lấy kinh nghiệm từ bản thân mình, ThS Thành cho biết khi cùng nghe nhạc với con gái, ông nhận ra thần tượng của con mang đến nhiều điều mới mẻ, thú vị và xứng đáng là ngôi sao của giới trẻ. Các bậc cha mẹ sẽ không có được trải nghiệm đó nếu chỉ giữ trong lòng những chuẩn mực cũ đầy định kiến.

3. Những điều ba mẹ nên làm gì khi con là fan cuồng?

Tâm sự của phụ huynh V.T. ở Q.3, TP.HCM - Cả nhà "chiến tranh lạnh" vì con mê Suju - nhận được nhiều chia sẻ từ bạn đọc. Hầu hết "bí kíp", "tuyệt chiêu" mà bạn đọc tư vấn có điểm chung: cha mẹ cần nhẹ nhàng, tâm lý, vừa mềm mỏng vừa cứng rắn khi uốn nắn các con là "fan cuồng".

3.1. Không bứt mình ra khỏi thế giới của con

Ai cũng có thể có thần tượng để cuộc sống luôn có sự cố gắng và giàu cảm xúc hơn. Khi người ta trưởng thành hơn sẽ có những thần tượng khác! Suju ở nước ngoài, lâu lâu mới ghé Việt Nam. Phụ huynh không nên đi ngược lại nhu cầu của con vì như thế là đang tự đưa mình ra khỏi thế giới của con.

Hãy đồng cảm và cùng chia sẻ với con để nghe con tâm sự nhiều hơn về thần tượng của nó. Dù sao đó cũng là một kỷ niệm đẹp đối với con của bạn!

3.2. Đi cùng sở thích thần tượng của con

Là anh trai, tôi đã định hướng hai em gái trong việc thưởng thức âm nhạc. Trước khi em tôi biết đến văn hóa Kpop, tôi cho em nghe nhiều bài nhạc hay, nhiều thể loại, như pop, rock, ca trù, cải lương, nhạc xưa, cách mạng, hòa tấu...

Tôi phân tích cho em biết vì sao bài này bài kia hay. Dần dần em tôi có những khái niệm để nghe một bài nhạc hay, tôi không hạn chế thể loại, em tôi cũng bắt đầu làm quen với Kpop. Tôi cho em tôi thấy những cái hay và cả chưa hay của Kpop.

Trong trường hợp mẹ của V.T., theo tôi, phụ huynh đã sai khi chê bai thần tượng của con mà chưa biết gì về thần tượng. Nếu từ đầu chị để con trình bày những mặt hay của Suju, cùng nghe và bàn luận các điểm hay dở thì có lẽ tình hình đã tốt hơn. Khi cảm thấy mẹ tôn trọng thần tượng của mình thì cô bé sẽ lắng nghe các ý kiến của mẹ. Đừng cấm, mà hãy đi cùng sở thích thần tượng của con!

3.3. "Hạ nhiệt" con từ từ

Giải pháp bây giờ là phải hạ nhiệt nhưng không được nóng vội. La mắng cấm đoán chỉ làm cháu thêm giận mọi người xung quanh và càng thích làm ngược lại. Phải nắm bắt tâm lý của cháu và điều quan trọng hiện tại là cả nhà nên sắp xếp thời gian bên cháu nhiều hơn.

Buổi tối hãy nói chuyện với cháu nhiều hơn, lắng nghe những ước muốn của cháu, nghe cháu kể về "thần tượng" nhưng cũng đừng quên kể lại cho cháu nghe về "thần tượng" của mình.

Thay vì nói sở thích của cháu là không đúng, không tốt, hãy đăng ký cho cháu tham gia những hoạt động lành mạnh, hòa nhập với cộng đồng. Lúc đó, mọi người xung quanh chính là những người giúp cháu nhận ra điều đúng đắn.

4. Cha mẹ nên định hướng thế nào cho con trong chuyện thần tượng ai đó?

- Nếu có thể, cha mẹ hãy tham gia cùng con trong các sự kiện có thần tượng để con cảm thấy bố mẹ quan tâm những điều chúng quan tâm. Từ đó, con sẽ dễ dàng chia sẻ với cha mẹ những cảm nhận, suy nghĩ của mình về thần tượng và phụ huynh cũng dễ định hướng cho con cái trong vấn đề này.

5. Bố mẹ nên làm gì khi còn đòi tự tử, tuyệt thực... nếu không được đi xem thần tượng?

Nếu cha mẹ nổi nóng, có những hành vi gây căng thẳng với con thì không những không có tác dụng mà còn khiến mọi việc tệ hơn vì chẳng khác gì đổ dầu vào lửa.

Cha mẹ cần bình tĩnh, giúp con định hướng lại giá trị thẩm mỹ. Hãy chia sẻ với con những thông tin về thần tượng, về giá trị của cái đẹp, cùng bình luận với con những khuynh hướng thẩm mỹ hiện đại, giúp con mở rộng quan sát qua nhiều kênh thông tin khác nhau để con có điều kiện xác định rõ ràng mình thích gì, cái gì hợp với mình. Trong nhịp sống hiện nay, cha mẹ có con là "fan cuồng" thật ra cũng khó có nhiều dịp đồng hành cùng con trong việc xác định, xây dựng thần tượng.

Cha mẹ không nên đáp ứng mọi yêu cầu, nguyện vọng tiếp xúc thần tượng của con trong bất kỳ hoàn cảnh nào vì điều đó có thể làm trẻ cảm thấy cứ muốn là sẽ được. Ví dụ, trẻ xin tiền mua vé xem thần tượng biểu diễn, nếu cảm thấy mong muốn này không thích hợp hoặc điều kiện kinh tế không cho phép, cha mẹ có thể kiên quyết từ chối, thuyết phục con xem lại trên ti vi sau đó. Nếu con không chịu "nhượng bộ" thì hãy cho trẻ hiểu và đối diện thực tế gia đình không có tiền đáp ứng nhu cầu của trẻ.

Nếu con đòi tự tử, tuyệt thực thì bố mẹ hãy cứng rắn theo dõi tình hình. Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường thì có thể "hoãn binh" bằng cách thỏa hiệp phần nào đó yêu cầu của trẻ. Song cũng đừng quên trao đổi với trẻ về thái độ cần có khi đi xem thần tượng. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy cố gắng tìm kiếm thông tin về chương trình con tham gia, thỉnh thoảng tìm cách liên lạc với con để con thấy rằng cha mẹ luôn đồng hành với mình.

Khi con nghiện game thì cha mẹ cần làm gì?

Nên làm gì khi trẻ luôn vòi vĩnh mua đồ chơi?

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp