Hiện trạng giáo dục trực tuyến tại Việt Nam:

Mặc dù thị trường giáo dục trực tuyến tại việt nam đã được nhen nhóm hơn 10 năm và có hơn 5 năm thương mại hóa song mảng thị trường này vẫn nằm trong bối cảnh chung của nền công nghệ nội dung số chính thống của Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2014 đã ghi nhận được những dấu hiệu tích cực cho việc phát triển các chương trình giáo dục trực tuyến như:

  • Theo nghiên cứu của Ambient Insight Research (Mỹ), Việt Nam là nước có tốc độ phát triển về đào tạo trực tuyến nhanh nhất thế giới (44,3%/năm) - Xem chi tiết nghiên cứu này tại đây
  • Quy mô thị trường đào tạo trực tuyến tại Việt Nam hiện nay ước đạt 50 triệu $.  Xem chi tiết tại Vnexpress
  • Đã có từ 3 đến 5 triệu người dùng tham gia các chương trình học trực tuyến tại Việt Nam ( Xem chi tiết )
  • Giáo dục tại Việt Nam đang hút nguồn đầu tư khổng lồ - Xem chi tiết

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển E-learning nhanh nhất thế giới

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển E-learning nhanh nhất thế giới - Ambient Insight năm 2014.

Forbes Vietnam: Đầu tư vào giáo dục

Forbes Vietnam Đầu tư vào giáo dục - số tháng 9 năm 2014

Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về 1 trong những hình thức giáo dục trực tuyến -  Flipped Learning

Vậy flipped learning là gì?

Trước khi bắt đầu đi tới khái niệm của “flipped learning”, tác giả xin được nhắc tới những vấn đề nó sẽ giải quyết được so với cách dạy học truyền thống: 90% thời gian nghe giảng và 10% thời gian làm bài trên lớp. Với phương pháp dạy truyền thống, một buổi lên lớp sẽ bắt đầu với việc giáo viên chuẩn bị bài giảng lên lớp và học sinh chuẩn bị làm bài tập về nhà buổi trước. Bài mới sẽ được giảng trong giờ trên lớp và thừa một chút thời gian sẽ làm làm bài tập luyện tập tại lớp. Như vậy, hầu hết việc giảng và nghe giảng ước chừng đã ngốn 90% thời gian, 10% còn lại là luyện tập trên lớp của cả giáo viên và học sinh.

Có một luận điểm mà phương pháp “Flipped Learning” có tính thuyết phục rất cao ngay từ tài liệu đầu tiên tác giả được đọc, đó là khi nghe giảng, học sinh được đánh giá rơi vào tình trạng “low level thinking”. Và khi ứng dụng lý thuyết làm bài tập hoặc các hoạt động học, học sinh sẽ ở “high level thinking”. Nghĩa là khi học sinh đang bị động tiếp thu kiến thưc thì phần lớn sẽ khó suy nghĩ, tưởng tượng, đào sâu vào kiến thức ngay trong lúc nghe giảng. Vì vậy nên mỗi khi nghe giảng một kiến thức nào đó mà sử dụng nó đề giải quyết bài tập, hoặc nghĩ lan man các vấn đề khác ngay thì sẽ mất toàn bộ phần cô giáo giảng sau đó. Giải pháp mà “Flipped Learning” đưa ra là … hãy đảo ngược quá trình này.

Flipped Learning - Đảo ngược quá trình học truyền thống

Flip có nghĩa là lật. Phương pháp đề xuất việc đảo ngược các bước giảng và dạy. Nghĩa là: việc nghe giảng để về nhà còn việc thực hành, ứng dụng, làm bài tập thì trên lớp. Nghe có vẻ kì lạ, lên lớp là phải để nghe giảng sao làm bài tập ? Về nhà lấy ai mà giảng bài cho nghe ?

Cách đây khoảng 10 năm thì phương pháp này có vẻ khó khả thi, nhưng với những tiến bộ công nghệ hiện tại thì nó cực kì phù hợp. Như hiện nay, thầy giáo sẽ thu bài giảng bằng video, powerpoint, công cụ hỗ trợ soạn thảo bài giảng hoặc tham gia vào các cổng đào tạo trực tuyến … Học sinh sẽ sử dụng nội dung video này để học và chuẩn bị câu hỏi cho bài học.

Công việc trên lớp của thầy và trò sẽ chỉ còn ở dừng ở việc giải đáp các nghi vấn về bài học, thầy giáo hướng dẫn học sinh đào sâu kiến thức, thực hiện các hoạt động nhóm phù hợp cũng như dành nhiều thời gian hơn trong việc luyện tập và tư duy ….. quá hấp dẫn và hứng thú cho cả thầy lẫn trò. Học sinh sẽ được học trong các mô hình lớp học mới gọi là “flipped classroom” - một cách tổ chức lớp đặc trưng cho phương pháp “flipped learning”. (xem thêm : http://www.uq.edu.au/tediteach/flipped-classroom/what-is-fc.html)

Ý tưởng chủ chôt của “Flipped Learning” là tăng thời gian cho việc đào sâu suy nghĩ (high level thinking) và giảm thời gian tiếp thu bị động (low level thinking). Việc tiếp thu kiến thức sẽ được chuyển đổi qua các hình thức học trực tuyến.

Một số lợi điểm khi áp dụng “Flipped Learning” :

Phân biệt rõ thời gian trên lớp chỉ luyện tập và ôn tập, hỏi đáp kiến thưc, không bị lẫn với thời gian nghe giảng như phương pháp truyền thống. Giảm được thời gian dành cho những khái niệm mà học sinh dễ dàng nắm bắt để tập trung vào các vấn đề khó hơn, đào sâu hơn. Lý do này xuất phát từ việc đôi khi giáo viên khó xác định chính xáckhái niệm nào học sinh dễ nắm bắt và khái niệm nào thì khó khăn. Đôi khi, giảng kĩ một khái niệm cho nhóm học sinh này sẽ lấy đi thời gian của các nhóm học sinh đã hiểu còn lại. Cách giải quyết là học sinh chỉ cần tua video xem lại đoạn chưa hiểu.

  • Hướng vào dạy học cá thể. Giáo viên có nhiều thời gian trên lớp hơn để tiếp cận các học sinh yếu kém.
  • Học sinh có thể thu lại hoặc xem đi xem lại đoạn video bài giảng chưa hiểu.
  • Học sinh vắng mặt sẽ không bỏ lỡ bài giảng.
  • Có được nhiều thời gian hơn cho các hoạt động học trên lớp.
  • Phụ huynh có thể phối hợp cùng giáo viên trọng việc hướng dẫn học tập của học sinh.

Học sinh hiện tại vẫn thường sử dụng máy ảnh ghi lại những bài giảng của thầy cô để về xem lại, hoặc đơn giản chỉ là lười ghi chép. Đây cũng chính là cơ sở, có chút chủ quan để tôi tin tưởng rằng phương pháp này khá phù hợp với điều kiện hiện nay, khi mà điều kiện tiếp cận với những ứng dụng công nghệ càng ngày càng dễ dàng và tiện lợi. Trong bài viết này, chúng ta sẽ dừng lại ở mức độ tìm hiểu về Flipped Learning. Trong những bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục có những bài viết sâu hơn về chủ đề này. Số liệu tham khảo:

 

Số liệu về Giáo dục Việt Nam năm 2014

Nguồn hình ảnh: forbesvietnam - xem hình gốc

Bài viết có sử dụng thông tin của tác giả Phạm Tiến Dũng, Ambient Insight 2014 & Thông tin từ Forbes Vietnam số tháng 9 năm 2014