Nhiều giáo viên bậc phổ thông và giảng viên đại học đang lo ngại cách thức chuẩn bị thi THPT Quốc gia hiện nay. Bởi việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm môn Toán đang gây ra hậu quả tiêu cực đối với các em học sinh cũng như là hệ thống giáo dục trong tương lai.

Xem thêm:

>>> Mẹo đạt điểm tối đa môn Văn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018

>>> Gần 15.000 thí sinh đăng ký thi kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Quốc gia TP.HCM

>>> Lên kế hoạch ôn tập hiệu quả trong tháng cuối cùng trước kỳ thi THPT Quốc gia 2018

"Trắc nghiệm hóa" dạy, học và thi cử

Gần 2 năm trước, khi phản đối việc Bộ GD&ĐT có dự định áp dụng hình thức trắc nghiệm đối với môn toán trong kỳ thi THPT 2017, GS Phùng Hồ Hải, Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam, lên tiếng: “Chúng tôi quan ngại nếu Bộ tổ chức thi THPT môn toán theo hình thức trắc nghiệm thì tất cả các kỳ đánh giá khác cũng sẽ trắc nghiệm theo. Kiểm tra một tiết, thi học kỳ... cũng sẽ trắc nghiệm theo, bởi ai còn làm tự luận nữa làm gì! Điều này ảnh hưởng sâu sắc tới việc dạy và học môn toán ở phổ thông”.

Quan ngại của Hội Toán học đã thực sự trở thành nguy cơ hiện hữu. Giáo viên một trường THPT ở Gia Lâm, Hà Nội cho biết: “Trước khi kết thúc học kỳ 1 năm học 2016 - 2017 (đây là năm học Bộ có chủ trương thi toán trắc nghiệm kỳ thi THPT năm 2017), Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn yêu cầu đề thi học kỳ I lớp 12 phải là đề thi tự luận. Mục đích của công văn này là chống lại xu hướng “trắc nghiệm hóa” cách học. Nhưng nỗ lực này không ăn thua, bởi kết quả là trong số khoảng 600 học sinh (HS) lớp 12 của trường, có hơn 300 bài nộp giấy trắng, còn lại khoảng vài chục bài viết vài dòng ngắn ngủi. Hỏi sang các trường bạn, các đồng nghiệp cho biết tình hình cũng tương tự. Năm học vừa rồi chúng tôi không thấy Sở yêu cầu như thế nữa và hiển nhiên là các trường cho HS làm bài trắc nghiệm hết”.

Tâm lý

Theo ông Bùi Mạnh Tùng, giáo viên toán Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội), việc phối kết hợp kiểm tra trắc nghiệm vào quá trình học là rất tốt. Nhờ những câu hỏi trắc nghiệm nhỏ gọn mà người thầy sẽ kiểm tra được toàn diện các khía cạnh kiến thức của HS. Trong 90 phút, nếu làm tự luận thì chỉ kiểm tra được 5 bài tương ứng với 5 phân vị kiến thức; còn nếu làm trắc nghiệm, với 90 phút kiểm tra khoảng 20 phân vị kiến thức là bình thường. Nhưng hiện nay Bộ GD-ĐT thay thế hoàn toàn hình thức thi ĐH bằng trắc nghiệm, lại chỉ bằng hình thức trắc nghiệm chọn đáp án đúng (trong khi có tới 4 hình thức trắc nghiệm) thì lại gây hại nhiều cho việc dạy học môn toán ở trường phổ thông.

Ông Tùng phân tích: “Trước hết là bởi tâm lý của người học VN là thi thế nào học thế đấy. Nếu thi là chọn 1 trong 4 đáp án đã cho thì việc học của HS là không cần nắm rõ bản chất, chỉ cần lựa chọn đáp án đúng trong những đáp án mà người ta đưa ra, mà đó không phải là mục tiêu của việc dạy và học toán. Vì thế với môn toán, việc học không đi vào bản chất nữa, mà là học chiến thuật chiến lược để các em có cách thức để làm bài kiểm tra vừa nhanh vừa hiệu quả”.

Ông Đặng Văn Tùng, giáo viên một trung tâm luyện thi ở Hà Nội, cũng tâm sự: “Tâm lý phụ huynh và HS chỉ muốn học theo kiểu “mì ăn liền”. Khi gửi con học, họ chỉ muốn giáo viên ôn luyện chiến thuật làm bài để đạt điểm cao”.

Hậu quả tiêu cực đối với hệ thống giáo dục

Vũ Đình Hồng Phúc, sinh viên năm thứ 4 Khoa Vật lý (lớp cử nhân tài năng), Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, đồng thời trải nghiệm cả thi tự luận lẫn trắc nghiệm môn toán (do dự kỳ thi đánh giá năng lực mà ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức). Trao đổi với PV Thanh Niên, Phúc nhận xét: “Dù em đạt kết quả cao trong bài thi, em cũng đã góp ý không tán thành thi trắc nghiệm. Ưu điểm mà em thấy được rõ nhất của thi trắc nghiệm là số câu hỏi lớn. Tuy nhiên, em thấy cái ưu điểm này không thật sự đáng để đánh đổi sự chặt chẽ của toán học”.

Tâm lý

Ông Nguyễn Cảnh Duy, giáo viên toán Trường THPT Khoa học giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết nguy hại của việc thi toán trắc nghiệm trong kỳ thi THPT là tác động lâu dài tới nền giáo dục phổ thông. Từ trước đến nay, chương trình đào tạo ngành sư phạm toán của các trường ĐH chủ yếu là toán cao cấp. Gần đây có Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đưa vào một ít nội dung toán sơ cấp (là kiến thức mà giáo viên sẽ dùng để dạy ở phổ thông).

Vì thế, khi ra trường làm nghề, giáo viên toán chủ yếu sử dụng kiến thức tự học cộng với kiến thức tích lũy được khi còn là HS phổ thông. Vì thế chất lượng dạy học của họ thế nào cũng có sự tác động rất lớn của thời kỳ phổ thông. Nhưng với kiểu dạy để chạy theo việc thi trắc nghiệm môn toán như hiện nay, trường phổ thông sẽ cung cấp cho các trường sư phạm những lứa sinh viên không quan tâm đúng mức tới quá trình giải quyết vấn đề mà chỉ quan tâm tới hiệu quả.