>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015


Nhiều trường đại học công bố điểm sàn xét tuyển - ảnh 1
Thí sinh thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Đăng Nguyên

Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa quyết định điểm sàn tối thiểu để nộp hồ sơ xét tuyển vào trường là 18 điểm (tổng 3 môn chưa nhân hệ số môn chính theo khối). Riêng ba ngành: sư phạm tiếng Anh, kinh tế gia đình, kỹ thuật công nghiệp (hệ đại trà) cũng như các ngành ở hệ chất lượng cao, trường đang bàn thảo để quyết định sẽ giữ mức điểm sàn là 18 điểm hay lấy 17 điểm; quyết định sẽ được đưa ra vào ngày 29.7.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng quyết định sẽ giảm 50% học phí trong suốt 4 năm học cho nữ sinh viên ngành kỹ thuật công nghiệp từ khóa 2015. Trước đó trường đã giảm 50% học phí cho nữ sinh viên các ngành cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ khí, chế tạo máy, ô tô, nhiệt lạnh và xây dựng.
Các trường ĐH ngoài công lập cũng công bố điểm sàn xét tuyển ngay trong chiều 28.7. Trường ĐH Văn Lang lấy bằng ngưỡng “sàn” của Bộ GD-ĐT (15 điểm). Riêng các ngành năng khiếu, môn năng khiếu sẽ nhân đôi, thí sinh được 20 điểm là đủ điều kiện xét tuyển. Cũng xét điểm sàn bằng ngưỡng của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành còn quy định môn năng khiếu của ngành kiến trúc phải là 3 điểm trở lên, ngành thiết kế đồ họa không bị điểm liệt.
Trường ĐH Lạc Hồng xét điểm bằng ngưỡng của Bộ GD-ĐT và công bố sẽ xét tuyển online. Thí sinh có thể xem hướng dẫn cách xét tuyển này trên website nhà trường.
Thí sinh lưu ý, đây là mức điểm đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển. Sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ xét tuyển, các trường sẽ xét điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Thí sinh bám web 3 ngày/lần để cập nhật thông tin xét tuyển

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT phản hồi trước lo lắng việc các trường dùng chung phần mềm tuyển sinh để xét tuyển ĐH-CĐ có thể gây nghẽn mạng và đưa lời khuyên cho thí sinh.
Chiều 28/7, ngay sau khi công bố ngưỡng điểm xét tuyển ĐH-CĐ 2015, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga có cuộc trao đổi nhanh với báo chí.
Trước lo lắng việc dùng chung phần mềm cho công tác tuyển sinh ĐH-CĐ có thể gây nghẽn mạng cục bộ, ông Ga khẳng định: "Việc công bố này đơn giản, dung lượng không nhiều, số truy cập không lớn nên các trường có thể làm được, không có gì phải lo lắng".
Về công tác giám sát việc các trường thực hiện 3 ngày/lần công bố thống kê lượng thí sinh nộp vào-rút ra, Thứ trưởng cho rằng: "Tất cả các trường đều có trang web. Quy chế đã công bố điểu này. Tất cả các trường phải thực hiện, nếu không sẽ bị xử lý theo quy chế. Trường nào không thực hiện, thí sinh có thể phản ánh với Bộ GD-ĐT để xử lý".

Thứ trưởng cũng nhắn nhủ thí sinh phải chủ động theo dõi thường xuyên thông tin của các trường (3 ngày/lần). Để không bị may rủi thì các em phải tìm đúng thông tin. Nên nhớ, nguyện vọng (NV1) các trường tuyển 70-75% chỉ tiêu. Các đợt sau chỉ còn khoảng 30% chỉ tiêu trong khi tỷ lệ hồ sơ ảo rất lớn. Vì vậy, phải tính toán để chọn đúng  NV1, bảo đảm cơ hội để trúng tuyển cao nhất. Phải chọn trường đúng tầm, không nên chọn trường cao quá.

Nếu muốn thay đổi nguyện vọng trong đợt 1 thì có thể thay đổi qua mạng hoặc các phương thức khác nhau do trường quy định.
Theo:
  • Thanh Niên, tin gốc:http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/nhieu-truong-dai-hoc-cong-bo-diem-san-xet-tuyen-590524.html
  • Vietnamnet, tin gốc: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/253051/thi-sinh-bam-web-3-ngay-lan-de-cap-nhat-thong-tin-xet-tuyen.html