Giáo viên nhận định đề thi tốt nghiệp môn Vật lý năm 2015: Điểm tuyệt đối môn Vật lý sẽ không nhiều

  • Thầy Lê Duy Dũng - Giải Nhất GV dạy giỏi môn Vật lý cấp tỉnh năm 2014 Trường THPT Đông Sơn 2 (Thanh Hóa): Đề thi khắc phục tình trạng học tủ và học thêm

Với đề thi năm nay, không khó để học sinh đạt điểm 6,7 vì nội dung các câu hỏi đều bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12.

Vì vậy, tôi cho rằng với những thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT thì các em chỉ cần chăm chú nghe giảng, nắm vững kiến thức cơ bản và chịu khó làm các bài tập trong sách giáo khoa là có thể làm được bài. Xem đáp án đề thi Vật lý năm 2015 tại đây

Còn những em có nguyện vọng xét vào trường đại học cao đẳng chỉ cần chăm chỉ, chịu khó làm các dạng bài tập nâng cao là có thể đạt được điểm số cao như mong muốn

Đề thi khắc phục tình trạng học, tủ học lệch của học sinh và khắc phục được tình trạng học thêm tràn lan như trước đây.

Nhận định, đánh giá đề thi Vật lý năm 2015

  • Thầy Dương Văn Nam – Tổ trưởng Tổ Vật lý Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội): Đề thi phát huy được năng lực của học sinh

Đề thi năm nay rất hợp lý, hài hòa, có cả dễ và khó, không nằm ngoài định hướng của Bộ GD&ĐT.

Khoảng 30 câu đầu tiên, thí sinh có học lực trung bình hoàn toàn có thể đạt được 5 đến 6 điểm. Những câu còn lại dành cho học sinh khá, giỏi và có thể đạt được 8 điểm, 9 điểm. Ở đề thi này, những thí sinh chuyên Lý có thể đạt được điểm 10.

Đặc biệt, tôi khá hài lòng với cách ra đề của Bộ năm nay, mặc dù đề thi chưa tích hợp cao nhưng đã có nội dung này. Cụ thể ở câu hỏi liên quan đến chuyện bắt sóng tivi ở Trường Sa.

Đề thi cũng phát huy được năng lực của học sinh. Các câu hỏi đều yêu cầu các em phải có những tư duy nhất định. Nhất là những câu dành cho những thí có nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng càng thể hiện rõ nét yêu cầu này.
Các em không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn phải tư duy cao để có thể vận dụng những kiến thức đã học vào trong bài làm của mình.

  • Cô Phạm Thị Hiền - giải Nhì GV dạy giỏi môn Vật lý cấp tỉnh (Trường THPT Bỉm Sơn, Thanh Hóa): Xem đề thi, GV tự điều chỉnh phương pháp dạy

Rất nhiều giáo viên như chúng tôi khá hài lòng về đề thi môn Vật lý năm nay. Nhìn một cách tổng thể, đề thi không quá khó, không đánh đố học sinh, kể cả những phần dành cho học sinh giỏi.

Các yêu cầu của đề bài rất rõ nghĩa và hoàn toàn không nằm ngoài kiến thức lớp 12. Với những câu này yêu cầu học sinh phải tư duy cao và biết vận dụng kiến thức.

Song để đạt được điểm 10 tuyệt sẽ không nhiều, có chăng chỉ là những thí sinh chuyên Lý.

Với đề thi năm nay, chúng tôi cũng rút ra được bài học cho mình để tự điều chỉnh phương pháp dạy và hướng dẫn học sinh cách học đạt hiệu quả, đáp ứng với yêu cầu đổi mới của ngành Giáo dục như hiện nay. (Sỹ Điền ghi).

  • Thầy Trần Quý Nam - Giáo viên trường THPT Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội): 1 đề thi đáp ứng được 2 mục đích

Hợp lý, có tính phân loại cao là nhận định ban đầu khi tôi tiếp cận với đề thi môn Vật lý của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Bên cạnh cấu trúc đề hợp lý, học sinh đã làm quen và tập dượt cùng đề thi minh họa, nội dung kiến thức chủ yếu đều nằm trong chương trình Vật lý lớp 12. Đề thi đã “quét” toàn bộ các chuyên đề: Dao động cơ, sóng cơ, dòng điện xoay chiều; dao động điện từ; sóng ánh sáng; lượng tử ánh sáng; hạt nhân nguyên tử.

Về mặt nội dung: Các câu lí thuyết đa phần là các câu hỏi dễ, học sinh chỉ cần nhớ kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm được và phần lớn câu hỏi lí thuyết đều ở mức độ dễ, tạo điều kiện cho học sinh trung bình “kiếm điểm”.

Các câu hỏi ở mức độ trung bình chủ yếu là áp dụng những công thức đơn giản hoặc chỉ qua một, hai bước biến đổi là có kết quả.

Năm nay đề thi cũng có khá nhiều câu hỏi liên quan đến đồ thị (4 câu) yêu cầu học sinh phải biết đọc và phân tích đồ thị, 1 câu hỏi về ứng dụng thực tế (còi chữa cháy trong nhà máy (Câu 32 về sóng âm), 1 câu có liên quan đến thí nghiệm về đồng hồ đa năng hiện số (câu 47)

Về bố cục: Đề được phân bố khá rõ ràng: Các câu dễ để học sinh chỉ xét tốt nghiệp nằm ở phần đầu của đề thi (gồm 30 câu đầu) chỉ là lí thuyết thuần túy trong sách và các bài tâp rất đơn giản chỉ cần một công thức đơn giản là hoàn thành các câu này.

Các câu khó mang tính phân loại, để xét Đại học nằm ở phần cuối (20 câu cuối). Trong phần này cũng có khá nhiều câu học sinh học lực  khá cũng dễ dàng làm được (như câu 34,36,37,38,40,41,43,49 của mã đề 274). Có khoảng 4-5 câu tương đối khó chủ yếu vẫn là điện xoay chiều và 1 câu dao động cơ (câu 45,46,47,50 mã đề 274).

Cá nhân tôi nhận định: Với đề thi Vật lý năm nay, học sinh trung bình khá (nếu học rất cơ bản) cũng có thể dễ dàng đạt được 6-7 điểm. Đề thi hoàn toàn đáp ứng được cả 2 mục đích: Xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học cao đẳng. Hi vọng với đề thi này sẽ có những học sinh đạt điểm tối đa. (Kim Thoa ghi)

  • Thầy Nguyễn Thành Chung - Phó hiệu trưởng trường Ngô Thì Nhậm (Ninh Bình): Đề thi gần gũi với cuộc sống

Về mặt cấu trúc, giống như đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT (vẫn giữ nguyên cấu trúc như đề thi ĐH năm 2014), nội dung kiến thức chủ yếu thuộc chương trình THPT Vật lí 12, có một số câu thuộc kiến thức lớp 10 nên yêu cầu học sinh phải nắm chắc kiến thức.

Trong đề thi có khoảng 60% câu hỏi dễ, học sinh có lực học trung bình có thể đạt 5,6 điểm dễ dàng. Một số câu hỏi khó dành cho học sinh giỏi.

Học sinh khá học tốt các dạng bài đã từng xuất hiện trong đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng các năm trước sẽ làm được. Đề thi môn Vật lý năm nay, bài tập đồ thị khá nhiều. Điểm tuyệt đối không nhiều.

Tôi rất tâm đắc và thấy khá thú vị với 1 câu lý thuyết mang tính vận dụng cao khi đề cập đến chuyện bắt sóng tivi ở Trường Sa. Một số câu hỏi mang tính  thực nghiệm cao yêu cầu học sinh không những phải nắm rõ lý thuyết mà còn phải chắc cả phần thực hành. Đề thi năm nay mang Vật lý gần gũi với cuộc sống.

  • Thạc sĩ Đào Kim Nguyễn Thụy Nam - Tổ trưởng Tổ Vật Lý, Trường THPT Nhân Việt (TPHCM) nhận định: Đề thi phân loại cao

Đề thi không quá dài, thí sinh hoàn toàn có thể làm trong khoảng thời gian 90 phút và đảm bảo yêu cầu của Bộ GD&ĐT đó là xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ.

Mức độ khó của đề tăng dần lên. Ở phần đầu, 30 câu đầu khá dễ, các em hoàn toàn có thể ghi điểm nhanh và không mất nhiều thời gian.


Với những em HS có học lực trung bình cũng có thể đạt điểm 5, nếu nắm được những kiến thức cơ bản của SGK Vật lý lớp 12.

Với những HS khá cũng có thể đạt được điểm 6,5-7,5 điểm. Còn những em thực sự xuất sắc mới đạt điểm 9, 10 vì đề có tính phân hóa cao.

Những câu hỏi khó, chủ yếu tập trung ở chương 1, 2, 3 SGK Vật lý lớp 12: Dao động cơ, Sóng Cơ, Dòng điện xoay chiều.

Nhìn chung đề thi rõ ràng và đáp ứng được yêu cầu của Bộ GD&ĐT đưa ra, phù hợp với chương trình ôn tập của các em HS.

  • Thầy Trần Văn Hà – Tổ trưởng tổ Vật Lý Trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhận định: Đề thi chủ yếu trong chương trình SGK

Đề thi Vật lý vừa sức với học sinh, bám sát chương trình và nội dung chủ yếu nằm trong chương trình Sách giáo khoa Vật lý lớp 12. Như vậy, nếu học sinh ôn luyện chăm chỉ hoàn toàn có thể yên tâm làm bài thi.

Cấu trúc đề thi tương đương với đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT hướng dẫn nên học sinh cũng không bỡ ngỡ hay lạ lẫm ở câu nào. Nội dung đề thi tương ứng với thời gian cho phép nên sẽ rất ít trường hợp thí sinh bỏ dở, đặc biệt khi đây là môn thi theo hình thức trắc nghiệm.

Dễ dàng nhận thấy đề thi phân loại học sinh rõ nét, đúng với mục đích của Bộ GD&ĐT vừa xét học sinh tốt nghiệp, vừa xét học sinh vào ĐH.

Với 60% đề thi là nhận biết và thông hiểu, học sinh có học lực trung bình sẽ không quá khó khăn để làm, như vậy các em có thể đạt 5 -6 điểm xét tốt nghiệp.

40% đề thi là vận dụng kiến thức, học sinh khá, giỏi sẽ tập trung thời gian để giải quyết. Tuy nhiên, trong 40% này có một số câu không dễ dàng gì nên đề thi có thể dễ, vừa sức học sinh nhưng điểm tuyệt đối không nhiều.

  • Giáo viên nhận định đề lý: 30% câu cho HS khá, giỏi

Theo các giáo viên, 70% câu hỏi thuộc dạng vừa sức với thí sinh, 30% câu hỏi còn lại dùng để phân loại thí sinh, phải là những học sinh khá, giỏi mới giải quyết được.

Theo thầy Đoàn Xuân Hiển, giáo viên môn Vật lý, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi đại học, Trường ĐH Nông lâm TPHCM, đề thi môn vật lý năm nay bao quát được toàn bộ chương trình lớp 12.

Trong đó, có 70% câu hỏi thuộc dạng vừa sức với thí sinh để các em có thể đậu tốt nghiệp THPT; 30% câu hỏi còn lại dùng để phân loại thí sinh, phải là những học sinh khá, giỏi mới giải quyết được.

Trong đề thi, số câu hỏi khó tập trung vào chủ đề dòng điện xoay chiều đòi hỏi thí sinh không chỉ có năng khiếu học vật lý mà phải có kỹ năng giải toán, đã từng giải nhiều bài toán vật lý khó mới làm được.

Thầy Nguyễn Thế Phong, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn, cho rằng cấu trúc đề năm nay khác hẳn so với mọi năm. Theo đó, với mã đề 138, từ câu 1 đến 35 rất dễ, từ câu 36 trở đi là các câu khó và rất khó trong khi mọi năm các câu khó và dễ thường nằm lẫn lộn với nhau.

Những câu khó và rất khó tập trung vào các phần kiến thức về điện, sóng cơ, giao thoa và một câu về âm thanh. Các câu khó là những câu có đồ thị, hình vẽ. Từ đồ thị này thí sinh đọc ra các thông số rồi mới có thể lập phương trình để giải. Quá trình giải đòi hỏi phải tính toán rất nhiều trong khi thời gian có 90 phút. Chỉ những thí sinh thực sự giỏi và xuất sắc mới có thể hoàn thành tốt đề thi này.

Theo các thầy, với đề thi này, học sinh trung bình có thể đạt được 6-7 điểm một cách dễ dàng. Tuy nhiên, để đạt 8,9,10 điểm thì sẽ rất khó khăn và những em đạt 10 điểm là những em thực sự giỏi môn này. Như vậy, đề thi có tính phân loại rất cao, đạt được mục tiêu 2 trong 1 của kỳ thi.

Ý kiến của học sinh về đề thi tốt nghiệp môn Lý năm 2015

  • Thí sinh Đắklắk nói khó đạt điểm 7

Đặng Hào Quang (huyện Buôn Đôn) nhận định: “Đề vật lý năm nay không khó, nếu có kỹ năng tốt và biết cách giải khoa học thì sẽ làm được 80% đề. Đề khó nhất nằm ở phần điện, em nghĩ mình sẽ rơi điểm ở phần này khá nhiều”. Ngoài ra, có rất nhiều câu bẫy thí sinh, giải thiếu một bước nhưng vẫn ra đáp án trong đề có, nếu không cẩn thận rất dễ bị mất điểm đáng tiếc - Quang nói thêm.

Đàm Khánh Linh Phương (huyện Buôn Đôn) cho biết: “Đề không khó, rất vừa sức. Theo em đề Vật lý năm nay dễ hơn đề năm ngoái. Em tự tin mình đạt 70%”. Phương cũng chia sẻ, em thấy khó nhất là phần điện và sẽ có nhiều thí sinh mất điểm ở phần này.

Thí sinh Ngô Thị Hoàng Duyên tại Hội đồng thi trường THPT Chu Văn An (TP.Buôn Ma Thuột) nhận định: "Đề thi Vật lý năm nay có tính phân loại cao, câu dễ thì quá dễ còn câu khó thì quá khó. Em làm được 40/50 câu".

Thí sinh Hồ Thị Ánh Ly (đến từ H.Ea H\'leo) cũng cho biết đề thi Vật lý có tính phân loại rõ rệt giữa học sinh thi ĐH và tốt nghiệp THPT. Ly nói mình làm được khoảng 80% bài thi.

Các thí sinh cho biết các câu hỏi có tính phân loại cao, trong đó có khoảng 30 câu “dễ thở”. Tuy nhiên để đạt được 7 điểm là khó

"Có nhiều câu ở phần “dao Động”, phần sở trường nên mình làm được khoảng 75%” - bạn Nguyễn Thị Nhung (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ.

Thí sinh Tịnh Dương Tâm (Krông Năng) cho biết đề thi hay nhưng khó. “Mình thấy thú vị ở một số câu đòi hỏi thí sinh áp dụng vào thực tế như ở câu 19 là cách phát sóng vệ tinh ở Trường Sa” - Tâm hồ hởi.

Còn bạn Nguyễn H’Per Nê (H. Krông Ana) nói đề theo sát cấu trúc đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bạn đã được ôn tập khá kỹ và không quá bỡ ngỡ trước “ma trận” câu hỏi này. Tuy nhiên, có khoảng 20 câu khó nên những ai lực học trung bình khó vượt qua được.

  • Thí sinh Cần Thơ than môn lý khó

Kết thúc buổi thi môn lý, hầu hết thí sinh ở Cần Thơ đều than rằng đề quá khó. Theo các bạn, đề thi gồm 50 câu nhưng có đến 20 câu thuộc chương trình lớp 12 nâng cao.

Đa số thí sinh cho rằng với đề thi này, những bạn có học lực trung bình có thể đạt từ 5-6 điểm. Học lực khá, giỏi thì kiếm được 7-8 điểm, rất khó kiếm được điểm 9 và 10.

Thí sinh Bùi Công Duy trường THPT Châu Văn Liêm TP Cần Thơ nói: “Đề lý tính phân loại cao, trong đó có 10 câu em chưa từng gặp. Với đề thi này em có thể kiếm khoảng 6 điểm”

  • Thí sinh Hải Phòng: Càng cuối đề càng khó

Ghi nhận tại điểm thi ĐH Hải Phòng (Kiến An, Hải Phòng), sĩ tử Nguyễn Thế Chỉnh (Hải Dương) nhận định đề thi Vật lý năm nay khá hay và có tính phân loại cao. Chỉnh cho rằng học sinh có học lực khá giỏi mới có thể làm được trọn vẹn bài thi, bản thân Chỉnh tự tin làm được trên 60% bài thi.

Lê Thị Mai (Gia Lộc, Hải Dương) cho biết đề thi có 50 câu và khó dần theo các câu. "Càng về những câu cuối mức độ càng khó, bản thân em thấy có nhiều câu chưa từng gặp bao giờ nên chỉ chắc chắn làm được khoảng 50%" - Mai chia sẻ.

Cùng ý kiến, thí sinh Vũ Văn Hoàng (Hải Dương) cho rằng đề thi Vật lý trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay khá hay và đã đạt mức độ phân loại thí sinh tốt.

  • Thí sinh Thái Nguyên lại thấy đề khó mức...trung bình

Ghi nhận tại điểm trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, khi tiếng trống kết thúc thời gian thi thí sinh mới bắt đầu ra khỏi phòng. Theo ý kiến của nhiều thí sinh, đề Vật lý năm nay có mức độ khó trung bình, có thể đạt điểm trung bình không có, hầu hết đều cho rằng có thể làm tốt 25 câu đầu.

Cũng theo quan sát, do trường nằm ngay mặt đường quốc lộ 3 cho nên ngay trước khi kết thúc giờ thi  30 phút, tất cả khoảng gần 100 tình nguyện viên đã nắm tay nhau tạo lối ra thuận lợi cho các thí sinh.

  • Sĩ tử Nghệ An rạng rỡ "đề lý không quá khó"

Nhiều nụ cười, tâm lý vui vẻ và thoải mái là tâm trạng chung của phần lớn thí dự thi môn Vật lý tại điểm thi trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) sau 90 phút làm bài.

Các thí sinh rời phòng thi liền “khoe” đề không quá khó nhưng có tính phân loại cao giữa thí sinh thi lấy điểm xét tuyển tốt nghiệp và thí sinh lấy điểm nộp hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ.

“Đề thi Vật lý không quá dài và có những câu phân loại, những câu khó ở phần điện xoay chiều, F biến thiên. Em làm được 40/50 câu hỏi, trong đó phần bài tập chiếm 60% còn lại là lý thuyết. Em nghĩ với những bạn khá thì có thể kiếm được điểm 7 rồi”, thí sinh Lê Bỏ Khánh Trình (quê huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) - thí sinh rời phòng thi sớm nhất tại điểm thi này nhận xét. Trình dự thi khối A, sau hai môn thi Toán và Vật Lý làm được bài, Trình thấy tự tin chờ đến ngày làm bài môn Hóa.

Bước ra phòng thi với vẻ mặt phấn khởi, thí sinh Hoàng Thị Thương cũng vui mừng khoe với bạn cùng trường và mẹ mình. “Em thấy đề thi Vật lý năm nay không khó hơn so với năm ngoái. Có khoảng 7-8 câu hỏi khó phải suy nghĩ, tính toán nhiều, là để phân loại các thí sinh giỏi. Em làm hết đề thi này trong vòng 70 phút”, Thương chia sẻ.

  • Thí sinh Đà Lạt: 1/2 đề từ khó đến rất khó

Đó là không khí chung tại cụm thi Đà Lạt. Không có thí sinh ra sớm, tất cả các thí sinh đều rời phòng thi khi có thông báo hết thời gian làm bài. Nét mặt các thí sinh khá căng thẳng, không có nhiều tiếng cười đùa, khác hẳn những buổi thi trước đó.

Nhiều thí sinh cho rằng ½ đề thi vật lý rất dễ, đa số thí sinh dễ dàng làm tốt và có 5 điểm. Phần còn lại khó đến rất khó chỉ có những học sinh khá giỏi mới có khả năng đáp ứng.

Thí sinh Trịnh Ngọc Tiên (Bảo Lâm, Lâm Đồng) cho biết em chỉ có thể có được 6 điểm với đề thi môn vật lý.

“Em luyện đề rất nhiều nhưng có một số dạng câu hỏi chưa gặp bao giờ”, Tiên nói. Thí sinh Đoàn Văn Huy (Lâm Hà, Lâm Đồng) là thí sinh có học lực loại khá. Huy cho rằng rất dễ kiếm điểm 5 với đề thi vật lý nhưng khó để có số điểm cao hơn.

Ở ngày thi thứ hai với hai môn Văn và Vật Lý, cụm thi đại học Đà Lạt có 3 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại và mang tài liệu vào phòng thi. Như vậy, đến thời điểm này, cụm thi này đã có 5 thí sinh bị đình chỉ vì mắc hai lỗi mang tài liệu và điện thoại vào khu vực thi. Trong ngày thi thứ 2 của kỳ thi THPT Quốc gia, cụm thi Đại học Đà Lạt có 313 thí sinh bỏ thi.

  • Kiên Giang: ít thí sinh làm được 100%

Thí sinh Nguyễn Trọng Nguyễn - học sinh Trường THPT Vân Khánh (huyện An Minh, Kiên Giang) - cho biết mình chỉ làm được khoảng 40% bài thi, phần còn lại chỉ biết đánh dấu đại theo kiểu may rủi vào các đáp án trắc nghiệm.

Theo nhiều thí sinh khác, đề thi phần lý thuyết quá ít, chủ yếu nghiêng về phần bài tập nhiều hơn.

Cô Hồ Thị Mỹ Linh - giáo viên dạy vật lý nhiều năm tại Trường THPT Nguyễn Hùng Sơn (TP Rạch Giá) - nhận định đề lý năm nay phân hoá ở 30 câu đầu khá dễ, học sinh trung bình nếu có ôn tập kỹ lưỡng sẽ lấy được từ 5 đến 6 điểm. 20 câu còn lại là phần kiến thức nâng cao dành cho học sinh khá, giỏi.

Tổng hợp từ Tuổi trẻ, Giáo dục Thời đại