Môn thi tự chọn thi THPT quốc gia miền núi phía Bắc: Lịch sử, Địa lý áp đảo

Môn thi tự chọn thi THPT quốc gia miền núi phía Bắc: Lịch sử, Địa lý áp đảo
Thời điểm này, nhiều tỉnh thành đã có con số thống kê chính thức tỷ lệ đăng ký môn thi tự chọn kỳ thi THPT quốc gia 2015. Thông tin từ một số địa phương miền núi phía Bắc, tỷ lệ thí sinh lựa chọn môn Lịch sử và Địa lý rất cao.

Trên 50% thí sinh chọn thi Lịch sử

Đó là con số do Sở GD&ĐT Điện Biên cung cấp từ thống kê sơ bộ hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015 của thí sinh trên địa bàn.

Theo ông Phạm Quang Tể - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Điện Biên), năm nay, toàn tỉnh có 6.214 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 2.871 em; 2.462 thí sinh dự thi với hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ; 881 thí sinh chỉ thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Về việc đăng ký môn thi tự chọn, tại địa phương này, các môn tự nhiên như Vật lý, Hóa học, Sinh học “yếu thế” hơn hẳn so với môn xã hội. 

Trong khi có tới 3.962 thí sinh đăng ký dự thi môn Địa lý (trên 63%); 3.262 thí sinh chọn thi Lịch sử (trên 52%) , thì số đăng ký môn Vật lý chưa đầy 20% với 1.076 thí sinh; Hóa học chưa đầy 30% với 1.813 thí sinh và Sinh học là 1.632 thí sinh đăng ký (khoảng 26%). Năm 2014, số thí sinh lựa chọn môn thi Lịch sử ở Điện Biên cũng rất cao. 

Con số này cũng tương tự tại Cao Bằng. Theo dữ liệu phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Sở GD&ĐT Cao Bằng cung cấp cho báo Giáo dục và Thời đại, tính đến đầu giờ sáng nay (5/5), có tới 4.369 trên tổng số 5.998 thí sinh Cao Bằng đăng ký thi môn Địa lý (gần 73%); số thí sinh đăng ký thi Lịch sử cao thứ 2 với khoảng trên 52% (3.160 thí sinh).


Trong khi đó, môn Vật lý chỉ có 1.151 thí sinh đăng ký (khoảng 19%); môn Hóa học: 1.532 thí sinh đăng ký (khoảng trên 25%); Sinh học: 2.093 thí sinh đăng ký (trên 34%). Thấp nhất là Ngoại ngữ, chỉ có 495 thí sinh đăng ký thi.

Năm 2015, toàn tỉnh Cao Bằng có tổng số 5.998 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia; trong đó có 2.939 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, 1.954 thí sinh  dự thi với 2 mục đích và 1.105 thí sinh chỉ dự thi để tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Tại Sơn La, dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Sơn La), năm 2014, số thí sinh của tỉnh lựa chọn thi Lịch sử và Địa lý rất cao. 

Tỉnh Hà Giang, năm 2014, thí sinh đăng ký rải đều, các môn gần tương tương nhau. Riêng môn Ngoại ngữ số thí sinh đăng ký rất ít do học sinh thiếu tự tin với môn học này. Năm nay, con số này chắc sẽ không thay đổi nhiều.

Tập trung vào công tác ôn tập

Sau khi hoàn thành việc thu nhận hồ sơ, các điểm đăng ký dự thi sẽ chuyển dữ liệu về Sở GD&ĐT. Sau đó, Sở duyệt các hồ sơ đăng ký dự thi với 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào ĐH, CĐ để chuyển về trường ĐH chủ trì cụm thi theo từng địa bàn theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tại thời điểm này, nhiệm vụ quan trọng được các Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo là tổ chức thực hiện tốt kế hoạch ôn tập trong các nhà trường. Nhiều địa phương song song với công việc này sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực học sinh lớp 12 để giúp các em tập dượt trước kỳ thi THPT quốc gia.

Tại Sơn La, Sở GD&ĐT đề nghị các nhà trường tổ chức cho học sinh làm các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT một cách nghiêm túc và tiến hành chấm thi, đánh giá kết quả.

Sau đó, trên cơ sở kết quả bài thi của giáo viên và học sinh, các trường cần tổ chức rút kinh nghiệm để định hướng và thực hiện việc ôn tập cho học sinh. Các giáo viên đồng thời được yêu cầu xây dựng đề thi theo hướng đề minh họa và tổ chức cho học sinh thi thử, chấm thi, đánh giá kết quả.

Tại Điện Biên, theo ông Phạm Quang Tể, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn ôn tập cụ thể. Theo đó, ôn thi phải đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.

Quan tâm giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức; thực hiện các giải pháp hiệu quả tổ chức ôn tập cho học sinh phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh.

Sau khi kết thúc năm học, ngoài việc ôn tập theo kế hoạch sẽ chú trọng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học. Trong quá trình thực hiện, có tổ chức kiểm tra, đánh giá thường xuyên theo tuần; từ đó, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch kịp thời để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Tại Hà Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý - Trưởng Ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang năm 2015 - chỉ đạo: Công tác ôn thi được thống nhất thực hiện trong khoảng thời gian 4 tuần cho tất cả những học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh. 

Thời lượng ôn thi được quy định rõ với 24 tiết/8 môn/lớp/tuần và mỗi lớp ôn phải đảm bảo quy mô từ 40 đến 45 học sinh/môn thi. Thời gian ôn thi sẽ được bố trí liền kề, ngay sau khi hoàn thành chương trình học kỳ II năm học 2014 - 2015.

Các phương án tổ chức cụm thi tại địa phương

Điện Biên: Phương án tổ chức các điểm coi thi đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, toàn tỉnh có 8 điểm coi thi liên trường và 3 điểm thi độc lập.

Điểm có số lượng thí sinh nhiều nhất là tại thành phố Điện Biên Phủ với 346 thí sinh. Điểm này thi tại Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ, gồm thí sinh các trường: THPT Thanh Nưa, THPT thành phố Điện Biên Phủ, THPT Phan Đình Giót, PTDTNT tỉnh, TTGDTX tỉnh, PTDTNT THPT huyện Điện Biên, THPT Mường Nhà.

Ba điểm thi độc lập là THPT Nà Tấu (huyện Điện Biên) với 108 thí sinh; THPT thị xã Mường Lay với 53 thí sinh; THPT Chà Cang (huyện Nậm Pồ) với 11 thí sinh.

Hà Giang: Thống nhất thành lập 1 Hội đồng thi tại tỉnh Hà Giang dành riêng cho những học sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT với 12 điểm thi, gồm:

Điểm thi Trường THPT Mèo Vạc, THPT Đồng Văn, THPT Mậu Duệ, PTDTNT cấp 2+3 Yên Minh, THPT Quản Bạ, THPT Bắc Mê, THPT Lê Hồng Phong, THPT Vị Xuyên, THPT Việt Vinh, THPT Hùng An, THPT Quang Bình, THPT Xín Mần, THPT Hoàng Su Phì.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)