Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

bo_GDDT_BUONG_KY_THI_TOT_NGHIEP_THPT

Nhiều biện pháp được áp dụng để đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về thực chất có thể sẽ được loại bỏ trong kỳ thi năm 2012. Ảnh: Giang Huy

 

Ngày 12.12, Bộ GDĐT công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT. Điểm mới đáng lưu ý là bỏ chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, không bắt buộc tổ chức thi theo cụm trường, giao quyền chủ động cho các sở GDĐT, bỏ thanh tra ủy quyền của bộ.


 

Như vậy, tất cả các biện pháp trước đây bộ áp dụng để đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về thực chất được áp dụng trong thời gian qua có thể sẽ được loại bỏ hoàn toàn trong kỳ thi năm 2011.

Buông việc giám sát?

Cụ thể, dự thảo đưa ra với việc tổ chức thi theo cụm trường, GĐ sở GDĐT ra quyết định thành lập các hội đồng coi thi. Mỗi hội đồng coi thi gồm một hoặc nhiều trường phổ thông. GĐ Sở GDĐT ra quyết định thành lập hội đồng chấm thi tốt nghiệp phổ thông; trong đó, mỗi môn tự luận có 2 tổ chấm thi, đảm bảo giáo viên không chấm bài thi tự luận của học sinh trường phổ thông mình giảng dạy. Các hội đồng coi thi bàn giao trực tiếp cho hội đồng chấm thi không qua sở GDĐT.

 

Bên cạnh đó, dự thảo còn có điểm mới là bỏ thanh tra ủy quyền của bộ, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn cử cán bộ, giảng viên theo đề nghị của BCĐ thi cấp tỉnh.

 

Như vậy, một loạt các biện pháp đã từng được đánh giá là hữu hiệu trong việc hạn chế tiêu cực, đảm bảo công bằng, khách quan trong kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GDĐT lần lượt đưa ra trong vài năm gần đây có thể sẽ không còn được áp dụng kể từ năm 2012. Sở dĩ bộ đưa ra dự kiến sửa đổi như trên vì kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, nhiều địa phương và chuyên gia giáo dục đã lên tiếng về những hạn chế của các biện pháp này, cũng như kết quả thi “trên trời” của các địa phương đã cho thấy các biện pháp này đã không còn tác dụng.

 

Dự thảo cũng mở rộng thành phần tham gia làm thư ký và ủy viên hội đồng in sao đề thi, gồm: Chuyên viên của sở GDĐT, cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trường phổ thông. Số lượng thư ký và ủy viên do giám đốc sở GDĐT quy định. Tăng cường khả năng báo cáo nhanh, hiệu quả của, dự thảo quy định, bố trí tại mỗi hội đồng coi thi 1 điện thoại bàn (có loa ngoài) và 1 máy vi tính để bàn (nếu có) có khả năng kết nối mạng Internet qua đường truyền ADSL để sử dụng trong các ngày thi. Điện thoại và máy vi tính để chung tại một phòng; chủ tịch hội đồng coi thi quy định việc giám sát và chịu trách nhiệm về việc sử dụng điện thoại và máy vi tính này.

Thi học sinh giỏi quốc gia cũng có thay đổi

Cũng trong ngày 12.12, Bộ GDĐT có hướng dẫn cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm 2012. Theo đó, điểm mới của kỳ thi này là các môn ngoại ngữ sẽ có thêm hình thức thi nói ở mức độc thoại của thí sinh; đối với các môn vật lý, hóa học, sinh học sẽ có câu hỏi về thực hành trong đề thi.

 

Theo lãnh đạo Bộ GDĐT, phạm vi nội dung kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia THPT năm 2012 theo chương trình giáo dục THPT hiện hành và chương trình chuyên sâu các môn chuyên cấp THPT ban hành. Về hình thức thi và đề thi, trong các kỳ thi HSG từ năm 2012, cùng với việc thực hiện hình thức thi viết và thi lập trình trên máy vi tính, Bộ GDĐT sẽ từng bước triển khai thực hiện hình thức thi nói đối với các môn ngoại ngữ và hình thức thi thực hành đối với các môn vật lý, hóa học, sinh học. Bước đầu, trong kỳ thi HSG năm 2012, các môn ngoại ngữ sẽ có thêm hình thức thi nói ở mức độc thoại của thí sinh; đối với các môn vật lý, hóa học, sinh học, sẽ có câu hỏi về thực hành trong đề thi.

 

Ngày 11.1.2012, các hội đồng coi thi tổ chức buổi thi viết cho các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và buổi thi lập trình trên máy vi tính cho môn tin học. Ngày 12.1.2012, các hội đồng coi thi tổ chức buổi thi viết cho các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học; buổi thi lập trình trên máy vi tính cho môn tin học và buổi thi nói cho các môn tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc. Thời gian làm bài của buổi thi nói: Mỗi thí sinh thực hiện phần thi của mình trong 15 phút (không kể thời gian bắt thăm đề), gồm 10 phút chuẩn bị câu trả lời và 5 phút trình bày câu trả lời (kể cả thời gian đọc đề thi để ghi âm).

 

Năm nay, bộ cũng lưu ý người được cử đi coi thi môn tin học và các môn ngoại ngữ phải là giáo viên đang giảng dạy chính môn đó ở cấp THPT. Ngoài ra, giáo viên được cử đi coi thi các môn ngoại ngữ phải là người biết sử dụng thành thạo thiết bị nghe đĩa CD và máy vi tính.

 

Với việc khôi phục lại việc tuyển thẳng vào ĐH, CĐ cho học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia kể từ năm 2012, Bộ GDĐT hy vọng sẽ nâng cao được chất lượng của kỳ thi này vốn đã bị giảm sút nhiều trong những năm qua.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (laodong)


Bài: Kỳ thi tốt nghiệp sẽ được Bộ GDĐT buông lỏng?