Nhiều trường đã công bố điểm chuẩn xét học bạ trong đó đại học Thủy lợi, Giao thông vận tải lấy điểm cao nhất 27-28, trung bình 9 điểm trở lên một môn.

Nợ tiền học kèm, thí sinh bị giữ giấy báo dự thi tốt nghiệp THPT

Nợ tiền học kèm, thí sinh bị giữ giấy báo dự thi tốt nghiệp THPT

9 thí sinh Trường THPT TP Sa Đéc bị giữ giấy báo dự thi do nợ tiền ôn thi tốt nghiệp của trường, tiền dạy kèm của giáo viên.

Ngày 3/7, trường Đại học Thủy lợi công bố điểm chuẩn (mức cần phải đạt để trúng tuyển) theo phương thức xét học bạ cho 37 ngành đào tạo. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình ba môn tại bậc THPT theo tổ hợp xét tuyển cùng điểm ưu tiên.

Công nghệ thông tin lấy điểm chuẩn cao nhất 27 điểm, tăng 1,5 điểm so với năm ngoái trong khi công thức tính điểm xét tuyển không đổi. Nếu không có điểm cộng, thí sinh phải đạt trung bình 9 điểm một môn mới đủ điều kiện.

Kế đó, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Thương mại điện tử, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng lấy 26,5 điểm. Các ngành còn lại có điểm chuẩn phân bổ tại hai mức 22-24 và 19, cũng tăng khoảng 1-2 điểm với năm 2021.

Năm nay, trường Đại học Thủy lợi tuyển 4.600 sinh viên theo bốn phương thức, trong đó lần đầu sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Học bạ 9 điểm một môn mới đỗ ngành hot đại học - Ảnh 1

Học bạ 9 điểm một môn mới đỗ ngành hot đại học

Các phương thức còn lại gồm xét học bạ, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng với năm nhóm thí sinh: thuộc diện chính sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi hoặc khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, thành phố; học sinh từ trường chuyên với các tiêu chí cụ thể; đạt loại giỏi học lực cả ba năm THPT; sở hữu IELTS tối thiểu 5.0 và học lực từ khá trở lên năm lớp 12.

Trước trường Thủy lợi một ngày, Đại học Giao thông vận tải cũng công bố điểm chuẩn xét học bạ của 33 ngành và chương trình đào tạo. Trong đó, Công nghệ thông tin cao nhất 28,37 điểm, Tài chính ngân hàng 28,12. Đây là hai ngành có điểm chuẩn trên 28, còn lại đa số trên 22, mức điểm phổ biến là 26-27, đều rơi vào các ngành kinh tế mũi nhọn của trường.

Kỹ thuật xây dựng công trình thủy lấy 19,12 điểm, thấp nhất trong các ngành, kế đó Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông 19,23. Mức cao nhất và thấp nhất của năm nay đều tăng khoảng 1 điểm so với năm 2021.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2022 của Đại học Giao thông vận tải là 5.620. Cơ sở Hà Nội tuyển 4.150, còn TP HCM 1.470. Trường sử dụng bốn phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển thẳng và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022; dựa vào kết quả học bạ THPT; xét kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; xét tuyển kết hợp thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.0 trở lên và tổng điểm hai môn thi tốt nghiệp THPT trong tổ hợp đạt 12 điểm trở lên (gồm Toán và một môn khác Ngoại ngữ). Trong số này, phương thức dựa vào kỳ thi đánh giá tư duy là mới so với năm ngoái.

Giữa tháng 6, trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cũng lấy mức 19-21 là điểm trúng tuyển phương thức xét học bạ THPT. Hai ngành Thiết kế thời trang, Công nghệ may lấy 21, Quản lý công nghiệp, Marketing 20, còn lại 19 điểm.

Khác với năm ngoái, dù đã đạt mức điểm chuẩn, để chính thức trúng tuyển, thí sinh phải được công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng này lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ 22/7 đến 20/8.

Đây là lưu ý mà mọi đại học đều nhấn mạnh với thí sinh, bởi thiếu một trong hai điều kiện này đồng nghĩa việc thí sinh từ bỏ quyền trúng tuyển. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.

Kết quả chính thức sẽ được các đại học công bố trước 17h ngày 17/9.

Điều động xe đặc chủng vận chuyển đề thi tốt nghiệp THPT đến 25 điểm thi

Thư gửi những ‘chiến binh’ 4.0 bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

Theo VnExpress