Yêu cầu ngày càng cao của công việc; kỳ vọng lớn từ học sinh, phụ huynh, xã hội và cả áp lực hữu hình, vô hình khác khiến nhà giáo cần rất nhiều quyết tâm, nỗ lực để vượt qua.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới

Xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới cần kế thừa Chương trình GDMN hiện hành và học tập những kinh nghiệm hay từ quốc tế.

1. Áp lực tự thân

Với hơn 10 năm kinh nghiệm đứng lớp, điều đầu tiên cô Trần Thị Thu Hương, Trường THCS Nam Từ Liêm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ là áp lực từ bản thân. Đó là cố gắng phấn đấu trở thành giáo viên tốt không chỉ trong chuyên môn mà còn công tác chủ nhiệm lớp, được học sinh và phụ huynh tin yêu.
“Phụ huynh học sinh trường tôi thường là những người có trình độ cao. Họ có thể đánh giá năng lực của giáo viên, đồng thời cũng rất kỳ vọng vào sự tiến bộ của mình. Về phía học sinh, các em ở lứa tuổi dậy thì rất cá tính, bị chi phối bởi mạng xã hội nên thầy cô rất khó quản lý và giáo dục”.
Cho biết điều trên, cô Thu Hương cũng bày tỏ, giáo viên gần như thời gian dành ở trường, lớp, học sinh, hoàn thành hồ sơ sổ sách, những kế hoạch đột xuất (các sự kiện, chương trình,…); tối về lo soạn bài, chấm bài, trao đổi với phụ huynh,… nên có rất ít thời gian cho gia đình.

Để giải tỏa các áp lực, căng thẳng trong công việc, giải pháp của cô Thu Hương là luôn tranh thủ tìm đến khóa học nâng cao năng lực, buổi chia sẻ kinh nghiệm của đồng nghiệp để có những giải pháp cho công việc của chính mình. Cùng với đó, bản thân luôn đổi mới trong dạy học, công việc để tìm được lại niềm vui, đam mê. Sắp xếp thời gian tối ưu nhất để rèn luyện sức khỏe, chỉ có sức khỏe mới có thể làm việc. Đặc biệt không quên thời gian dành cho gia đình, con cái vì chỉ gia đình hạnh phúc mới yên tâm công tác.
“Bên cạnh nỗ lực tự thân, tôi vẫn luôn mong mỏi có những cơ chế động viên kịp thời hơn (như tiền lương, thưởng,…) để mỗi giáo viên đều có động lực cống hiến và mong xã hội luôn nhìn nhận nghề giáo dưới con mắt tích cực”, cô Trần Thị Thu Hương bày tỏ.

Giải tỏa áp lực với nhà giáo: Hữu hình và vô hình - Ảnh 1

Nghề ''đưa trò qua sông" cũng có những áp lực đè nén

2. Không đơn giản là lên lớp, dạy học

Cô Liễu Thị Long, ThS Lịch sử Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) khẳng định nghề giáo có khá nhiều áp lực. Với những thầy cô có năng lực, tâm huyết, yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn cũng như đòi hỏi của cơ quan quản lý, xã hội sẽ là động lực giúp họ vượt qua chính mình và phát triển bản thân. Nhưng ngược lại, với không ít người đây chính là áp lực, tích tụ lâu có thể dẫn đến có hành vi ứng xử không phù hợp, quyết định tiêu cực (chuyển việc, bỏ việc…).
Nhiệm vụ của giáo viên, theo cô Long, không chỉ lên lớp dạy học, thực hiện công việc chuyên môn mà còn phải hoàn thiện nhiều loại sổ sách, nhất là đối với giáo viên kiêm công tác chủ nhiệm, dù hiện nhiều đầu sổ đã được lược bỏ so với trước. Cùng với đó là thời gian soạn kế hoạch bài giảng, chấm bài kiểm tra.
Mặt khác, những thay đổi trong chính sách giáo dục, các thông tư, nghị định đòi hỏi giáo viên phải tìm hiểu sâu để thực hiện đúng. Rồi các cuộc thi chuyên môn dành cho giáo viên; cuộc thi cho học sinh (như báo tường, văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc thi online…) giáo viên cần định hướng, đồng hành để các em đạt kết quả tốt.
Áp lực của giáo viên còn đến từ những thay đổi về phương pháp dạy học, kế hoạch bài giảng, đòi hỏi phải dành nhiều thời gian tự tìm hiểu, đào sâu kiến thức và ứng dụng. Ngoài ra, giáo viên cũng phải thực hiện các báo cáo. “Nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các báo cáo luôn yêu cầu khẩn trương, nhanh chóng khiến chúng tôi lúc nào cũng phải ngồi trước máy tính, điện thoại để thực hiện”, cô Liễu Thị Long chia sẻ.
Liên quan đến quản lý học sinh, cô Liễu Thị Long cho rằng, hiện nay, sĩ số lớp học ở nhiều trường khá đông, đặc biệt trường ở thành phố lớn nên việc quản lý được học sinh cũng rất khó khăn. Chưa kể, một bộ phận phụ huynh còn tâm lý phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường, “trăm sự nhờ thầy, cô”. Trong khi đó, sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội, Internet… tạo ra nhiều kênh có thể tác động không lành mạnh đến trò. Các em dễ bị lôi kéo khiến việc giáo dục định hướng của giáo viên ngày càng vất vả.
“Thời gian quản lý tại nhà trường chỉ 4 - 6 tiếng, nhưng nếu học sinh đánh nhau ngoài trường, giáo viên cũng bị ảnh hưởng. Những quy định mới theo hướng mở, tôn trọng quyền trẻ em… yêu cầu giáo viên luôn phải bình tĩnh, mô phạm và bản lĩnh trong mọi trường hợp”, cô Long tâm sự.

Từng nhiều năm là giáo viên chủ nhiệm tại trường công lập, cô Phạm Thị Quý (hiện giảng dạy tại Trường THCS Ban Mai - Hà Đông, Hà Nội) nhắc đến khía cạnh thu chi. Giáo viên chủ nhiệm phải phổ biến các khoản thu chi trong cuộc họp phụ huynh đầu năm và là cầu nối lắng nghe, giải trình những ý kiến thắc mắc của phụ huynh về các khoản thu tự nguyện. Có lớp phụ huynh đóng cho con đầy đủ từ đầu năm, nhưng cũng có trường hợp rải rác, phụ huynh đến gặp giáo viên chủ nhiệm để đóng tiền. “Giáo viên giữ số tiền này để nộp lại thủ quỹ nhà trường cũng là một áp lực, vì không thuộc chuyên môn của giáo viên nên nhiều khi nhầm lẫn hoặc rơi mất”, cô Phạm Thị Quý kể.

Giải tỏa áp lực với nhà giáo: Hữu hình và vô hình - Ảnh 2

Yêu cầu ngày càng cao của công việc; kỳ vọng lớn từ học sinh, phụ huynh, xã hội và cả áp lực hữu hình, vô hình khác khiến nhà giáo cần rất nhiều quyết tâm, nỗ lực để vượt qua

3. Liên tục đổi mới

Giảng dạy tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Ân Thi, Hưng Yên) từ 2007 - 2021, để đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cô Lê Thị Minh Trang phải nỗ lực học tập, tìm tòi tham khảo ý kiến đồng nghiệp để tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những điểm mới của chương trình đòi hỏi giáo viên luôn phải trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp, lẫn kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động dạy học.
Thầy Nguyễn Đức Hùng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) cũng có chia sẻ tương tự về khó khăn trong việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Không chỉ thay đổi về kiến thức mới mà phương pháp dạy học cũng khác. Với phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, đề cao phát triển năng lực của học sinh, giáo viên không thể tiếp tục kiểu dạy học “đọc - chép” đã lỗi thời.
Đổi mới phương pháp còn yêu cầu giáo viên phải ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều, thạo kỹ năng soạn văn bản, trình chiếu, sử dụng các phần mềm dạy học... Với thầy cô đã có tuổi và chưa tiếp xúc nhiều với máy tính, đây cũng là khó khăn không nhỏ. Cùng với đổi mới phương pháp dạy học thì kiểm tra, đánh giá cũng thay đổi. Để đáp ứng, không còn cách nào khác, giáo viên phải phải thường xuyên tự học, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn.
Cùng với việc này, sự vất vả của nghề giáo còn được thầy Nguyễn Đức Hùng chia sẻ ở khía cạnh: Giáo viên vừa dạy học, vừa phải nắm bắt tâm lý học sinh, nhất là em đang độ tuổi dậy thì và khủng hoảng tuổi mới lớn. Để giải quyết được các vấn đề của trò một cách chính xác, công bằng, tế nhị thực sự nan giải với giáo viên.
Chưa kể, ngoài việc dạy học trên lớp, hàng ngày giáo viên phải soạn bài, chấm điểm, dự giờ, hoàn thiện hồ sơ sổ sách, tham gia tập huấn, bồi dưỡng... Đối với các giáo viên công tác vùng khó khăn, xa xôi thì nghề giáo lại càng vất vả, gian nan. Thiếu thốn về cơ sở vật chất, điện, nước, thực phẩm... đến chuyện lập gia đình cũng là điều đáng phải suy nghĩ.
Nhận thức được tầm quan trọng của nỗ lực tự học hỏi để phát triển bản thân và làm việc tốt hơn, các thầy cô đồng thời mong muốn một môi trường làm việc dân chủ, lành mạnh, tôn trọng sáng tạo; sự ghi nhận khích lệ từ lãnh đạo nhà trường; cũng như cách nhìn nhận đồng cảm, thấu hiểu của phụ huynh, rộng hơn là toàn xã hội. Đó chính là động lực giúp thầy cô vượt qua khó khăn, cả chủ quan và khách quan, để hết mình với học trò, với sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Giải tỏa áp lực với nhà giáo: Hữu hình và vô hình - Ảnh 3

Đối với các giáo viên công tác vùng khó khăn, xa xôi thì nghề giáo lại càng vất vả, gian nan

4. Yêu thương, an toàn và tôn trọng

Một lần nữa, vấn đề đạo đức của học sinh, truyền thống “tôn sư trọng đạo” lại được thảo luận sôi nổi.
Nhiều người cho rằng, đây là sự việc đáng tiếc, “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng rõ ràng, đó là câu chuyện buồn cần được loại bỏ. Trường học vẫn được coi là “thánh đường” của nghi lễ, ở đó học sinh được dạy chữ, dạy người. Chẳng thế mà, hầu hết trường học đều treo biển “Tiên học lễ, hậu học văn” ở những nơi trang trọng để học sinh dễ nhìn, dễ học nhất.

Đó như lời nhắc nhở với học trò rằng, đến trường học là để học văn hóa, học kiến thức mà thầy cô truyền dạy. Thế nhưng, trước khi muốn học những điều mới mẻ, to lớn ấy thì mỗi người cần ý thức được việc học đạo đức, ứng xử, rèn luyện bản thân. Đây mới là điều quan trọng.
Nhớ lại, trong bậc thang giá trị thời phong kiến, nhà giáo được xếp sau vua và trước cha mẹ “quân - sư - phụ”. Dẫu không phải là đấng sinh thành, nhưng thầy giáo là người dìu dắt các thế hệ học sinh lớn lên về trí tuệ, tâm hồn và sự hiểu biết. Vì thế, việc học sinh chửi lại thầy giáo của mình là điều không thể chấp nhận.

Vẫn biết, truyền thống “tôn sư trọng đạo” dẫu không còn bị ràng buộc bởi những lễ giáo như thời phong kiến nhưng luôn được xã hội và các thế hệ thầy - trò tiếp tục gìn giữ, phát huy bằng cái tâm và đạo thầy - trò. Trong xã hội hiện đại, việc dạy - học không còn là một chiều. Theo đó, học sinh có thể phản biện, trao đổi với thầy, cô giáo nếu thấy chưa hợp lý. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc cự cãi “đôi co” với thầy, cô giáo của mình và càng không thể “chửi” người đã dạy dỗ, dìu dắt mình. Đó là sự vô lễ và đi ngược với truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
Tuy nhiên, trước bất cứ sự việc nào cũng cần nhìn nhận từ hai phía. Nghĩa là, cả thầy và trò cùng vun đắp, xây dựng nét đẹp văn hóa học đường. Hơn lúc nào, mỗi thầy, cô giáo phải là tấm gương về đạo đức. Trước những tình huống sư phạm ngoài “giáo án”, cần bình tĩnh, quản trị cảm xúc của mình để có hành vi ứng xử đúng mực. Trên hết là cùng nhau xây dựng trường học trở nên hạnh phúc để không xảy ra những câu chuyện buồn và không ai bị tổn thương.

Giải tỏa áp lực với nhà giáo: Hữu hình và vô hình - Ảnh 4

Trong xã hội hiện đại, việc dạy - học không còn là một chiều

Còn nhớ, UNESCO xác định 22 tiêu chí để xây dựng Trường học hạnh phúc. 22 tiêu chí này xoay quanh 3 chữ P, trong đó có mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường, thái độ tích cực của giáo viên, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên… Còn theo Bộ GD&ĐT, ba yếu tố cốt lõi trong một trường học hạnh phúc, đó là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Suy cho cùng, giáo dục phải xuất phát từ tình yêu thương, quan tâm sâu sắc đến mỗi con người. Giáo dục phải vì con người, vì sự tiến bộ của học trò. Giáo dục phải cảm hóa, giúp người học nhận ra những khiếm khuyết, hạn chế của bản thân để không ngừng vươn lên hoàn thiện mình. Nhưng yêu thương phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, với nếp sống văn minh và tiến bộ.

> Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học

> Có nên cho lùi giờ vào học của học sinh?

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp