Tiến thoái lưỡng nan!

Việc chương trình Cambridge đột ngột ngưng tuyển sinh tại TP.HCM đã khiến nhiều phụ huynh đồng loạt cho con chấm dứt học chương trình này trong năm học mới 2014-2015. .

Theo ghi nhận, hầu hết trong 27 trường tiểu học đang thực hiện chương trình Cambridge tại TP.HCM đều có học sinh xin rút, cá biệt có những lớp hơn một nửa số học sinh quyết định ngừng học bất chấp cam kết của đơn vị thực hiện là sẽ đảm bảo quyền lợi cho học sinh đang theo học.

Một phụ huynh có con đang học chương trình Cambridge tại Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TP.HCM than thở: “Lớp có khoảng 20 phụ huynh làm đơn xin rút ra. Sau hai năm học Cambridge, bây giờ các cháu bị chuyển vào lớp tiếng Anh tự chọn, học với giáo viên VN.
Nếu muốn vào lớp tiếng Anh tăng cường để học với giáo viên nước ngoài và chương trình nâng cao thì trường yêu cầu trình chứng chỉ Starter, nhưng đến tháng 9 mới có kỳ thi lấy chứng chỉ này, phụ huynh chạy đôn chạy đáo cũng không biết làm sao cho con vào lớp tiếng Anh tăng cường. Trình độ của các cháu mà vào tiếng Anh tự chọn thì quá thiệt thòi”.

Các chương trình dạy tiếng AnhCác trường tiểu học tại TP.HCM đang triển khai những chương trình giảng dạy tiếng Anh sau: tiếng Anh tăng cường (học 8 tiết/tuần với giáo viên VN và nước ngoài), tiếng Anh tự chọn (4-6 tiết/tuần), tiếng Anh đề án (học miễn phí với giáo viên người Việt), chương trình Cambridge (toán, tiếng Anh, khoa học dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, 6 tiết/tuần, học phí khoảng 150 USD/tháng). Một số trường điểm có cơ sở vật chất tốt chỉ duy trì tiếng Anh tăng cường và chương trình Cambridge, đây cũng là hai chương trình được phụ huynh và học sinh đánh giá cao.
Ông Lý Văn Huệ, hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình, lý giải: “Một số phụ huynh lớp 3 xin rút khỏi chương trình Cambridge, muốn vào lớp tiếng Anh tăng cường thì phải nộp chứng chỉ Starter theo quy định. Khi học sinh rút, trường bị xáo trộn không hề nhỏ về sĩ số và phải sắp xếp lại các lớp.
Lớp tiếng Anh tăng cường có sáu tiết với giáo viên VN, hai tiết với giáo viên nước ngoài, ở lớp tiếng Anh tự chọn tỉ lệ này là 4 và 2. Nhà trường đã cố gắng sắp xếp lại để bước vào năm học mới. Tạm thời phụ huynh cứ cho con học lớp đã phân công, đến tháng 9 nếu học sinh bổ sung được chứng chỉ Starter thì chúng tôi sẽ xếp lại một lần nữa”.

Hàng loạt học sinh rút đơn khỏi chương trình Cambridge

Hàng loạt học sinh rút đơn khỏi chương trình Cambridge

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh ở trường này nêu quan điểm: “Muốn thi Starter phải mất thời gian đăng ký, thi, chí ít cũng phải 4-6 tuần. Phụ huynh phải chạy sốt vó mới thi kịp kỳ thi sắp tới vào tháng 9 này. Chưa kể sau hai năm học Cambridge, các cháu không có mảnh giấy nào lận lưng để được công nhận đủ trình độ vào lớp tiếng Anh tăng cường theo nguyện vọng. Đây là điều rất thiệt thòi và phiền toái cho gia đình và các cháu”.

Một phụ huynh khác có con học lớp 3 cũng tại quận 1 cho biết: “Xin rút ra khỏi chương trình Cambridge đồng nghĩa với việc phải chuyển lớp, chuyển cơ sở. Cơ sở mới nhỏ hẹp và phòng học cũng xập xệ hơn.
Nói hơi quá nhưng không học Cambridge nữa thì bị coi như “con ghẻ”, trường cũng không vui vẻ gì khi phụ huynh rút khỏi chương trình này nên phụ huynh rất khó xử. Rút ra rồi thì trường xếp vào lớp nào, cơ sở nào phải chịu, như vậy rất tội cho đứa nhỏ, ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý lứatuổi”.

Trường xáo trộn

Hiệu trưởng nhiều trường có dạy chương trình Cambridge than thở vì việc phụ huynh thi nhau rút khỏi lớp Cambridge khiến danh sách lớp bị xào xáo, phải tổ chức lại và khi sắp xếp lại thì rất khó thực hiện đúng như nguyện vọng của phụ huynh.

Một hiệu trưởng đề nghị không nêu tên phản ứng: “Nhiều phụ huynh mặc định ban giám hiệu nhà trường “ăn rơ” với đơn vị cung cấp nên làm khó khi phụ huynh xin rút ra khỏi chương trình Cambridge (trường được giữ lại 15% học phí của chương trình này - PV).

Thật sự ngay từ đầu đây là chương trình tự nguyện, phụ huynh có quyền đăng ký hoặc rút ra. Nhiều phụ huynh quyết định rút vì mong muốn của mình chứ không phải của con mình. Khi có nhiều phụ huynh rút sẽ gây xáo trộn danh sách đã phân bố ở các lớp.

Nhà trường và phụ huynh cần phải cùng nhau giải quyết những xáo trộn này chứ không thể đổ cho trường, và trường cũng không thể đáp ứng hết nguyện vọng phụ huynh muốn phải vào lớp này, lớp kia được. Trong trường hợp này, cả phụ huynh và nhà trường đều là... nạn nhân của chính sách từ bên trên!”.

Tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, để tránh xáo trộn cũng như ảnh hưởng tâm lý học sinh, các em xin rút khỏi chương trình Cambridge vẫn được ở lại lớp cũ. Mỗi tuần, sáu tiết của chương trình Cambridge được xếp vào cuối giờ để phụ huynh đón các em hoặc các em chuyển sang sinh hoạt đọc sách tại thư viện.

Cô Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Có ba lý do không thể xếp các em vào lớp tăng cường tiếng Anh: sĩ số các lớp đó hiện nay rất cao, không đủ giáo viên để dạy và không đủ chỗ học tăng cường tiếng Anh trong lộ trình các em lên lớp 6”.

Ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Theo quan điểm cá nhân tôi, chương trình Cambridge vẫn đang tiếp tục, phụ huynh không nên làm xáo trộn. Theo lộ trình, các em sẽ học đến hết lớp 5, nếu chuyển ngang thì rất khó khăn cho cơ cấu tổ chức của các trường”.
Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Khi họp với trưởng phòng giáo dục và hiệu trưởng, sở sẽ thống nhất về phương thức xử lý cho các trường hợp phụ huynh muốn rút ra khỏi các chương trình. Hiện nay, phụ huynh có thể liên hệ các phòng giáo dục để được giải quyết nếu có vấn đề khi rút ra khỏi chương trình Cambridge”.

Theo TTO, http://tuoitre.vn/Giao-duc/623244/dung-chuong-trinh-cambridge-truong-va-phu-huynh-cung-kho.html