>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Thí sinh ồ ạt rút hồ sơ ở trường top đầu, nộp vào trường top giữa

Những thí sinh không còn cơ hội đỗ vào các trường top cao đã đồng loạt rút hồ sơ để nộp vào các trường có điểm chuẩn dự kiến thấp hơn.
Trong ngày áp chót của đợt xét tuyển đầu tiên này, lượng hồ sơ phân bố dần về phía các trường ở top giữa. Nếu những ngày trước đây, thí sinh đổ dồn vào nộp hồ sơ ở các trường top trên thì hôm nay (19/8), những em không còn cơ hội đỗ vào các trường top cao đã rút hồ sơ nộp vào các trường có điểm chuẩn dự kiến thấp hơn.

Sau khi các trường đưa ra điểm chuẩn tạm thời các ngành, thí sinh đã xác định khả năng trúng tuyển của mình để nộp hồ sơ. Hiện các trường liên tục cập nhật điểm chuẩn tạm thời của ngành. Dự báo, biên độ thay đổi điểm chuẩn tại các trường phía Nam không nhiều.

Trong khi đó, theo ghi nhận tại các trường cao đẳng trên địa bàn thành phố Cần Thơ, lượng thí sinh đến nộp hồ sơ trong vài ngày qua bắt đầu tăng nhẹ. Đây là những thí sinh có điểm số khá cao nhưng không đủ sức cạnh tranh ở các trường đại học lớn.Tuy nhiên, tình hình tuyển sinh ở các trường rất khác nhau, có trường cơ bản đủ chỉ tiêu nhưng cũng có trường chỉ mới đạt 2/3. Dù vậy, các trường cũng dự trù lượng thí sinh ảo cũng sẽ nhiều.

Điểm chuẩn tạm thời của nhiều trường tăng giảm... như chứng khoán

Những ngày qua, gần như các trường đều cập nhật danh sách và điểm chuẩn tạm thời liên tục để thí sinh theo dõi. Nhiều trường trong sáng nay 19.8 đã công bố điểm tạm thời căn cứ danh sách đến hết ngày 18.8. Theo đó, nhiều ngành có điểm chuẩn dự kiến tăng giảm từng ngày.

Sáng 19.8, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM tiếp tục cập nhật danh sách trúng tuyển tạm thời. Theo kết quả này, điểm xét tuyển của một số ngành tiếp tục tăng.

So sánh với kết quả xét tuyển công bố ngày 16.8, ngày 18.8 và hôm nay thì nhiều ngành vẫn tiếp tục trên đà tăng điểm. Cụ thể như ngành Vật lý học tăng lên 3,75 điểm, từ 16,5 lên 19,25 điểm và hôm nay là 20,25. Tương tự, ngành Khoa học vật liệu khối A cũng tăng 3,5 điểm, từ 16,5 lên 19,75 và hôm nay là 20 điểm; Toán học tăng từ 17,25 lên 20,5 điểm, đến hôm nay là 21,25. Nhiều ngành khác mức tăng từ 0,5 lên trên dưới 2 điểm.

Cũng trong sáng nay, ĐH Sư Phạm TPHCM cũng đã cập nhật điểm chuẩn tạm thời, dựa theo bảng điểm này có thể thấy một số ngành giảm 0,5 đến 1 điểm như ngành Giáo dục đặc biệt, Sư phạm Lý, Ngôn ngữ Pháp… Trong khi đó Sư phạm Sinh lại tăng cao từ 20 điểm lên 26 điểm ở tổ hợp Toán-Sinh-Anh.

Trước đó, điểm xét tuyển nhiều ngành của trường qua từng ngày đã tăng nhẹ ở mức 0,25 – 0,5 như sư phạm lịch sử, sư phạm địa lý, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Trung Quốc…

Trong sáng nay, Bộ GD-ĐT vừa công bố điểm chuẩn dự kiến nhiều trường ĐH, CĐ trong cả nước tính đến 17h ngày 18.8. Thí sinh dựa theo kết quả tạm thời này để cân nhắc cơ hội nộp, giữ hoặc rút hồ sơ trước ngày 20.8.

Tuyển sinh đại học năm 2015: Thí sinh mỏi mệt vì nộp, rút hồ sơ

Chỉ còn một ngày nữa là kết thúc đợt nộp một hồ sơ nguyện vọng một tại các trường đại học, cao đẳng năm 2015.

Tại miền Trung, các phụ huynh thí sinh cho rằng, xét tuyển đại học mà như “đánh bạc” với vận may, sự lo âu, mệt mỏi bao trùm tại các điểm trường.

Từ 7 giờ sáng 19/8, không khí tại Đại học Đà Nẵng ngột ngạt dưới cái nóng 37 – 38 độ C. Hàng trăm thí sinh cùng phu huynh tập trung về đây từ khá sớm, đứng ngồi mệt mỏi khắp hành lang tòa nhà chờ rút hồ sơ đăng ký xét tuyển. Hiện, mỗi ngày, Đại học Đà Nẵng tiếp nhận hơn 1.000 thí sinh tới rút, nộp hồ sơ. Rất nhiều thí sinh cùng phụ huynh ở xa từ Nghệ An cho tới tận Gia Lai, Phú Yên cũng có mặt sớm tại các điểm trường xin rút, nộp hồ sơ.

Bà Nguyễn Thị Phương, phụ huynh em Nguyễn Thị Thanh Hương ở tỉnh Phú Yên cho biết, Hương được 24 điểm nhưng vẫn không đủ điểm vào ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng phải chạy đôn chạy đáo ra lại trường xin rút hồ sơ: “Em nó đi Phú Yên từ tối hôm qua giờ mới ra tới đây rút hồ sơ, mới đi nộp rồi đó. Cô thấy phức tạp quá. Ngồi ăn cũng không được mà ngủ cũng không yên, cứ phấp phỏng phấp phỏng. Sáng nay con nhỏ này phải bay ra lấy hồ sơ nộp trường khác. Rồi trường khác mai mạng lên rồi lại phải lấy chạy đi trường khác. Một lần thi thế này biết bao tốn kém. Nhà thì nghèo tiền đâu có mà chạy rứa đó, nhà giàu cũng không đi được chứ”.

Một triệu đồng là chi phí mỗi lần em Hồ Thị Hà Bảo đi từ tỉnh Nghệ An vào thành phố Đà Nẵng chỉ để rút, nộp hồ sơ. Gần 20 ngày chờ đợi, Hà lo lắng không yên, cảm giác tỷ lệ thí sinh ảo rất nhiều. Dù Bộ GD-ĐT đã cho phép thí sinh không cần đến rút hồ sơ xét tuyển tại trường đại học mà có thể thay đổi nguyện vọng xét tuyển ngay tại địa phương qua Sở GD-ĐT, hoặc tới các trường trung học phổ thông, nhưng Hồ Thị Hà Bảo vẫn vào tận Đà Nẵng để xin rút hồ sơ: “Nguyện vọng một trong đó có 4 ngày trong một trường, những bạn có điểm cao các bạn viết đủ 4 ngành, nên em không biết lượng hồ sơ ảo như nào cho đúng. Nên đi rút hồ sơ em tự đi vô cho chắc ăn, không biết hồ sơ mình thất lạc, không chắc chắn, vì mấy bạn em cũng toàn đi tận nơi, tận trường để rút cả”.

Có mặt tại TP Huế từ sáng sớm, thí sinh Hồ Thị Thảo Hiền, đến từ huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị ngồi chờ hơn 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa rút được hồ sơ. Hiền cho biết em thi được 20,5 điểm, khối A, từ ngày 12/8 đã nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành kế toán Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế. Tuy nhiên, mấy ngày nay liên tục cập nhật thấy rất nhiều thí sinh điểm cao nộp vào trường này nên tên mình bị đẩy ra khỏi chỉ tiêu xét tuyển. Sau thời gian cân nhắc, Hiền đã chọn phương án an toàn là rút hồ sơ để nộp vào ngành Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nông lâm Huế: “Em dò danh sách trên Web của trường , nơi chỗ nhận danh sách nhận chỉ tiêu 120 nhưng đến số tứ tự của em là 200, thấy không đậu chắc luôn nên phải rút nhưng vẫn đang chờ”.

Đại học Huế có 8 trường đại học thành viên và 3 đơn vị trực thuộc. Việc xét tuyển vào đại học  năm nay do Đại học Huế thực hiện.

Lượng thí sinh đến nộp và rút hồ sơ nguyện vọng 1 tại đây quá nhiều, Tiến sĩ Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Đại học Huế cho biết: Đại học Huế đã nhận hơn 17 nghìn hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1, và đã có 3 nghìn thí sinh xin rút hồ sơ: “Ngày 19/8 được xem là ngày đông nhất, bởi vì ngày mai là ngày cuối cùng nộp thôi cho nên hôm nay số lượng đông so với mọi hôm. Đại học Huế cố gắng giải quyết xong trong từng ngày một, đặc biệt là ngày hôm nay giải quyết cho hết số thí sinh rút hồ sơ, thậm chí có những thí sinh 7-8 giờ tối đến rút hô sơ vẫn cho rút.

Xét tuyển Đại học, Cao đẳng đợt 1: Thí sinh cần làm gì để quyết định chính xác?

Đại diện các trường Đại học tại TP.HCM và TP Hà Nội đã đưa ra những khuyến cáo cho thí sinh trong 2 ngày cuối xét tuyển Đại học, Cao đẳng đợt 1.

Trong năm đầu tiên thực hiện kỳ thi 3 chung, hàng triệu thí sinh trên cả nước được cho là sẽ có nhiều cơ hội hơn để bước chân vào giảng đường Đại học - Cao đẳng. Càng bước vào những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển đầu tiên, càng có nhiều thí sinh rút hồ sơ để chuyển sang trường khác, nhằm tăng khả năng trúng tuyển. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều. Do vậy, làm sao để lựa chọn và quyết định chính xác là vấn đề mà các thí sinh cần phải lưu tâm trong 2 ngày cuối của đợt xét tuyển này.

Học sinh tiểu học phải học ở ký túc xá

Anh Lê Xuân Cường, phụ huynh, cho biết ở đây mỗi phòng học diện tích khoảng 20m2, không đủ điều kiện cho các cháu nhỏ bán trú.

Sáng 18-8, hàng trăm phụ huynh bức xúc chuyện Trường tiểu học Võ Thị Sáu (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vừa mới thành lập đã phải đi thuê ký túc xá làm nơi dạy tạm nên đã kéo lên trường để phản đối.

Đại diện lãnh đạo Phòng GD-ĐT và UBND Q. Liên Chiểu đã tổ chức buổi đối thoại, giải quyết thắc mắc của phụ huynh.

Theo phụ huynh thì Trường tiểu học Võ Thị Sáu được tách ra và thành lập mới từ Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên (cùng nằm trên địa bàn Q.Liên Chiểu) với lý do đảm bảo cho học sinh học 2 buổi/ngày.

Tuy nhiên, khi đến nhận trường, nhiều phụ huynh bất ngờ bởi đó là ký túc xá được thuê lại của Trường trung học Bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin 2 đóng trên đường Nguyễn Sinh Sắc (P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu).

Anh Lê Xuân Cường, phụ huynh, cho biết ở đây mỗi phòng học diện tích khoảng 20m2, không đủ điều kiện cho các cháu nhỏ bán trú.

“Phòng học quá chật chội, khoảng cách từ bảng đến chỗ ngồi các cháu khoảng 1m nên dễ dẫn đến các bệnh học đường như đau mắt, cổ. Chưa kể, ngoài khuôn viên của ký túc xá này là đường ray tàu hỏa nên khá ồn ào, nguy hiểm” - anh Cường lo lắng.

Còn chị Vương Thị Thu Thùy, phụ huynh của em Nguyễn Duy Minh (lớp 2/2), cho rằng công năng của ký túc xá không phù hợp cho việc dạy học, đặc biệt là các em tiểu học: phòng học không có bục giảng, thiếu màn hình tivi, điện, quạt...

Phía bên ngoài không có cây xanh, nắng hắt vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.

“Chúng tôi đồng ý tách trường để đảm bảo việc học 2 buổi/ngày cho con em mình. Nhưng thấy cảnh này ai dám đưa con đến lớp. Bao giờ thì xây trường mới?” - chị Thùy đặt câu hỏi với nhà trường. Nhiều phụ huynh cũng cho hay hiện nhà trường còn thiếu giáo viên và dự tính đưa giáo viên dạy thể dục đứng lớp!

Theo bà Nguyễn Trần Lê Hồng Trinh - hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu, nhà trường đã đi thuê nhiều nơi nhưng chỉ có Trường trung học Bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin 2 là tạm ổn cho chuyện học.

Theo bà Trinh, diện tích phòng học nhỏ hơn so với quy định lớp học nhưng vẫn đầy đủ trang bị, đáp ứng đủ ghế cho 24 học sinh/lớp.

Theo ông Lê Văn Nghĩa - trưởng Phòng GD-ĐT Q.Liên Chiểu, phòng sẽ cho lắp thêm quạt, điện, rèm tránh nắng, sửa lại lan can để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học của học sinh. Ông Nghĩa cũng khẳng định sẽ không có chuyện giáo viên thể dục đứng lớp như phụ huynh phản ảnh.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Thanh Chương, phó chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu, cho rằng những ý kiến phản ảnh của phụ huynh là đúng.

Hiện trường mới đã được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 30 tỉ đồng, sau khi xây dựng xong sẽ đảm bảo đủ chỗ học cho 600 học sinh. Theo kế hoạch, ngày 28-8 sẽ khởi công xây dựng trường mới Võ Thị Sáu.

Ngoài học phí, trường công lập được thu 10 khoản khác

Trong 10 khoản thu kể trên có một số khoản thu được quy định mức trần cụ thể, được thực hiện theo quy định chung của Hà Nội.

Chiều 18-8, tại hội nghị thông tin báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Viết Cẩn - trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở GD-ĐT Hà Nội - đã xác nhận như vậy khi trả lời Tuổi Trẻ về các khoản được phép thu trong năm học mới.

Ông Cẩn cho biết khoản thu được thực hiện theo quy định chung của Hà Nội.

Theo ông Cẩn, 10 khoản thu khác gồm: thu chi phục vụ bán trú trong các trường có tổ chức học bán trú như tiền ăn, chăm sóc và trang thiết bị phục vụ bán trú; thu chi học 2 buổi/ngày trong các trường tiểu học, THCS; thu chi học phẩm học sinh trong các trường mầm non; thu chi nước uống tinh khiết trong các trường mầm non và phổ thông; thu bảo hiểm y tế; thu chi dạy thêm, học thêm trong các trường THCS, THPT; thu chi viện trợ, quà biếu, tặng cho; thu chi tài trợ theo thông tư 29 của Bộ GD-ĐT; thu chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm thiết bị của nhà trường; khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu theo thông tư 26 của Bộ GD-ĐT.

Cũng theo ông Cẩn, trong 10 khoản thu kể trên có một số khoản thu được quy định mức trần cụ thể như chăm sóc bán trú, trang thiết bị bán trú, học 2 buổi/ngày, học phẩm mầm non, nước uống tinh khiết, dạy thêm - học thêm trong nhà trường.

TP.HCM: học sinh lớp 1 học tiếng Anh từ học kỳ 2

Theo văn bản hướng dẫn chuyên môn Tiếng Anh cấp tiểu học năm học 2015-2016 của Sở GD-ĐT TP.HCM, đối với học sinh lớp 1, giáo viên tuyệt đối không sử dụng tài liệu giảng dạy trong học kỳ 1.

Thay vào đó, giáo viên sử dụng thời gian này để hướng dẫn các khẩu lệnh quản lý lớp học, các câu vè, cách chia nhóm, cách học sinh sử dụng tiếng Anh để xin phép giáo viên làm một điều gì đó, hướng dẫn học sinh về nội quy lớp học,…bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, giáo viên cần hướng dẫn học sinh làm quen với ngoại ngữ thông qua các trò chơi, bài hát, cách tự giới thiệu về mình (tên, tuổi, nhà có mấy người, bố mẹ làm nghề gì, sở thích,…).

Văn bản trên cũng yêu cầu giáo viên chỉ dạy cho học sinh lớp 1 kỹ năng nghe, phát âm và nói, tuyệt đối không sử dụng thời gian này để dạy viết, văn phạm,…hoặc làm việc khác.

Học sinh lớp 1 chỉ thực sự học chương trình môn Tiếng Anh bắt đầu từ học kỳ 2 (từ tuần 19 đến tuần 35).

Cũng theo văn bản trên, các trường tiểu học sẽ ra đề kiểm tra cuối học kỳ 1 và cuối năm cho học sinh, nội dung đề kiểm tra cần tiệm cận với các chuẩn đánh giá quốc tế (Cambridge  hoặc TOEFL Primary).

Học sinh các lớp đề án có nguyện vọng chuyển vào lớp Tiếng Anh tăng cường chỉ được giải quyết khi lớp học vẫn còn chỗ.

Tổng hợp