Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh

C là đáp án đúng

Theo đó, tổ ra đề vật lý đã xem câu 53 mã đề 817 và khẳng định: Lời dẫn trong câu trắc nghiệm đầy đủ, không thiếu giả thiết, bám sát sách giáo khoa (SGK), không làm cho thí sinh hiểu lầm. Trong 4 phương án lựa chọn chỉ có một đáp án đúng (phương án C). Không cần phải đính chính hay thay đổi đáp án câu này.

Lời dẫn đã nhắc lại câu: “Con lắc vật lý là một vật rắn quay quanh được một trục nằm ngang cố định” (nguyên văn của SGK vật lý 12 nâng cao - 2008). Trong bài tập số 5 (trang 40) ngay cuối bài 7 của sách này, đề bài cũng nhắc lại nội dung tương tự như trên mà không cần có ý: Trục quay quanh nằm ngang không đi qua trọng tâm. Việc nêu thêm ý này là thừa. Hơn nữa, trong câu 53 đã nói dưới tác dụng của trọng lực, con lắc dao động...

Đây là một câu hỏi thuộc mức độ thông hiểu về con lắc vật lý bất kỳ dao động nhỏ. Thí sinh hiểu công thức về con lắc vật lý thì sẽ làm được bài.

Tổ vật lý cũng khẳng định nội dung câu hỏi đề cập đến con lắc vật lý là một vật rắn (tức là nói đến trường hợp tổng quát chứ không nói xét riêng một trường hợp đặc biệt nào). Nếu thí sinh nào đó mà xét trường hợp đặc biệt để chọn phương án khác với phương án C, thì thí sinh đó sai (về mặt logic, thí sinh đã từ một trường hợp riêng khái quát hóa thành trường hợp tổng quát!).

tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, thi dai hoc, de thi dap an

Sau buổi thi môn vật lý, chiều 4-7.



Bộ GDĐT phải xem lại cách quản lý

Tuy nhiên, sau khi có trả lời chính thức từ phía Ban đề thi, thầy Phạm Khương Anh - giảng viên Học viện Khoa học quân sự - vẫn khẳng định: Các ý kiến phản hồi về đề thi là đúng. Nếu trục nằm ngang đi qua trọng tâm thì con lắc không thể dao động được hoặc sẽ chuyển động tròn đều. Trong SGK năm 2008 nêu chưa đầy đủ nhưng hình vẽ kèm đã lý giải thêm rõ ràng. Vì vậy sự việc này nếu chiết khấu về mặt câu chữ thì đề thi thiếu chuẩn xác, nhưng nếu bảo sai cơ bản thì không đúng.

Việc các ý kiến phản hồi đối với đề thi căn cứ trên SGK năm 2009, còn tổ vật lý căn cứ trên SGK năm 2008 để ra đề và trả lời thì đây là lỗi của Bộ GDĐT trong việc quản lý SGK và chương trình. Cho dù SGK năm 2009 đã chỉnh sửa thì về lý mà nói SGK năm 2008 vẫn có giá trị lưu hành. Học trò sẽ chỉ học theo sách có trong tay chứ không biết sách nào chính xác hơn.

Thầy Trần Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TPHCM thì đưa ra ý kiến: Về nguyên tắc, khi ra đề thi ĐH, yêu cầu của đề phải là kiến thức cập nhật nhất. Tỉ lệ kiến thức chủ yếu là lớp 12. Điều này phải hiểu rõ rằng không phải chỉ có kiến thức lớp 12 mà vẫn có thể bao gồm những kiến thức mà TS đã được học từ những năm trước đó, miễn sao không sai, không xa với những kiến thức chuẩn theo SGK mà các em đã được học.

Một nguyên tắc nữa trong việc ra những câu hỏi, đặc biệt đối với phương pháp thi trắc nghiệm đó là từ ngữ dùng trong câu hỏi phải rõ ràng, rành mạch và ngắn gọn nhằm tránh tối đa việc có thể gây hiểu đa nghĩa (hoặc ngược lại), sao cho khi TS làm bài chỉ có thể đưa ra một đáp án đúng duy nhất.

Thầy Khương Anh cũng nhận định sự việc này sẽ không ảnh hưởng gì đến TS. “Tuy nhiên, việc cần làm ngay là bộ phải xem xét lại việc quản lý chương trình và SGK còn lộn xộn như hiện nay”.

 

Kenhtuyensinh (nguồn Lao Động)