Sự kiện: Đại học, nguyện vọng 2, kết quả xét tuyển

Ngày 25/8 các học viện, trường đại học, cao đẳng bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 của thí sinh. Trong khi đó, do “khát” sinh viên, nhiều trường đang đua nhau xin Bộ GD&ĐT được giãn điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng theo Điều 33 trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Cụ thể, các trường xin giãn điểm chênh lệch giữa các khu vực sẽ từ 0,5 điểm lên 1 điểm, giữa các nhóm đối tượng từ 1 điểm lên 1,5 điểm.

Như vậy, nếu thí sinh nào thuộc nhóm ưu tiên 1 (là người dân tộc thiểu số; công nhân ưu tú; chiến sĩ thi đua hoặc con liệt sĩ, thương, bệnh binh nặng...) và ở khu vực 1 (các xã, thị trấn thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn theo qui định của Chính phủ), tổng số điểm ưu tiên tối đa có thể lên tới 6 điểm.


Trung bình 2-3 điểm mỗi môn cũng có thể đỗ

ĐH Cửu Long là một trong những trường được Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng giãn điểm ưu tiên khu vực. Theo thông báo của trường, điểm chênh lệch giữa các khu vực kế tiếp là 1 điểm thay vì 0,5 điểm. Mức điểm giữa các nhóm đối tượng ưu tiên vẫn giữ như bình thường là 1 điểm.
Như vậy, tổng số điểm ưu tiên tối đa của thí sinh là 5 điểm (trong trường hợp thí sinh đó thuộc khu vực 1 và nhóm đối tượng 1). Chiếu với điểm sàn của Bộ GD&ĐT là 13 điểm, ngưỡng điểm chuẩn tối thiểu, 3 môn thi thí sinh chỉ được 8 điểm có thể đủ điểm đỗ ĐH.


Đậu đại học với điểm cực thấp - Ảnh 1
Thí sinh làm thủ tục xét tuyển NV2 tại ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy

Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng còn vừa giãn điểm khu vực, vừa giãn điểm ưu tiên đối tượng. Với mức điểm sàn 10 điểm cho khối A ở bậc CĐ, những thí sinh thuộc khu vực 1, nhóm ưu tiên 1 sẽ chỉ cần 4 điểm là đủ để trở thành tân sinh viên của trường.

Giãn hết cỡ như trên cũng là phương thức được Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Kon Tum áp dụng.

Theo chân tỉnh bạn, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang đã gửi đơn đề nghị Bộ cho giãn điểm khu vực. Tuy vẫn chưa được Bộ chấp nhận nhưng trường đã thông báo mức điểm chênh lệch giữa các khu vực sẽ là 1 điểm để thu hút thí sinh.

Việc Bộ GD&ĐT cho phép các trường vận dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ nhằm tạo điều kiện cho các trường vùng khó khăn đào tạo nhân lực cho địa phương, giúp các ngành khó tuyển thu hút người vào học và để thí sinh người dân tộc thiểu số có cơ hội học tập.

Tuy nhiên, việc thí sinh có điểm thi quá thấp vẫn đỗ ĐH, CĐ đã khiến dư luận e ngại về chất lượng đào tạo. Trong tổng số 284 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 của ĐH Cửu Long, chỉ có trên 40 em đạt từ điểm sàn (13 điểm) trở lên. Khoảng 30 em có tổng điểm 3 môn thi từ 9 điểm trở xuống, trong đó có 4 em chỉ đạt 7 điểm.

Mặt khác, số trường được đặc cách giãn điểm tương đối nhiều trong khi danh sách các trường được Bộ đồng ý vận dụng Điều 33 không được công bố rộng rãi nên dư luận cũng không có căn cứ để giám sát, phát hiện các trường hợp không được Bộ phê duyệt nhưng vẫn “ăn theo” để hạ điểm chuẩn để chiêu sinh.

“Thổi còi” nhiều “chiêu” thu hút thí sinh

Ngày 25/8, thời điểm các trường bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường không được gửi giấy báo triệu tập trúng tuyển NV2 cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 vào trường, kể cả thí sinh có nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 nhưng không đúng quy định. Các trường chỉ được xem xét hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 đúng các khối thi mà các trường đã đăng ký.

Các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 của thí sinh từ ngày 25/8 đến 17 giờ ngày 15/9. Không nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 của thí sinh nộp ngoài khoảng thời gian trên.


Tuyển sinh, tuyển sinh nguyện vọng 2, thông tin tuyển sinh, xét tuyển nguyện vọng 2.

Đăng ký nhận thêm thông tin về nguyện vọng 2 qua email tại ô bên dưới.

Kênh Tuyển Sinh ( Nguồn: DânTrí   )