“Vớt” nguyện vọng 3 vẫn không đủ
 
Kỳ thi ĐH năm 2010, rất nhiều trường ĐH vùng rơi vào tình trạng thiếu thí sinh, thậm chí, đến ngày cuối cùng của xét tuyển NV3, các trường vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Có thể kể tên một số trường như ĐH Đồng Tháp kết thúc đợt xét tuyển NV3 còn thừa khoảng 600 chỉ tiêu, ĐH Tây Nguyên thừa 300 chỉ tiêu, ĐH An Giang, ĐH Trà Vinh… cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
 
Đại học vùng: Năm nào cũng “ế” - Ảnh 1
Hình minh hoạ


Ông Nguyễn Tấn Vui, Phó Hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên cho biết, ngoài khối ngành sư phạm, các khối ngành khác của trường luôn gặp khó khăn trong việc tuyển sinh, đặc biệt khối nông – lâm có nhiều năm chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu. Là trường đặc thù đào tạo nhân lực cho khu vực Tây Nguyên, tuy nhiên, đây lại là khu vực tập trung nhiều học sinh dân tộc thiểu số, trình độ thấp nên chất lượng đầu vào rất hạn chế. Mặc dù nguồn lực nông – lâm cho khu vực còn rất thiếu nhưng khối ngành này lại không “hút” được thí sinh, kể cả thí sinh trên địa bàn và thí sinh đến từ địa phương khác. Đây không chỉ là thực trạng của ĐH Tây Nguyên mà là tình trạng chung của nhiều ĐH vùng khác. Ông Từ Quang Hiển, Hiệu trưởng ĐH Thái Nguyên cũng nêu lên thực trạng bi đát của khối ngành nông – lâm – ngư mỗi mùa tuyển sinh.
 

Ông Phùng Quốc Việt – Phó Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, khối ngành nông – lâm - ngư là ngành khó tuyển sinh nhất của trường. Mặc dù năm nào trường cũng xin Bộ được miễn, giảm học phí cho các thí sinh theo học những ngành này; tận dụng tối đa điểm ưu tiên cho các đối tượng chính sách, con em dân tộc; có chính sách học bổng cho sinh viên trúng tuyển; định hướng việc làm cho sinh viên năm cuối… nhưng việc tuyển sinh vẫn luôn gặp khó khăn.

 
Tốn kém để “quảng cáo” vẫn ế
 

Ông Nguyễn Tấn Vui, Phó Hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên cho biết, ngay từ đầu năm 2011, trường đã đưa nhiều đoàn làm tư vấn tuyển sinh về tất cả các trường THPT trong khu vực Tây Nguyên, tổ chức các buổi tư vấn miễn phí về ngành nghề, phát tờ rơi giới thiệu các khối ngành của trường, cơ hội việc làm sau khi ra trường, nhu cầu nhân lực của xã hội, giải đáp những thắc mắc về điểm sàn, điểm thi của từng ngành cho thí sinh... Mặc dù năm nào cũng làm như vậy nhưng hiệu quả vẫn không cao trong khi kinh phí để thực hiện lại quá lớn. Hầu như năm nào trường cũng phải bù lỗ cho công việc này, nhưng theo ông Vui, dù lỗ cũng vẫn phải làm.

 
Trường ĐH Đồng Tháp năm nào cũng thực hiện việc đưa thông tin tuyển sinh về tận địa phương, thậm chí đến tận nhà các thí sinh, tốn kém tiền tỷ nhưng hiệu quả vẫn rất thấp. Ông Nguyễn Văn Bản, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù tốn kém như vậy nhưng đây là việc phải làm vì chỉ có cách này mới giúp thí sinh vùng sâu, vùng xa, thiếu thông tin ở Đồng bằng Sông Cửu Long tiếp cận thông tin tuyển sinh của trường.
 

Trước thực tế này, lãnh đạo nhiều ĐH vùng đã kiến nghị Bộ GDĐT cần có chính sách hỗ trợ, cụ thể hơn đối với các ĐH vùng trong công tác tuyển sinh và đào tạo nhân lực. Nếu không có sự hỗ trợ từ Bộ, mùa tuyển sinh năm nay, các ĐH vùng vẫn tiếp tục nỗi lo… “ế” chỉ tiêu.

 
Nguồn laodong.com.vn