Trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng loạt trường mầm non và trường tiểu học thiếu giáo viên, bảo mẫu, kể cả đội ngũ quản lý, bảo vệ, tạp vụ.

"Việc đưa học sinh trở lại học trực tiếp phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời"

'Việc đưa học sinh trở lại học trực tiếp phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời'

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc đưa học sinh trở lại trường học lúc này là cần thiết và phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả bậc...

Sau khi chốt danh sách hơn 100 phụ huynh đồng ý cho con học trở lại từ 14/2, cô Nguyễn Thị Hồng Quỳnh, chủ trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức) đăng tuyển gấp 10 giáo viên, bảo mẫu. Yêu cầu với ứng viên là tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng ngành Sư phạm Mầm non hoặc có chứng chỉ bảo mẫu với kinh nghiệm một năm trở lên.

Cô Quỳnh cho biết, trước khi ngừng hoạt động vì Covid-19 từ cuối tháng 4/2021, trường có 280 trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Với 9 lớp, trường cần 18 giáo viên, bảo mẫu, chưa kể đội ngũ quản lý, bảo vệ, tạp vụ.

Sau hơn 8 tháng đóng cửa, 13 cô giáo và bảo mẫu lần lượt xin nghỉ. Một số chuyển hẳn sang làm công nhân, bán hàng; số khác về quê sinh sống cùng gia đình. "Hiện trường chỉ còn 5 nhân viên nên buộc phải tuyển gấp để kịp đón trẻ. Đã có sáu cô được nhận thử việc", cô Quỳnh cho hay.

Trường tạm bố trí một giáo viên cũ và một giáo viên mới cho mỗi lớp vào giữa tháng này. Khi số trẻ tăng dần, trường sẽ sắp xếp lại nhân sự. "Thời gian đầu sẽ rất khó khăn, bởi trẻ đi học không đủ, nguồn thu giảm trong khi chi phí nhân sự, vận hàng, mặt bằng sẽ tăng trở lại. Trường sẽ khắc phục dần, bởi bây giờ được mở cửa đã là tín hiệu tốt", cô Quỳnh nói.

COVID-19: Nhiều trường mầm non, tiểu học thiếu nhân sự - Ảnh 1

Nhiều trường mầm non, tiểu học đăng tuyển giáo viên, bảo mẫu

Giống như cô Quỳnh, hàng chục chủ cơ sở mầm non khác tại TP HCM cũng đang tuyển giáo viên, bảo mẫu trên các diễn đàn.

Cô Huyền, chủ nhóm trẻ mầm non ở quận Bình Tân cho biết, thiếu giáo viên là tình trạng chung của hầu hết cơ sở mầm non tư thục. Trong thời gian trường đóng cửa vì dịch, giáo viên tư thục không có lương, phụ cấp, buộc phải bươn chải với nhiều nghề khác nhau. "Phần lớn cô giáo đều chờ ngày trường mở cửa để quay lại công việc. Tuy nhiên, nhiều cô chọn được việc tốt hơn, thu nhập cao và ổn định hơn nên quyết định bỏ nghề", cô Huyền giải thích.

Hiện nhóm trẻ của cô Huyền chỉ còn 20 cháu nên chỉ cần thêm hai giáo viên và một bảo mẫu. Về lâu dài, nhóm trẻ này cần thêm 5 giáo viên để khôi phục hoạt động theo quy mô được cấp phép.

Cùng với mầm non, trong tuần này, khối tiểu học cũng lên phương án đón học sinh từ 14/2. Các trường đang tập huấn cho giáo viên, tổ chức họp phụ huynh triển khai kế hoạch dạy học.

Hoạt động bán trú, dạy hai buổi một ngày được nhiều trường khởi động từ những tuần đầu tiên. Trong quá trình chuẩn bị, nhiều trường tiểu học cũng xoay xở với bài toán thiếu nhân sự.

Ngày 14/2, trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) dự kiến có hơn 1.700 học sinh tất cả khối lớp học trực tiếp. Trong tuần đầu, trường chưa tổ chức bán trú, chia đôi số học sinh, sắp xếp so le ngày học. Khối 1, 2, 3 sẽ được học bán trú vào thứ hai, tư, sáu; khối 4, 5 học bán trú vào thứ ba, năm. Những ngày không đi học, các em sẽ được dạy trực tuyến, giao bài học.

Sau khi ổn định tình hình, giúp học sinh đi vào nề nếp, trường mở bán trú 100% từ tuần thứ hai. Hiệu trưởng Lê Thanh Hương cho biết, với 43 lớp, trường đang thiếu tám bảo mẫu và một số giáo viên.

Về giáo viên, ban giám hiệu đã đăng ký chỉ tiêu với quận để được bổ sung trong đợt tuyển viên chức sắp tới. Với bảo mẫu, trường tuyển gấp để đủ chỉ tiêu mỗi lớp trung bình một người.

"Trong thời gian chờ, trường ưu tiên lực lượng cho lớp 1 và 2, mỗi lớp một cô bảo mẫu bởi các em còn nhỏ, chưa có kỹ năng tự phục vụ bản thân. Với các khối lớn hơn, có thể bố trí hai lớp một cô", cô Hương cho biết.

Với gần 4.000 học sinh, trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) cũng thiếu bốn giáo viên. Một số cô giáo đang trong đợt nghỉ thai sản. Một số vị trí thiếu do chưa thể tuyển dụng bởi dịch bệnh kéo dài.

Không chỉ dạy trực tiếp cho tất cả khối, trường tổ chức bán trú cho hơn 1.300 em với 28 lớp. Trong tuần đầu, trường dự kiến tách đôi 78 lớp nhằm đảm bảo giãn cách. Các em được chia thành hai ca.

Khi dạy trực tiếp, một giáo viên chỉ đứng được một lớp. Với những yêu cầu đảm bảo an toàn, phòng chống dịch cho học sinh, nhất là tiêu chí giãn cách, trường cũng cần thêm giáo viên để tăng cường nhắc nhở, trông nom các em.

"Dù đông học sinh, trường không có nhà ăn riêng, các em được bố trí ăn trưa tại hành lang trước lớp. Do các em còn nhỏ, việc đảm bảo khoảng cách rất khó nên giáo viên cần tham gia hỗ trợ", Hiệu phó Ngô Thị Thuý Lan giải thích.

Nhiều trường tiểu học khối công lập cũng thiếu nhân viên, bảo mẫu khi học sinh trở lại đồng loạt. Do vẫn nhận được lương, trợ cấp trong thời gian nghỉ chống dịch, rất ít giáo viên tiểu học nghỉ việc hoặc chuyển nghề. Nhân sự thiếu hụt chủ yếu ở các vị trí trường ký hợp đồng lao động như bảo mẫu, nhân viên. Với các đầu việc này, trường tuyển gấp nhân sự.

Hơn 17 triệu học sinh cả nước trở lại học trực tiếp kể sau Tết Nguyên Đán

Các tỉnh thành lên kế hoạch cho trẻ mầm non đi học trực tiếp

Theo VnExpress