Tổng kết thập kỷ 70 của thế kỷ XX, một sự kiện nổi bật lên như cột mốc tiêu biểu của đời sống văn học ở Mỹ: việc xuất bản tác phẩm “Cội rễ” của Alex Haley. 

 

Cội rễ - Ảnh 1

 

Tiểu sử của tác giả da đen này có thể tóm tắt như sau: Alex Haley (bút danh của Alexander Palmer Haley) sinh ngày 11-8-1921 tại thành phố Ithaca, bang New York; mất ngày 10-02-1992. Ông học trường đại học Canh nông và Cơ khí bang Alcorn (Alcorn Agricultural and Mechanical College) và đại học Sư phạm thành phố Elizabeth (Elizabeth City Teachers College). Sau 20 năm làm ký giả chính (chief journalist) trong đội quân bảo vệ bờ biển (US Coast Guard), Haley dọn đến thành phố New York để đeo đuổi nghề văn, và xuất bản The Autobiography of Malcolm X (tự truyện Malcolm X, 1965). Sau đó, Haley bắt đầu nghiên cứu và viết Roots: The Saga of an American Family (Cội rễ). Được dịch ra gần 30 ngôn ngữ và bản tiếng Việt đã in ở Việt Nam nhiều năm trước đây. Điều đáng nói hơn, là niềm khắc khoải khôn nguôi về cội nguồn đã thôi thúc ông bỏ ra mười lăm năm để tìm lại gốc gác tổ tông mà ông biết chắc không phải ở trên đất Mỹ. 

 

Và kết quả cuộc tìm kiếm lâu dài ấy đã dẫn đến sự ra đời của “Cội rễ”. Chỉ hai tháng sau, gần một triệu bản đã hết ngay. Và bộ phim vô tuyến truyền hình dựng theo tác phẩm ấy đã vượt cả bộ phim nổi tiếng “Cuốn theo chiều gió” về kỷ lục người xem. 

 

Cuốn sách ra đời như một sự kiện làm chấn động cả nước Mỹ. Đó là sự tái tạo một quá khứ, khi mà những người da đen bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ, bị tước đoạt. “Cội rễ” đã làm dấy lên ở Mỹ, kể cả trong những người da trắng một trào lưu sôi nổi tìm lại gốc gác tổ tiên của mình. “Cội rễ” của Alex Haley, một tiểu thuyết viết về hành trình đi tìm nguồn cội của một nhà văn Mỹ gốc Phi đã đột nhiên xuất hiện “như một niềm kinh dị” trong xã hội Mỹ, kể cả những vùng thôn quê bình lặng, lẫn chốn phồn hoa đô hội; cả ở những đám người bình dân lẫn trong các tầng lớp quý tộc. 

 

Cuốn sách gây chấn động tới mức đã có hai vụ tố tụng nhằm hạ uy tín tác giả. Nhưng điều quan trọng là nó đã đánh thức ở những người da màu Mỹ nỗi niềm hoài cổ tổ tiên, và ý thức đó từ nay sẽ không bao giờ tắt trong họ. 

Đối với Haley, đó cũng là phần thưởng tinh thần, sự đền bù xứng đáng cho công sức bền bỉ mười lăm năm trời mò mẫm trong hầu hết các thư viện, kho lưu trữ tư liệu khắp nước Mỹ, từ bang này sang bang khác, để cuối cùng tìm đến tận làng Jufure hẻo lánh của Zambia (châu Phi), nơi cách đây hơn 230 năm, Kunta Kinte, ông tổ 7 đời của tác giả đã bị bắt xuống con tàu buôn nô lệ da đen chở sang Mỹ. Với “Cội rễ” có thể nói Alex Haley đã dựng một tượng đài cho nỗi đau hàng thế kỷ của bao thế hệ người Phi bị trốc rễ, để biến thành những mớ hàng đem bán đấu giá ở các chợ buôn người. 

 

“Cội rễ” đoạt giải Pulitzer và giải Sách toàn quốc (National Book Award, 1977), khi chuyển thể thành phim truyền hình lại đoạt giải Emmy. Trộn lẫn giữa sử liệu và hư cấu, “Cội rễ” không những đưa Haley vào hàng ngũ các nhà văn rất nổi tiếng mà còn gợi hứng cho người Mỹ quan tâm tới gia phả học (genealogy). 

 

Xin trân trọng giới thiệu với các bạn bản gia phả bằng nước mắt này.

 

Kenhtuyensinh (sưu tầm)