Lý do là việc rút – nộp hồ sơ tự do này sẽ khiến các trường rơi vào tình trạng hỗn loạn thông tin, đặc biệt trong những ngày cuối cùng của các đợt xét tuyển là khi mà hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thí sinh cùng đến rút - nộp hồ sơ.

 
Có lợi với nhiều lần rút nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng? - Ảnh 1

Lãnh đạo nhiều trường còn e ngại những áp lực cũng như rắc rối trong việc trả tiền lệ phí xét tuyển nếu các thí sinh dồn dập kéo đến. Đó là chưa kể đến nguy cơ gian dối trong xét tuyển. Phần quan trọng của hồ sơ xét tuyển chính là giấy chứng nhận kết quả thi. Nếu thí sinh rút hồ sơ để nộp lại cho ngành khác hoặc trường khác thì sẽ phải tẩy xóa những thông tin quan trọng trong hồ sơ. Bộ GD-ĐT cho rằng đây là một quy định có lợi cho thí sinh vì thí sinh sẽ được công khai mọi thông tin để chọn trường. Song diễn biến thực tế lại rất nhiều khả năng không như vậy.


Dưới góc độ quyền lợi của thí sinh, một chuyên gia tuyển sinh phân tích rằng việc rút – nộp hồ sơ thoải mái này cũng có thể coi là một cái “bẫy” đối với thí sinh vì thực tế ai sẽ là người giám sát và kiểm tra các thông tin xét tuyển? Nếu không có quy định cụ thể thì rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng nhận được nhiều hồ sơ nhưng trường công bố rất ít.

 
Có lợi với nhiều lần rút nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng? - Ảnh 2

Có thể trường chưa nhập kịp hoặc cố tình công bố số liệu khác đi để thí sinh thấy ít mà nộp vào. Trong trường hợp có kiểm tra, trường có thể đổ lỗi do hồ sơ bưu điện mới chuyển đến nên chưa nhập kịp. Như vậy, cơ hội của thí sinh không hẳn đã nhiều như mong đợi.

 

Trước những thông tin phản hồi của các trường trên báo chí, mới đây, Vụ Giáo dục ĐH đã trình lãnh đạo bộ một số điều chỉnh trong việc nộp hồ sơ xét tuyển. Theo đó, đối với hồ sơ xét tuyển NV 2, NV 3, thí sinh dự kiến chỉ được rút lại hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp vào các trường một lần vào thời điểm chậm nhất là 5 ngày trước khi hết hạn nộp hồ sơ.


 Phản hồi ban đầu của nhiều chuyên gia tuyển sinh cho thấy quy định nói trên là tương đối hợp lý, ít nhất cũng hạn chế đáng kể tình trạng rối ren trong việc rút – nộp hồ sơ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để có một mùa tuyển sinh thành công, cần có sự chuẩn bị tốt hơn nữa về các giải pháp thực hiện, dường như Bộ GD-ĐT đã quá vội vàng trong việc công bố quy định này.


Công khai thông tin tuyển sinh đúng là có lợi cho thí sinh nhưng chỉ thực sự lợi khi có đầy đủ các biện pháp kỹ thuật, các quy định hướng dẫn chặt chẽ. Nếu không thì lợi đâu không thấy mà chỉ thấy căng thẳng, rối ren trong xét tuyển.