Hàng trăm câu hỏi xoáy thẳng vào những vấn đề nóng như làm sao để tránh chọn sai ngành nghề cho tương lai, có nhất thiết phải vào đại học, học rồi ra trường có việc làm hay không...
 
Chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh 2018 “Tiên hướng nghiệp - Hậu hướng trường” - Ảnh 1
Hình minh hoạ
Đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Phó Tổng biên tập Báo SGGP:

Hiện nay, nhu cầu xã hội đối với các ngành nghề đã thay đổi, vì vậy nhiều học sinh lúng túng không biết chọn nghề gì phù hợp, chọn ngành gì dễ kiếm việc. Do thiếu thông tin, nhiều thí sinh đã chọn lựa ngành nghề không dựa vào sở thích, sở trường của mình cũng như nhu cầu của xã hội, dẫn đến việc lãng phí tiền bạc và thời gian của bản thân, không đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn mới của địa phương và của cả nước.


Trước thực tế này, chương trình của Báo SGGP với mong muốn giúp các em định hướng nghề nghiệp, chọn trường phù hợp để sau này trở thành nguồn nhân lực quan trọng phục vụ cho sự phát triển của Trà Vinh nói riêng, ĐBSCL và cả nước nói chung.


Thông qua chương trình này, Ban Biên tập Báo SGGP mong muốn các em học sinh trong toàn tỉnh chuẩn bị bước vào kỳ thi ĐH, CĐ năm 2011 chọn đúng ngành, đúng nghề, để sau khi ra trường, trở về phục vụ quê hương, đưa Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển, ngày thêm giàu đẹp.


Chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh 2018 “Tiên hướng nghiệp - Hậu hướng trường” - Ảnh 2
Chuyên viên Trường Đại học Trà Vinh tư vấn chọn nghề cho học sinh. Ảnh: MAI HẢI

Giải cơn “khát” hướng nghiệp

Để đến được buổi tư vấn chính tại Trường ĐH Trà Vinh, học sinh tại các huyện Càng Long, Châu Thành phải vượt hàng trăm kilômét và qua đò, qua phà rồi tiếp tục lên xe buýt hướng về điểm tư vấn chính. Có mặt tại buổi tư vấn, Lê Thị Ngọc Diệp (Trường THPT Hòa Minh, huyện Châu Thành) cùng các bạn và thầy cô dậy từ 5 giờ sáng để qua phà Bãi Vàng rồi mất thêm một giờ ngồi trên xe buýt.

“Toàn trường có 145 học sinh lớp 12 nhưng tất cả đều đăng ký tham gia. Nhằm tạo điều kiện cho các em có cơ hội tích lũy thông tin, trường đã thuê 5 chiếc xe buýt để đưa đón” – một giáo viên của trường cho biết.


Cũng giống như những đồng nghiệp khác, thầy Châu Hoàng Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đáng, từ sáng sớm đã lo điểm danh, điều xe đưa hơn 400 học sinh lên TP Trà Vinh nghe tư vấn. Tỷ lệ học sinh đậu ĐH, CĐ của trường chỉ đứng sau Trường THPT chuyên Trà Vinh. Thế nhưng thầy vẫn trăn trở: “Áp lực từ gia đình trong việc thi cử, chọn ngành nghề vẫn còn đè nặng học sinh nên định hướng nghề nghiệp của học sinh rất mơ hồ. Do đó, những buổi tư vấn như thế này là dịp tốt để các em tự tin trong quyết định chọn nghề vào đời”.


Tại các điểm cầu tổ chức tại 3 huyện Cầu Ngang, Trà Cú và Cầu Kè, tờ mờ sáng học sinh đã chỉnh tề ngồi xếp hàng, tay cầm bút giấy để đặt câu hỏi và ghi lại những giải đáp từ ban tư vấn. 6 giờ sáng, tại Trường THPT Dương Quang Đông, huyện Cầu Ngang, gần 1.000 học sinh lớp 12 từ các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Long Toàn… đến tham dự. Sân trường trở nên rộn ràng hơn khi học sinh tranh nhau gửi thắc mắc về ban tư vấn.

Thầy Bùi Huy Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Quang Đông, cho biết: “Chương trình năm nay có nhiều cái mới, hướng học sinh tới vấn đề quan trọng nhất: Chọn nghề phù hợp rồi mới chọn trường. Đồng thời, tư vấn cho các em học sinh nắm rõ về sở thích, nguyện vọng và năng lực để tránh những sai lầm đáng tiếc”.


Em Bùi Xuân Vinh, học sinh Trường THPT Cầu Ngang A, thổ lộ: “Nghe các chuyên gia tư vấn, chúng em thấy yên tâm hơn trong việc chọn nghề, chọn trường, quyết tâm theo nghề mà mình mơ ước. Ở đây có nhiều anh chị học ĐH xong ra trường không có việc làm, phải học một nghề khác… để kiếm sống. Do vậy, bạn bè em, ngoài việc chọn nghề yêu thích còn hướng nhiều tới các trường trung cấp, CĐ như: điều dưỡng, mầm non, thủy sản… để ra trường dễ kiếm việc làm”.

Hơn 800 học sinh lớp 12 của huyện Trà Cú hồi hộp chăm chú vào màn hình chờ đến lượt ban tư vấn trả lời câu hỏi của mình. Tại điểm cầu ở huyện Cầu Kè, hàng trăm học sinh xếp hàng chờ đặt câu hỏi về chọn nghề, chọn trường gửi đến ban tư vấn. 5 chiếc điện thoại được bố trí tại điểm cầu luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều em tranh thủ nhắn tin để được ban tư vấn trả lời ngay.

Em Trần Thị Mỹ Hòa Linh, học sinh lớp 12I trường THPT Cầu Kè, cho biết: “Em có nhiều câu hỏi lắm nhưng từ điểm cầu gọi lên các đường dây nóng đều quá tải. Em đã gửi các câu hỏi cho ban tổ chức, sẽ gửi email để nhờ các thầy cô tư vấn”.


Học trường xa hay gần?


Mỗi năm, tỉnh Trà Vinh có tối thiểu có 6.000 học sinh lớp 12 tốt nghiệp. Như vậy, trong 5 năm gần đây trong khoảng 30.000 học sinh THPT, có khoảng 1/3 đi học tiếp các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, 2/3 tức khoảng 20.000 em còn lại trôi nổi trong thị trường nhân lực tự do.

Trong khi đó, tâm lý học lên ĐH vẫn còn là xu hướng chi phối nhiều vị phụ huynh học sinh. Vì vậy, hiện tượng “thừa thầy thiếu thợ”, nhất là thiếu thợ giỏi luôn là một thách thức. Số sinh viên tốt nghiệp ĐH đi tìm việc làm cũng không phải dễ dàng. Do đó, vấn đề phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, mở thêm cơ sở dạy nghề (kể cả nghề phổ thông và nghề kỹ thuật) để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế của tỉnh là rất cần thiết.


Dù biết tỉnh nhà cần nhiều nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng Mai Thị Kim Nguyên (Trường THPT Hòa Minh) vẫn đặt câu hỏi: “Em thích học ở tỉnh nhà nhưng không biết chọn ngành nghề sao cho phù hợp với khả năng của mình?”.


Th.S Trần Đình Lý, Ban chủ nhiệm CLB Hướng nghiệp các trường ĐH-CĐ phía Nam, giải thích: “Muốn giải quyết khó khăn này, trước hết em phải xác định mình thích cái gì nhất. Kế đến phải xác định mình có đủ điều kiện để thực hiện điều mình yêu thích hay không. Việc chọn ngành nghề cũng vậy, em phải có đam mê, yêu thích thì mới sống với nghề được”.


Sau những phút đầu bẽn lẽn, càng về sau không khí buổi tư vấn càng nóng dần với hàng trăm câu hỏi liên tục được đặt ra cho ban tư vấn. Quan tâm đến ngành nghề đào tạo tại Trường ĐH Trà Vinh, Trần Ngọc Quỳnh Nhi (Trường THPT Phạm Thái Bường) thẳng thắn: “Em muốn học tại trường của tỉnh mình nhưng liệu bằng cấp của một trường ĐH ở tỉnh lẻ có cạnh tranh được với bằng cấp của các trường ĐH ở những thành phố lớn?”.


Giải đáp câu hỏi này, đại diện Trường ĐH Trà Vinh cho biết: “Về mặt pháp lý, bằng cấp các trường ĐH có giá trị như nhau. Hơn nữa, nhà tuyển dụng thường quan tâm đến khả năng thực tế của em”. Tiếp lời đồng nghiệp, PGS-TS Võ Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, nhấn mạnh: “Nếu em học tập nghiêm túc, khoa học thì dù học ở đâu em cũng tích lũy được nhiều kiến thức và kỹ năng chứ không nhất thiết bằng mọi giá phải học ở những trường ĐH tại các TP lớn thì bằng cấp mới có giá trị”.


Nguồn: SGGP