Việc chọn nghề quan trọng như vậy nhưng tiếc thay nhiều bạn trẻ vẫn chưa có định hướng đúng đắn. Thạc sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, khuyên: “Xuất phát điểm của thí sinh trước ngưỡng cửa nghề nghiệp phải là sở thích, sở trường, năng khiếu. Đó mới là điều quan trọng và cốt lõi”.


Bạn hợp với nhóm nghề nào? - Ảnh 1
Hình minh hoạ

Tìm hiểu tính cách, năng lực


Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp Nguyễn Đăng Lập cũng cho rằng, để chọn một nhóm nghề phù hợp với bản thân, trước hết phải tìm hiểu hai đặc điểm cơ bản là tính cách và năng lực của nhóm nghề.

Tính cách cá nhân được hình thành và phát triển trong môi trường giáo dục gia đình và nhà trường. Trong hoạt động hướng nghiệp, học sinh có thêm những tính cách tiêu biểu của nghề nghiệp thông qua việc học nghề trong trường phổ thông, tiếp xúc với người làm nghề... Khi chọn nghề, nhất thiết phải có những yếu tố để những tính cách đó hình thành và phát triển. Ví dụ người vô cảm với nỗi đau của người khác thì khó có thể thành công với nhóm nghề y, người có lối sống cá nhân khó làm nghề dạy học...

Để trắc nghiệm chọn nghề, người ta thường tìm hiểu năm loại năng lực: tư duy logic, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, độ bền vững chú ý khi lao động trí óc và trí nhớ.

Có nhiều kiểu tư duy khác nhau như tư duy kỹ thuật, dư duy nghệ thuật, tư duy logic, tư duy trừu tượng, tư duy sáng tạo, tư duy ngôn ngữ, tư duy khoa học, tư duy vận động... Trong học tập, đặc biệt là trong toán học thường sử dụng tư duy logic. Trí thông minh là năng lực nhận thức hay còn gọi là năng lực trí tuệ. Để đo trí thông minh, người ta dùng chỉ số IQ.

Về trí nhớ, người có trí nhớ ngắn hạn tốt sẽ thành công trong các hoạt động giao tiếp như dẫn chương trình, điều khiển buổi họp, phiên dịch... Bạn có thể làm trắc nghiệm nhỏ: viết lên những giấy mười số ngẫu nhiên có hai chữ số; người hướng dẫn dán giấy lên bảng, để trong 10-15 giây rồi lấy xuống. Người làm trắc nghiệm sẽ ghi nhớ, rồi viết lại những con số đã nhớ. Lặp lại trắc nghiệm này bốn lần. Mỗi số ghi đúng sẽ được 1 điểm, cộng điểm của bốn lần, rồi chia cho bốn, lấy điểm trung bình. Nếu từ 8 điểm trở lên là tốt, 6-8 điểm: khá, 5 - dưới 6: trung bình, từ 3,5 - dưới 5 và dưới 3,5 là yếu và kém.

Biểu hiện của năng lực bền vững khi lao động trí óc là có thể ngồi lâu làm việc mà không bị giảm sút chú ý dẫn đến sai sót.


Bạn hợp với nhóm nghề nào? - Ảnh 2
Thạc sĩ Trà Thanh Trung (ĐH Quốc gia TPHCM) tư vấn tuyển sinh ĐH - CĐ cho học sinh tỉnh Cà Mau. Ảnh: Mai Hải

Bốn loại khí chất

Kết quả hoạt động nghề nghiệp của con người, ngoài tính cách, năng lực, còn bị chi phối bởi loại hình khí chất. Khí chất có tính bẩm sinh và di truyền với bốn loại: sôi nổi (nóng tính), ưu tư, linh hoạt và điềm tĩnh.

Người sôi nổi, hướng ngoại, có xu hướng xã hội, thích hợp với công việc sôi động, phiêu lưu, mạo hiểm. Người linh hoạt có tính khí dễ chịu nhất thích hợp với mọi môi trường và thích hợp với môi trường luôn biến đổi do đó thích hợp với nhiều nhóm nghề. Người điềm tĩnh, hướng nội, ít giao tiếp, nên thích hợp với nhóm nghề có tính ổn định, tuần tự, có kỹ năng, kỹ xảo cố định. Người ưu tư có khả năng làm việc trong môi trường yên tĩnh, ổn định, trong sinh hoạt thường hay chú ý đến tiểu tiết và là người kín đáo, cẩn trọng và giữ bí mật.

Hiểu về bản thân để có thể chọn nghề phù hợp là điều quan trọng trong việc hướng nghiệp. Tuy nhiên, do áp lực thi cử, nhiều học sinh đã bỏ qua nội dung này mà chủ yếu là chọn trường, chọn ngành dễ đậu. Hậu quả là nhiều em phải bỏ học giữa chừng hoặc đến khi đi thực tập và ra trường cảm thấy mình chọn nghề không phù hợp, nên đã bỏ nghề và chọn một nghề khác gây ra lãng phí cho bản thân và xã hội.

Theo TIẾN NINH - sggp