Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 45% học sinh và 42,6% giáo viên gặp các vấn đề về sức khoẻ trong thời gian học trực tuyến.

45% học sinh gặp vấn đề sức khoẻ khi học trực tuyến - Ảnh 1

Học và làm việc trực tuyến đã ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên như thế nào?

Báo cáo Quốc hội giữa tháng 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết từ 24/2 đến 28/2, Bộ đã khảo sát đánh giá quá trình dạy học trực tuyến và dạy trên truyền hình với sự tham gia của gần 5.200 cán bộ quản lý, hơn 95.300 giáo viên và hơn 341.800 học sinh tiểu học, THCS và THPT.

Kết quả cho thấy học trực tuyến khiến 45% học sinh gặp các vấn đề sức khoẻ như mỏi mắt, đau cổ, ù tai. Các giáo viên cũng cho rằng học tập trực tuyến có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ thể chất, tâm lý, tình cảm, khả năng phát triển các kỹ năng xã hội của học sinh, với mức độ tăng dần từ cấp tiểu học đến THPT.

Khi học trực tuyến, học sinh cũng gặp nhiều bất tiện khác với khoảng 20% cho rằng mình không nhận được sự hỗ trợ học tập khi cần, 26,5% gặp khó khăn trong giao tiếp với thầy, cô dưới hình thức trực tuyến...

Với giáo viên, 42,6% gặp các vấn đề về sức khoẻ và 37,2% gặp vấn đề về tâm lý. Các thầy cô cũng gặp khó khăn liên quan đến đường truyền và thiết bị; học sinh, phụ huynh không hỗ trợ, hợp tác; thiếu học liệu dạy học trực tuyến.

Về hiệu quả của dạy và học trực tuyến, có khoảng 65% giáo viên các cấp học đánh giá chỉ "tương đối hiệu quả". 19-21% giáo viên (tuỳ từng cấp học) thậm chí nhận định dạy học trực tuyến không hiệu quả.

Trước những con số khảo sát này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường chú trọng tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, trong đó đặc biệt quan tâm các em lớp 1, không gây áp lực quá tải đối với các em và phải tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức phù hợp với từng nhóm học sinh ngay trong nội dung dạy học chính khóa.

Học sinh lớp 6 THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM) trong giờ học trực tuyến, sáng 1/9. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra nhiều vấn đề nổi cộm như lỗi trong sách giáo khoa hay tình trạng thừa, thiếu giáo viên.

Hai năm qua, sách giáo khoa mới được triển khai áp dụng với lớp 1, 2 và 6. Thay vì một bộ sách giáo khoa như cũ, nhiều bộ được phê duyệt với nhiều đầu sách để các nhà trường, địa phương lựa chọn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận một số bộ sách đã ban hành vẫn còn "lỗi, sạn", gây ra dư luận không tốt, chẳng hạn có sách vẫn có một số ngữ liệu học âm, học vần chưa phù hợp với học sinh lớp 1. Một số nội dung, ngữ liệu, hình ảnh chưa phù hợp, cần chỉnh sửa trong sách lớp 2 và 6.

Bộ sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách; lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách để hạn chế tối đa lỗi trong sách giáo khoa mới. Hiện, danh mục sách lớp 3, 7 và 10 sử dụng trong năm học tới đã được công bố. Bộ cũng đã có thông báo về việc thẩm định sách lớp 8 và 11, chuẩn bị cho năm học 2023-2024.

Cũng liên quan đến chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ở các địa phương không đồng đều, còn tình trạng thừa cục bộ hay thiếu so với quy định, đặc biệt cấp tiểu học. Chương trình mới có một số môn học mới khiến đội ngũ giáo viên THCS và THPT chưa đồng bộ về cơ cấu.

Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ để bàn về các giải pháp giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên. Hiện, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng báo cáo Ban quản lý biên chế Trung ương đề nghị xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2025, trước mắt đề xuất bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông năm học 2021-2022.

Phụ huynh nghèo lao đao vì gánh nặng học phí

Điều gì xảy ra khi giáo viên ghi hàng trăm nhận xét cho học sinh?

Theo VnExpress