>> Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Các trường đại học quá chú trọng đào tạo lý thuyết, thiếu thực hành nên sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt rất khó hội nhập với thị trường lao động trong khu vực

Nếu các trường ĐH Việt Nam không nâng được chất lượng đào tạo, không xây dựng chuẩn đầu ra ngang tầm khu vực thì không khéo các kỹ sư, cử nhân Việt Nam sẽ thất bại ngay chính trên sân nhà vì không cạnh tranh được với đồng nghiệp đến từ các nước khác trong khu vực” - TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, cảnh báo tại hội thảo “Giải pháp phát triển nghề nghiệp hướng đến ASEAN 2015” do ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức ngày 16-11.

đaò tạo chương trình đại học

Ông Phạm Minh Tuấn - Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Tân Hiệp Phát nếu thực trạng về chất lượng nhân lực

Chỉ lo học để thi

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết hằng năm, TP HCM có 55.000 sinh viên (SV) các trường ĐH, CĐ tốt nghiệp. Nếu tính cả học sinh trung cấp, công nhân kỹ thuật, đào tạo ngắn hạn thì có khoảng 180.000 người. Trong đó có khoảng 80% SV ra trường tìm được việc làm đúng trình độ đào tạo; số còn lại tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm, phải làm công việc thấp hơn trình độ được đào tạo. Lý giải vấn đề này, thạc sĩ Trần Anh Tuấn cho rằng nhu cầu tuyển dụng giảm cũng là một nguyên nhân nhưng cái chính là SV thiếu kỹ năng thực tế, không thuyết phục được nhà tuyển dụng.
Ông Phạm Minh Tuấn - Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Tân Hiệp Phát - cho biết không những thiếu các kỹ năng cần thiết, đa số SV hiện nay

không có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng. “Đầu năm 2013 đến nay, tôi đã tiếp khoảng 2.500 SV đến tham quan, tìm hiểu doanh nghiệp nhưng chưa có SV nào cho tôi biết mục tiêu nghề nghiệp của mình là gì, kế hoạch nghề nghiệp ra sao. Hầu như các bạn khi đi học chỉ lo thi cho có điểm. Kết quả phỏng vấn chỉ chọn được tỉ lệ khoảng 1/15 người nhưng 90% trong số đó không trả lời được tại sao lại chọn xin việc tại công ty, họ chỉ biết công ty có việc làm để họ vào làm việc là nộp hồ sơ” - ông Tuấn nói.

Bà Trương Tứ Muối, Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ phát triển kinh tế Chợ Lớn, cho biết doanh nghiệp kỳ vọng SV tốt nghiệp ngoại ngữ có khả năng giao tiếp tốt nhưng khi cần các em giới thiệu danh lam thắng cảnh Việt Nam, giới thiệu về doanh nghiệp thì các em rất ấm ớ.

Thách thức lớn khi hội nhập

TS Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định: Yêu cầu cao nhất của SV sau khi ra trường là kiến thức nghề nghiệp phải vững nhưng cái yếu lớn nhất của các trường ĐH ở Việt Nam là thực hành và bản lĩnh cùng sự tự tin của SV chưa cao. TS Nghĩa cũng nhận định hiện tại chương trình đào tạo ĐH quá đặt nặng dạy lý thuyết, điều kiện thực hành chưa được chú trọng. Hiện nay, số tiết thực hành ở các trường ĐH chỉ đạt 15%.

Hiệp định ASEAN về di chuyển con người đã được Chính phủ Việt Nam ký kết từ tháng 11-2012 sẽ là một thách thức rất lớn cho thị trường lao động Việt Nam. Để không bị lép vế ngay trên sân nhà, theo TS Nghĩa, SV tốt nghiệp ĐH có chuẩn đầu ra ít nhất phải tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực như Thái Lan, Singapore... “Đạt được chuẩn đầu ra như vậy thì phải nâng chất lượng chương trình, đội ngũ giảng viên và điều kiện thực hành” - TS Nghĩa kết luận.

Phải có ý thức tự học, rèn luyện

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác SV ĐH Quốc gia TP HCM, cho rằng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu. Xu thế này sẽ tạo ra thị trường lao động toàn cầu, công dân toàn cầu và thanh niên toàn cầu. Để thanh niên tự tin hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ từ nhà trường, từng cá nhân sinh viên phải không ngừng tự học, rèn luyện, tự tu dưỡng, tự chịu trách nhiệm để trang bị cho mình kỹ năng, kỷ luật, có tác phong của lao động chất lượng cao.

Theo Huy Lân, NLĐ