Xung quanh những đề thi đổi mớiHọc sinh các trường THCS trên địa bàn TP.HCM làm thủ tục tham dự kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp TP năm 2016, tại hội đồng thi Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1. Đây là năm đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM đưa vào kỳ thi này môn thi kiến thức tổng hợp thực tiễn - Ảnh: Như Hùng

Tuy nhiên, không phải tất cả đề thi kiểu này đều được xã hội nồng nhiệt đón nhận.

Dè dặt với đề thi “tích hợp liên môn”

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 22-3-2016 đã khiến dư luận xôn xao khi xuất hiện một môn thi mới: môn kiến thức tổng hợp thực tiễn.

Nhận xét về đề thi này, phó hiệu trưởng một trường THCS nổi tiếng ở TP.HCM nói: “Thật ra đề thi không khó. Nội dung đề thi được trình bày theo kiến thức của nhiều môn học: văn, sinh, địa, toán... Điểm đáng ghi nhận là nội dung đề thi rất gần gũi với cuộc sống của học sinh và mang tính giáo dục cao. Ví dụ phần nói về một học sinh bị thừa cân nên nhiều lúc em ấy uể oải, mệt mỏi, hồi hộp, mau quên..., về thói quen uống nước ngọt của nhiều bạn trẻ hiện nay. Qua đó, học sinh đã biết tính chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể), biết cách sinh hoạt, ăn uống để giữ gìn sức khỏe. Tuy nhiên, đề thi quá dài dòng nên có học sinh làm lạc đề”.

Kết quả cuộc khảo sát bỏ túi của chúng tôi với một số giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh thì có người khen, kẻ chê đề thi môn kiến thức tổng hợp thực tiễn.

Tuy nhiên, nói như một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: “Có thể năm đầu tiên đề thi chưa đáp ứng được mong mỏi của số đông, nhưng điều này hoàn toàn có thể khắc phục được trong những năm sau. Điều quan trọng là chúng ta phải nhìn nhận: đây là điểm mới tích cực về công tác đánh giá học sinh”.

Trong khi việc dạy học theo hướng tích hợp liên môn đang được triển khai rộng rãi ở nhiều nơi thì việc kiểm tra, đánh giá những đề thi theo hướng này vẫn còn dè dặt, theo kiểu vừa làm vừa nghe ngóng. Đó là do học sinh, giáo viên vẫn chưa quen với cách dạy và học theo kiểu mới: học - hiểu - vận dụng chứ không phải học thuộc lòng.

Trước đây, một đề kiểm tra môn hóa học của thầy giáo Nguyễn Xuân Trung - giáo viên Trường THPT Hồng Bàng, Hải Phòng - từng dậy sóng dư luận giới teen khi đề cập đến ca sĩ Sơn Tùng: “Do thói quen ngậm kẹo ngọt khi biểu diễn nên ca sĩ Sơn Tùng đã bị sâu răng. Em hãy chọn hóa chất để giúp Sơn Tùng chữa sâu răng”.

Đề kiểm tra này đã khiến học sinh rất hào hứng và cũng đạt được yêu cầu là kiểm tra kiến thức môn học. Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường cho biết đề kiểm tra theo cách mới mẻ này chỉ được thầy Trung ra cho học sinh ở lớp ôn luyện buổi tối mà thôi.

“Nếu là đề kiểm tra chính thức của trường, chúng tôi sẽ phải cân nhắc. Chúng tôi ủng hộ cái mới, nhưng cũng phải thận trọng” - lãnh đạo trường này chia sẻ.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng từng có năm ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 với câu hỏi mở mang tính tích hợp liên môn: kiến thức văn học, giáo dục công dân, lịch sử, giáo dục an ninh quốc phòng, khi yêu cầu thí sinh từ tác phẩm văn học đã được học, “trình bày suy nghĩ về người chiến sĩ canh giữ biển đảo”.

Đề thi này gây nên tranh cãi, với nhiều ý kiến trái chiều. Kết quả thi năm đó, phổ điểm môn văn tụt xuống đáng kể, điểm chuẩn vào các trường top đầu hạ 3-4 điểm. Chính vì điều này mà ngay năm sau, cũng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Hà Nội đã chọn giải pháp an toàn khi ra đề văn hoàn toàn truyền thống.

Và... bị phản ứng

Năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT TP.HCM đẩy mạnh công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, bằng cách yêu cầu tất cả các phòng GD-ĐT quận huyện phải ra đề kiểm tra cuối học kỳ cho các khối 6, 7, 8, 9. Và những đề thi đổi mới lại vấp phải sự phản ứng không ít của dư luận.

Trong đó có trường hợp của Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận khi ra đề kiểm tra cuối học kỳ 1 môn văn cho học sinh lớp 6: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con (Chế Lan Viên, Con cò). Từ ý thơ trên, em hãy kể một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử”.

Và đề thi này đã gây bão trên mạng vì một số giáo viên cho rằng học sinh lớp 6 không thể hiểu tình mẫu tử là gì thì sao làm bài được? Mặc dù vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định: nếu học sinh không hiểu thì khi đọc hai câu thơ trên sẽ hiểu ngay nội dung đề.

Tương tự, Phòng GD-ĐT quận 9 ra đề kiểm tra môn sinh cuối học kỳ 1 cho học sinh lớp 7 khá mới mẻ.

Sau khi cung cấp những thông tin về đặc điểm, cách phát hiện bệnh sốt xuất huyết thì đề kiểm tra yêu cầu: “Từ thông tin trên, em hãy đưa ra một khẩu hiệu nhằm tuyên truyền cho việc phòng chống sốt xuất huyết”. Đề kiểm tra này làm nức lòng nhiều người quan tâm đến giáo dục nước nhà, nhưng nhiều phụ huynh đã phản ứng dữ dội: đề kiểm tra môn sinh mà ra như môn văn, làm sao học sinh viết được khẩu hiệu tuyên truyền như người lớn chứ! Theo một số chuyên viên bộ môn Phòng GD-ĐT quận 9: “Sự phản ứng của dư luận khiến chúng tôi rất nản. Nếu không được cấp trên ủng hộ thì lại quay về kiểu cũ cho an toàn”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Phản ứng là điều đương nhiên trong quá trình giáo dục đổi mới. Nếu bình tĩnh xem lại thì những người phản ứng là giáo viên, phụ huynh, học sinh chưa quen với việc đổi mới cách dạy và học. Lâu nay học sinh quen với cách học thuộc lòng, giáo viên cũng quen soạn đề cương sẵn cho học sinh học thuộc để đi thi. Khi gặp đề thi đổi mới yêu cầu các em phải tư duy, phải vận dụng kiến thức vào thực tiễn thì các em không làm được. Thế là phản ứng thôi. Công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh được xem là khâu đột phá trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, nên TP.HCM đang quyết liệt thực hiện”.

Đề thi đổi mới xuất hiện ngày càng nhiều

Cô giáo Nguyễn Kim Anh - Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - cho biết: “Việc ra đề thi yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức liên môn, chúng tôi đã làm từ nhiều năm trước. Tuy nhiên khi đó vẫn dè dặt vì chưa phải việc được “bật đèn xanh” từ trên, và học sinh cũng còn nhiều bỡ ngỡ, cần có thời gian làm quen. Nhưng khoảng hai năm học gần đây, những đề thi dạng đổi mới xuất hiện nhiều hơn. Tại trường chúng tôi, việc dạy học bằng cách cho học sinh tự quan sát, cảm nhận qua các sự kiện, các hoạt động hoặc chuyến đi thực tế do trường hoặc tổ bộ môn tổ chức rất nhiều, nên đề kiểm tra cũng sinh động và dễ tích hợp hơn”.


Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160327/xung-quanh-nhung-de-thi-doi-moi/1074466.html