Ở mùa tuyển sinh năm nay, phần lớn thí sinh đã không còn chọn nghề theo trào lưu mà đã biết dựa vào nhu cầu nhân lực của từng địa phương, vùng miền, nơi mình sinh sống hay dự định gắn bó.

Phân hóa rõ ràng

Năm nay, thí sinh ở khu vực Tây Nam Bộ vẫn lựa chọn khối ngành Kinh tế. Thí sinh khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên nộp hồ sơ nhiều ở khối ngành Nông – Lâm – Ngư. Còn thí sinh ở khu vực Bắc Trung Bộ lại đổ dồn vào ngành Sư phạm và Kỹ thuật. Số lượng hồ sơ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của khu vực phía Nam xấp xỉ năm ngoái.

Theo sở GD – ĐT Khánh Hòa, cả tỉnh có 28.281 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT). Trong đó, khối A có 9.968 hồ sơ. Khối B là 7.013 và khối D1 có 5.740 hồ sơ. Lượng hồ sơ nộp vào ngành Sư phạm tăng mạnh, còn hồ sơ ở khối Kinh tế lại giảm đi 30%. Trong đó, các trường giảm nhiều nhất là ĐH Công nghiệp TP. HCM, ĐH Sài GònĐH Tài chính – Marketing.

Năm 2013, tỉnh Bình Thuận có 28.954 hồ sơ của thí sinh ĐKDT, giảm 1.000 bộ so với năm 2012. Theo ông Trần Lương Công Khanh, phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD – ĐT tỉnh Bình Thuận, thí sinh trong tỉnh chủ yếu nộp hồ sơ vào ngành Sư phạm, Kỹ thuật. Đặc biệt, rất nhiều hồ sơ ĐKDT ngành Sư phạm Mầm non và Giáo dục Tiểu học ở trường CĐ Sư phạm T.Ư TP. HCM, trường CĐ Bách Việt.

Tại các tỉnh Tây Nam Bộ, xu hướng chọn trường gần nhà thể hiện rõ nét hơn so những mùa tuyển sinh trước đây. Sở GD – ĐT tỉnh Đồng Tháp nhận được 21.902 hồ sơ. Trong đó, có đến 4.593 hồ sơ nộp vào trường ĐH Cần Thơ, 2.628 hồ sơ nộp vào trường ĐH Đồng Tháp và 1.464 hồ sơ nộp vào trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Trong 23.189 hồ sơ của Sở GD – ĐT tỉnh An Giang, có đến 8.502 hồ sơ nộp vào trường ĐH An Giang. Còn lại, thí sinh nộp vào trường ĐH Cần Thơ và các trường đại học ở các tỉnh lân cận.

Ông Thang Kim Trinh, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên của Sở GD – ĐT tỉnh An Giang cho biết: “So với năm ngoái, số lượng hồ sơ ĐKDT năm 2013 tăng gần 2.000 bộ. Do làm tốt công tác tuyển sinh nên phần lớn thí sinh trong tỉnh chỉ nộp nhiều nhất là 2 bộ hồ sơ. Còn những năm trước đây, một thí sinh nộp 3 – 4 bộ”.

Điểm đáng mừng trong mùa tuyển sinh 2013 là thí sinh ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã biết chú trọng đến cơ hội việc làm sau khi ra trường, không còn đổ xô vào các ngành “hot” như những năm trước. Cụ thể, tỉnh Bình Phước nhận được hơn 15.000 hồ sơ nhưng có đến gần 2.000 bộ nộp vào trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, 848 hồ sơ nộp vào trường ĐH Tài nguyên Môi trường và 896 hồ sơ nộp vào trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM.

Việc thí sinh “quay lưng” với khối ngành Kinh tế được thể hiện rõ nét tại tỉnh Tây Ninh. Theo Sở GD – ĐT tỉnh này, toàn tỉnh có 14.788 hồ sơ nhưng chủ yếu nộp vào khối ngành Nông – Lâm – Ngư và Kỹ thuật. Hồ sơ nộp vào khối Kinh tế giảm mạnh. Cụ thể, năm 2012 tỉnh này có đến 213 hồ sơ nộp vào trường ĐH Ngân hàng TP. HCM nhưng năm nay chỉ có 40 bộ. Hồ sơ nộp vào trường ĐH Kinh tế TP. HCM, trường ĐH Tài chính – Marketing cũng giảm đi một nửa…

Trường tốp giữa chiếm ưu thế

Sự “tụt dốc” của các trường đào tạo khối ngành Kinh tế là cơ hội để các trường tốp giữa, đào tạo đa ngành bứt phá. Đây là năm thứ hai, trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức thi tuyển sinh ở bậc đại học. Theo thống kê, trường này đã nhận gần 16.000 hồ sơ, tăng 150% so với năm 2012.

Trong đó, hồ sơ dự thi vào hệ đại học chiếm hơn 70%. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Số lượng hồ sơ dự thi tăng chứng tỏ chất lượng đào tạo của trường đã được khẳng định. Năm nay, nhà trường tiếp tục tổ chức 3 đợt thi đại học, cao đẳng theo quy định “3 chung” của Bộ GD – ĐT.

Để đảm bảo chất lượng cho kỳ thi tuyển sinh, nhà trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thí sinh như “Tiếp sức mùa thi”, hỗ trợ tìm nhà trọ, phương tiện đi lại, phát cơm trưa miễn phí và ổn định tình hình giao thông tại các điểm thi. Hiện tại, trường đã vận động được 10.000 suất ăn, nước uống miễn phí, 1.200 chỗ trọ miễn phí, đội xe tình nguyện hơn 100 sinh viên sẵn sàng đưa đón phụ huynh và thí sinh trong các ngày diễn ra kỳ thi”.

Sau nhiều năm xét tuyển, năm nay trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM đã tổ chức thi tuyển sinh trở lại. Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông của trường cho biết, năm 2013 trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ nhận được 13.750 hồ sơ/5.600 chỉ tiêu. Còn trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM nhận được 28.830 hồ sơ.

Trung bình, mỗi ngành của trường nhận được từ 1.000 – 2.500 hồ sơ đăng ký dự thi. Đáng chú ý, ngành Công nghiệp thực phẩm có đến hơn 11.000 hồ sơ đăng ký dự thi/400 chỉ tiêu. Năm nay, trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng nhận được số lượng hồ sơ xấp xỉ với năm 2012. Những ngành mới mở của trường như Quản lý thể thao có 134 hồ sơ, Thống kê nhận được 223 hồ sơ. Ngôn ngữ Anh là ngành nhận được nhiều hồ sơ ĐKDT nhất, với 1.884 bộ.

Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, cho rằng, mỗi vùng miền có một nhu cầu nhân lực khác nhau. Vì vậy, thí sinh ở mỗi nơi có một sự lựa chọn ngành nghề khác nhau.

Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực ngành Sư phạm và khối Kinh tế đang bị bão hòa mà thí sinh khu vực Tây Nam Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn đổ dồn vào thì rất khó tìm được việc làm sau khi ra trường. Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh của Cơ quan đại diện Bộ GD – ĐT tại TP. HCM nhìn nhận, một số trường tốp giữa năm nay có lượng hồ sơ tăng mạnh là do họ đã khẳng định được thương hiệu và làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh.

 

Kenhtuyensinh: theo Hoahoctro