>> Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, điểm nguyện vọng 2

Không phải trường hoặc ngành ở nguyện vọng bổ sung đều phù hợp với mong muốn ban đầu. Do đó, thí sinh không nên kiếm đại ngành nào đó để được vào ĐH.

Ngày mai (20-8), các trường còn chỉ tiêu bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung của những thí sinh (TS) có điểm thi cao nhưng chưa trúng tuyển. Năm nay điểm trúng tuyển nhiều trường tăng cao, do đó dự kiến những trường lớn, ngành “hot” ở nguyện vọng bổ sung sẽ tăng đột biến, khoảng cách từ điểm nhận hồ sơ đến điểm trúng tuyển 1-2 điểm chưa chắc an toàn.

Nên cao hơn mức nhận hồ sơ từ 3 điểm

Các trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Tài chính-Marketing TP.HCM… dù điểm trúng tuyển 16,5-18,5 nhưng vẫn dành 200-680 chỉ tiêu để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Có khả năng những TS không trúng tuyển từ ĐH Ngoại thương (Cơ sở 2 TP.HCM), ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ nộp hồ sơ vào các trường này. Như vậy, với mức 19-22 điểm, Trường ĐH Ngoại thương (Cơ sở 2 TP.HCM) còn hơn 700 TS chưa trúng tuyển; Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng còn hơn 700 TS có điểm 19-19,5.

xét tuyển nguyện vọng 2

TS nhận giấy chứng nhận kết quả thi tại Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM để tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ảnh: QUỐC DŨNG

Ông Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Với điểm thi đạt từ 19,5 trở lên, TS có khả năng trúng tuyển nguyện vọng bổ sung vào tất cả ngành đào tạo của trường. Tuy nhiên, ngành tài chính-ngân hàng nhận hồ sơ từ mức 17,5 điểm nên TS cần có điểm cao hơn 3-4 điểm để có khả năng trúng tuyển cao hơn. Điều quan trọng TS cần xác định là điểm thi có khoảng cách càng xa so với điểm nhận hồ sơ xét tuyển thì cơ hội trúng tuyển càng cao”.

Đây cũng là kinh nghiệm mà nhiều trường lớn có xét tuyển bổ sung tư vấn cho TS. Bởi không phải điểm cao sẽ trúng tuyển hay điểm thấp sẽ trượt, điều quan trọng là TS nên theo dõi hằng ngày trên website của trường để ước lượng tình hình. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, khuyên: “Cơ hội trúng tuyển phụ thuộc vào số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành. Nguyên tắc xét tuyển là từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu nên điểm càng cao càng dễ trúng tuyển. Trong thời hạn quy định nộp hồ sơ của từng trường, tất cả hồ sơ đăng ký xét tuyển của TS là bình đẳng, không phân biệt nộp trước hay sau. Do đó, để biết chính xác mức điểm của mình có khả năng trúng tuyển cao hay thấp, hằng ngày TS phải lên trang web của trường để xem thống kê số lượng đăng ký xét tuyển. Nếu hồ sơ ngành mình nộp quá nhiều điểm cao, dự đoán khả năng không trúng tuyển thì TS nên rút hồ sơ chuyển sang trường khác hoặc ngành khác”.

Ngành mới, ít người biết sẽ rộng cửa hơn

Chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung ở các trường ĐH lớn còn rất ít. Tuy nhiên, với các ngành mới mở thì đại diện các trường đều cho rằng ngành mới, ít người biết nên cơ hội trúng tuyển cao.

Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi là trường đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đào tạo cử nhân ngành thương mại điện tử và được Cục Thương mại Điện tử thuộc Bộ Công Thương hỗ trợ trong đào tạo ngành này. Do là ngành mới nên không có nhiều TS đăng ký, trong khi đây là ngành rất cần cho nền kinh tế thị trường trong thời gian tới. Vì vậy, tỉ lệ trúng tuyển nguyện vọng của ngành này là khá lớn so với các ngành khác trong khối ngành kinh tế”.

Đối với khối ngành kỹ thuật, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM Cổ Tấn Anh Vũ cho hay: “Trường chỉ xét tuyển hệ CĐ, trong đó chuyên ngành khoa học hàng hải, kỹ thuật tàu thủy có chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nên cơ hội cho TS trúng tuyển rất cao. Đây là ngành đào tạo nhiều năm nhưng TS ít quan tâm đến. Trong khi theo quy định của Nhà nước, ngành đi biển sẽ được giảm 70% học phí”.

Theo nhiều chuyên gia, thường điểm trúng tuyển các ngành kỹ thuật, công nghệ sẽ bằng hoặc cao hơn điểm nhận hồ sơ 1-2 điểm, trong khi các ngành khối kinh tế thì điểm trúng tuyển thường cao hơn rất nhiều.

Xét tuyển trực tuyến trái quy định
Theo quy chế tuyển sinh và phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 của Bộ GD&ĐT, hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung phải nộp cho trường theo đường chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường. Tuy nhiên, hiện nay trên website các trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam), CĐ Viễn Đông TP.HCM, CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, CĐ Bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp TP.HCM, CĐ Đức Trí (Đà Nẵng), CĐ Công Kỹ nghệ Đông Á (Quảng Nam)… đều thông báo xét tuyển qua mạng.

Chẳng hạn, trên trang web của Trường CĐ Viễn Đông TP.HCM mục xét tuyển trực tuyến được trường xem là “ưu tiên” nhằm giúp công tác xét tuyển “nhanh chóng, thuận lợi”. Thậm chí để củng cố tinh thần cho TS, trên trang web của Trường CĐ Đức Trí (Đà Nẵng) còn khẳng định “khi đăng ký trực tuyến bạn sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn”! Trong khi đó, theo quy định của Bộ, khi xét tuyển, TS phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ và lệ phí; cơ hội xét tuyển là như nhau đối với TS, không có chuyện TS đăng ký sớm sẽ có cơ hội đậu cao hơn.

__________________________________________

Ở đợt xét tuyển này, Trường ĐH Sài Gòn xét tuyển bổ sung hai ngành mới là quản trị văn phòng, công nghệ kỹ thuật môi trường. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Cơ sở 2 TP.HCM) cũng tuyển mới hai ngành là công nghệ đa phương tiện và marketing.

Trường ĐH Nha Trang tuyển mới ngành quản lý thủy sản với điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn. Trường ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM tuyển sáu chuyên ngành gồm quản lý kinh tế, quản lý dự án, thuế, tài chính công, tài chính bảo hiểm và đầu tư, thẩm định giá.

Theo Quốc Dũng, Báo phapluattp