>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Xét tuyển ĐH, CĐ: Nhiều ngành điểm cao, vượt chỉ tiêu

Thí sinh và phụ huynh chuẩn bị hồ sơ tại ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: VGP/Nguyên Nguyễn

Xét tuyển ĐH, CĐ: Nhiều ngành điểm cao, vượt chỉ tiêu

Tại ĐH Mở TPHCM, ông Nguyễn Minh Hà, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo cho biết, tính đến ngày 6/8, trường đã nhận được hơn 3.000 HSXT trong khi chỉ tiêu của trường là 2.650.

Theo ông Hà, có một số ngành của trường đã đủ và vượt chỉ tiêu như Ngôn ngữ Anh (có 856 hồ sơ/300 chỉ tiêu), Kinh tế (250 hồ sơ/100 chỉ tiêu), Quản trị kinh doanh (640 hồ sơ/400 chỉ tiêu), Luật Kinh tế (400 hồ sơ/300 chỉ tiêu)… Tuy nhiên, một số ngành khác số lượng hồ sơ nhận được ít hơn so với chỉ tiêu như Kế toán (270/300 chỉ tiêu), Công nghệ sinh học (80/200 chỉ tiêu), Công tác xã hội (30 hồ sơ/100 chỉ tiêu)...

“Hiện tại, trường đã có 65 thí sinh xin rút hồ sơ, 10 thí sinh xin chuyển đổi nguyện vọng ưu tiên. Trong những ngày tới, khả năng sẽ có nhiều thí sinh chuyển đổi nguyện vọng ưu tiên", ông Hà cho biết.

Với ĐH Sư phạm TPHCM, tính đến thời điểm hiện tại có hơn 5.000 hồ sơ trong khi chỉ tiêu của trường là 3.300; có khoảng 30 thí sinh rút hồ sơ.

Ông Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo cho biết các ngành đủ và vượt chỉ tiêu gồm Sư phạm Toán, Sư phạm Anh văn, Sư phạm Văn, Giáo dục tiểu học, Sư phạm Lí, Hóa… Các ngành thiếu gồm Giáo dục thể chất, Sư phạm Pháp văn, Quốc tế học, Ngôn ngữ Nga, Anh…

Tương tự, ông Lê Chí Thông, Trưởng Phòng Đào tạo (ĐH Bách khoa TPHCM) cho biết, trường hiện có khoảng 3.700 hồ sơ và cũng đã có 12 thí sinh xin rút hồ sơ. Theo danh sách trường công bố, hiện có 2 ngành đã vượt chỉ tiêu, những ngành khác dự kiến trong những ngày tới cũng sẽ đủ chỉ tiêu.

Còn ĐH Y Dược TPHCM hiện cũng nhận được lượng hồ sơ lớn và điểm của thí sinh khá cao so với điểm chuẩn. Trong đó, ngành Bác sĩ răng-hàm-mặt tuyển 100 chỉ tiêu nhưng đã có 480 nguyện vọng đăng ký (có 100 thí sinh đạt từ 27,75 điểm trở lên); ngành Y đa khoa hiện có 563 hồ sơ trong khi chỉ tiêu chỉ là 400; các ngành khác như Y học Cổ truyền, Y học Dự phòng, Cử nhân Điều dưỡng... đều có số lượng lớn thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên nộp hồ sơ xét tuyển…

ĐH Luật TPHCM đến nay đã nhận được khoảng 1.000 hồ sơ, nhưng số lượng hồ sơ xét tuyển đạt từ điểm 23,5 trở lên khá nhiều (mức điểm sàn nhận hồ sơ là 19 điểm).

Trong khi đó, tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, những ngành có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường này gồm: Ngôn ngữ Anh (252), Báo chí (153), Quan hệ quốc tế (147), Nhật Bản học (129)… Đặc biệt, ở ngành Báo chí, hiện đã có 153 thí sinh đăng ký xét tuyển, trong khi chỉ tiêu là 130. Thí sinh có điểm cao nhất ngành này đạt 28,25; thí sinh thấp điểm nhất là 19,5.

Tại ĐH Kinh tế TPHCM, đến nay đã nhận được 3.943 hồ sơ, trong khi tổng chỉ tiêu của trường là 4.400, thí sinh có điểm cao nhất là 27,5 điểm và thấp nhất là 18...

Ghi nhận ở các trường ngoài công lập, nhiều trường vẫn trong tình trạng khan hiếm hồ sơ. Cụ thể, ĐH Kinh tế-Tài chính mới nhận được khoảng 400 hồ sơ; ĐH Văn Hiến nhận được 500 hồ sơ; ĐH Công nghệ TPHCM nhận được 1.500 hồ sơ; ĐH Hoa Sen hơn 1.300 hồ sơ; ĐH Nguyễn Tất Thành cũng mới chỉ nhận được 500 hồ sơ theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và 2.000 hồ sơ theo học bạ...

Phó Cục trưởng Cục khảo thí tư vấn thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển

PGS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐTPGS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT

“Thí sinh phải tính toán để có thể trúng tuyển ngay nguyện vọng 1” -PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT) – đã lưu ý thí sinh như vậy trong chương trình tư vấn xét tuyển vào ĐH, CĐ 2015, do báo Sinh viên Việt Nam, Hoa học trò tổ chức.
Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, đợt 1 xét tuyển (từ 1/8 đến 20/8) là giai đoạn quan trọng, bởi các trường dành đến 70% chỉ tiêu tuyển sinh dành cho đợt này.

Ở đợt 1, thí sinh chỉ được đăng ký vào một trường, tối đa 4 nguyện vọng, theo thứ tự từ 1 đến 4. Dù chỉ được nộp vào một trường, nhưng thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng, hoặc rút hồ sơ.

Tuy nhiên, PGS Trần Văn Nghĩa lưu ý: Việc rút hồ sơ là tương đối khó khăn. “Có phụ huynh hỏi: Nếu ngày 20/8 hết hạn nộp hồ sơ, con ở vị trí gần cuối cùng thì có giữ nguyên nguyện vọng hay rút? Câu hỏi này rất khó trả lời. Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh tình trạng khó xử bằng cách thức chọn trường.

Trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của những năm trước đó. Ngành nào điểm cao thường điểm sẽ tiếp tục cao.

Các thí sinh nộp hồ sơ theo nguyên tắc: Điểm càng lệch theo chiều hướng tăng so với những năm trước càng xa thì nguyên tắc an toàn càng cao.

Học sinh nên lưu ý phải tận dụng tối đa 4 ngành trong một trường để đảm bảo độ an toàn của mình. Các ngành theo thứ tự từ 1-4, học sinh tính toán về độ an toàn sao cho đảm bảo” - PGS Trần Văn Nghĩa nhắn nhủ.

Phó Cục trưởng Cục khảo thí đưa ví dụ cụ thể: Nguyện vọng thứ nhất, thí sinh có thể chọn ngành mình yêu thích, nguyện vọng thứ 2, thứ 3 chọn ngành gần sát với điểm chuẩn so với năm trước. Những thí sinh chỉ đạt điểm sàn hoặc sát sàn có thể chọn ngành đại học và cao đẳng vào cùng một trường để đảm bảo an toàn.

Nói về việc một số trường hiện đã công bố điểm chuẩn tạm thời, PGS Trần Văn Nghĩa cho biết, danh sách này không có ý nghĩa trúng tuyển chính thức; đồng thời nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT quy định thời gian nộp đợt 1 trong 20 ngày. Nếu trường nào công bố đủ hồ sơ và không tuyển thêm nữa là sai quy định.

Không được công bố danh sách thí sinh trúng tuyển tạm thời

Theo ghi nhận của phóng viên, tính đến ngày 7-8, các trường đại học như: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Công nghiệp Hà Nội... đang dẫn đầu về số hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển.

Cụ thể, thống kê của Đại học Công nghiệp Hà Nội, đã có trên 2.000 hồ sơ đăng ký với mức điểm tập trung nhiều trong khoảng 20-22 điểm; Đại học Kinh tế quốc dân cũng xấp xỉ 2.000 hồ sơ đăng ký với phổ điểm từ 20-24 điểm; trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có trên 2.000 hồ sơ đăng ký với mức điểm chủ yếu tập trung từ 20-25.  Do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển với số điểm khá cao, đai diện Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến cáo thí sinh cân nhắc trong việc nộp hồ sơ vào trường.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đưa mức điểm chuẩn dự kiến để thí sinh tham khảo. Cụ thể, điểm chuẩn cao nhất là nhóm các ngành Cơ điện tử, Điện-Điện tử-Tự động hóa, Công nghệ thông tin với điểm chuẩn dự kiến là trung bình mỗi môn từ 8 đến 8,5 điểm. Nhóm ngành Kỹ thuật cơ khí, Toán-Tin, Kỹ thuật hóa học-Sinh học-Thực phẩm-Môi trường dự kiến điểm chuẩn ở ngưỡng 7,5 đến 8 điểm. Các nhóm ngành kinh tế, quản lý, điểm chuẩn dự kiến ở ngưỡng 7 đến 7,5. Nhóm ngành Cử nhân công nghệ, Ngôn ngữ Anh điểm chuẩn dự kiến từ 6,5 đến 7,5 điểm. Điểm chuẩn dự kiến thấp nhất là các chương trình đào tạo quốc tế với mức từ 6 đến 7 điểm.

Tuy nhiên, để tránh gây hoang mang cho thí sinh, Bộ Giáo dục- Đào tạo yêu cầu các trường đại học không được công bố điểm trúng tuyển tạm thời mà chỉ công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển. “Các trường không để thí sinh hiểu nhầm điểm trúng tuyển tạm thời, gây hoang mang cho các em. Đó chỉ là danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển đến thời điểm công bố so với chỉ tiêu xét tuyển để thí sinh tham khảo”, Bộ Giáo dục- Đào tạo khẳng định.

Đồng thời, các trường đại học phải công khai danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, xếp thứ tự theo tổng điểm từ trên xuống và ghi rõ chỉ tiêu của từng ngành. Bộ Giáo dục- Đào tạo khuyến khích các trường đại học cập nhật thông tin hàng ngày. Việc này phải được duy trì thường xuyên trong thời gian xét tuyển. Văn bản này của Bộ cũng cho biết thêm các trường đại học tuyệt đối không được cấp giấy báo nhập học hoặc giấy trúng tuyển trái với quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015.

Theo báo điện tử Chính phủ, tin gốc: http://baochinhphu.vn/doi-song/xet-tuyen-dh-cd-nhieu-nganh-diem-cao-vuot-chi-tieu/233473.vgp