Xét tuyển ĐH, CĐ: Hiệu trưởng nhiều trường nhận định sẽ tăng điểm chuẩn

Điểm chuẩn xét trúng tuyển vào ĐH sẽ cao hơn năm ngoái

Điểm xét tuyển đại học sẽ cao hơn năm ngoái

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT cũng cho hay, sắp tới Hội đồng xét ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp bàn nguyên tắc chung để xác định ngưỡng điểm đầu vào phù hợp và đơn giản nhất để các trường có thể áp dụng cho tất cả các tổ hợp xét tuyển.

Nhận định về điểm chuẩn năm nay, thầy giáo Nguyễn Khắc Ngọc, Trung tâm Học mãi chia sẻ, với những trường "top dưới cùng" (mọi năm lấy điểm chuẩn từ 15-18) thì năm nay chắc chắn sẽ có sự tăng mạnh từ 2-4 điểm. Lý do là vì trong đề thi năm nay, "không gian" dành cho việc xét tốt nghiệp khá lớn, đặc biệt là những môn bắt buộc (Toán - Văn - Anh) thì phần rất dễ và dễ chiếm tới khoảng 70% đề. Với các môn tự chọn (Lý - Hoá - Sinh) tuy có phân hoá mạnh hơn nhưng cũng không dưới 50%. Do đó, phổ điểm của năm nay sẽ chủ yếu là rơi vào vùng 5-6-7-8 điểm.

“Có thể nói điểm 6-7 của năm nay chỉ tương đương điểm 5-6 của năm ngoái. Với những trường top giữa (mọi năm điểm chuẩn từ 19- 20 điểm) thì năm nay sẽ có sự biến động thất thường, tuỳ từng ngành, từng trường mà điểm chuẩn sẽ giữ nguyên hoặc tăng nhưng phổ biến là sẽ tăng từ 1-2 điểm do có nhiều bạn vốn chỉ định thi "top dưới" nay lại có kết quả cao bất ngờ”- thầy Ngọc nhấn mạnh.

Ngoài ra, đối với những trường "giỏi" (điểm chuẩn mọi năm từ 23-25) thì năm nay sẽ khá ổn định, điểm sẽ giữ nguyên hoặc dao động quanh khoảng + (-) 0.5. Do để đạt được mức 7.5-8.5 của năm nay cũng tương đương như năm ngoái. Các trường thuộc nhóm này đa số sẽ không lấy NV2.

Một số trường đã dự kiến điểm chuẩn

Theo dự kiến các trường đại học, cao đẳng sẽ lấy đến 70% chỉ tiêu khi xét tuyển nguyện vọng 1. Đặc biệt là các trường top trên. Bộ GD – ĐT quy định nếu chưa trúng nguyện vọng 1, thí sinh có thể được xét các nguyện vọng bổ sung.

Qua tìm hiểu, hầu hết các trường năm nay đều dự kiến tăng điểm chuẩn. PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết, điểm chuẩn năm nay chắc chắn sẽ tăng mạnh so với các năm trước do đề khối C năm nay dễ.

Với trường, sẽ có một số ngành điểm chuẩn từ 20 điểm trở lên. Sắp tới, trường sẽ tổ chức cho thí sinh đăng ký xét tuyển thử. Thí sinh nhập thông tin cá nhân, điểm trung bình để quen dần trước khi xét tuyển chính thức.

“Năm nay điểm thi được lấy đến 0,25, các trường đại học, cao đẳng sẽ thuận lợi hơn trong khâu xét tuyển, bởi lượng thí sinh có mức điểm bằng nhau sẽ thấp hơn các năm. Trường dự kiến sẽ nhận hồ sơ xét tuyển từ ngưỡng tối thiểu mà Bộ GD-ĐT quy định, sau đó xét theo độ dốc để công bố điểm trúng tuyển vào trường. Chỉ tiêu hệ chính quy của trường là 3.500 sinh viên” - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi Trịnh Minh Thụ, cho hay.

Trong khi đó, đại diện trường ĐH sư phạm Hà Nội cho biết ngoài việc căn cứ vào điểm thi xét tốt nghiệp, các em còn phải có hạnh kiểm 6 học kỳ đều đạt loại khá trở lên. Điểm chuẩn nhà trường sẽ thông báo công khai sau khi BGH nhà trường họp bàn thống nhất.

PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, những năm trước điểm chuẩn vào trường thường cao hơn so với mặt bằng chung. Năm nay, đề thi dễ hơn nên điểm chuẩn cũng sẽ tăng lên. Trường sẽ cập nhật danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành, chuyên ngành lên trang web. Dựa vào đó, thí sinh có thể biết được vị trí của mình trong tổng chỉ tiêu cần tuyển.

Thời gian xét tuyển được chia thành 4 đợt dự kiến như sau: Đợt một nhận hồ sơ từ 25/8 đến 15/9, công bố điểm chuẩn trước 20/9. Đợt hai nhận hồ sơ từ 20/9 đến 5/10, công bố điểm chuẩn trước 10/10. Đợt ba nhận hồ sơ từ 10/10 đến 25/10, công bố điểm trúng tuyển trước 31/10. Đợt bốn nhận hồ sơ từ 31/10 đến 15/11, công bố điểm trúng tuyển trước 20/11.

Mỗi thí sinh có ba giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh có thể dùng đồng thời ba giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào ba trường. Mỗi trường, thí sinh được đăng ký tối đa bốn nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ một đến bốn.

Các nguyện vọng này của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ.

Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.

“Điểm sàn” sẽ được quyết định vào 28-7

Với hơn 1 triệu thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay, việc biết kết quả thi mới chỉ là sự khởi đầu của cuộc đua vào ĐH, CĐ.

Ngay ngưỡng đầu tiên, còn được gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, cũng phải sau ngày 28-7, các thí sinh mới biết mình có cơ hội được dự tuyển ĐH, CĐ hay không. Bởi ngày 28-7, Bộ GD-ĐT mới họp để đưa ra ngưỡng xét tuyển cho các trường ĐH, CĐ sử dụng để tuyển sinh. Do tính chất của kỳ thi, năm nay đề thi gồm 60% kiến thức cơ bản nên ngưỡng đầu vào cũng như điểm xét tuyển ĐH, CĐ sẽ cao hơn năm ngoái.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, ngưỡng điểm đảm bảo đầu vào phụ thuộc vào mức độ khó dễ của đề thi. Khi độ khó của đề thi giảm, kết quả thi của thí sinh cao thì ngưỡng này cũng nhích về phía điểm cao.

Trước sự lo lắng của các trường về độ phức tạp của công tác xác định ngưỡng đầu vào cũng như điểm xét tuyển vì có nhiều tổ hợp xét tuyển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, Bộ sẽ bàn về nguyên tắc chung để xác định ngưỡng điểm đầu vào phù hợp và đơn giản nhất để các trường có thể áp dụng cho tất cả các tổ hợp xét tuyển của trường mình.

Thí sinh cũng có thể yên tâm vì theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo các tổ hợp truyền thống để đảm bảo quyền lợi cho những thí sinh đã định hướng khối thi từ 3-4 năm trước, nghĩa là các em đã tập trung ôn tập theo các khối yêu thích A, A1, B, C, D truyền thống.

Để thí sinh có thể chính thức đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ 2015, trước ngày 30-7, các Hội đồng thi do trường ĐH chủ trì, các Sở GD-ĐT, các đơn vị đăng ký dự thi in và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh đã đăng ký dự thi để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Các trường sẽ xây dựng điểm xét tuyển của trường hoặc từng ngành, nhưng phải đảm bảo điểm xét tuyển không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm đợt xét tuyển sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước.

Các trường ĐH bắt đầu công bố xét tuyển

Đây đang là thời điểm hàng loạt trường ĐH, CĐ công bố điều kiện xét tuyển cũng như giải đáp các thắc mắc cho phụ huynh học sinh. Do vậy, để nắm bắt được cơ hội vào ĐH, CĐ, các bậc phụ huynh cũng như thí sinh phải theo dõi đầy đủ các thông tin xét tuyển của những trường ĐH, CĐ mình quan tâm để cân nhắc xem có phù hợp với mức điểm mình đạt được hay không.

Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, ngày 25-7, trường này sẽ tổ chức tư vấn tuyển sinh, cung cấp toàn bộ thông tin xét tuyển đồng thời giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh về các ngành nghề đào tạo của trường.

Ngày 23-7, trường ĐH Thủy lợi đã công bố chỉ tiêu, mức điểm xét tuyển vào trường năm 2015. Trường này xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia do các trường ĐH tổ chức với điều kiện hồ sơ của thí sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD-ĐT, nghĩa là thí sinh tốt nghiệp THPT phải có điểm trung bình các năm học THPT đạt từ 5,5 trở lên.

Trường này cũng quy định tổ hợp môn xét tuyển: Khối A (Toán học, Vật lý, Hóa học) hoặc Khối A1 (Toán học, Vật lý, Tiếng Anh), các môn tính hệ số 1. Đối với thí sinh khối A1 nếu có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc là thành viên của đội tuyển quốc gia môn tiếng Anh sẽ được công nhận kết quả tương đương theo quyết định của nhà trường.

Học viện Ngân hàng cũng công bố xét tuyển căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Với bậc ĐH, Học viện dành 90% chỉ tiêu hàng năm để xét tuyển đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT, có điểm tổng của tổ hợp các môn thi thuộc kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đạt yêu cầu của Học viện Ngân hàng về một trong các phương án tổ hợp, cụ thể như sau: Môn Toán, môn Ngữ văn và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh); Môn Toán, môn Vật lý và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh); Môn Toán, môn Hóa học và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh); môn Toán, môn Vật lý và môn Hóa học.

Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, Cục đang khẩn trương thống kê, phân tích dữ liệu để đánh giá chất lượng kỳ thi, kết quả thí sinh đạt được năm nay so với năm ngoái cả về xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Cơ sở đánh giá chất lượng kỳ thi sẽ dựa vào phổ điểm của kết quả thi. Năm nay phổ điểm của hầu hết các môn thi đều nhích lên về phía điểm cao, nghĩa là điểm trung bình nằm trong vùng 5-6 điểm. Điểm thấp, gần 0 điểm và điểm cao, 9-10 điểm cũng ít hơn do đề thi vừa có kiến thức cơ bản, vừa có kiến thức nâng cao.

Theo:
  • Infonet, tin gốc: http://infonet.vn/xet-tuyen-dh-cd-hieu-truong-nhieu-truong-nhan-dinh-se-tang-diem-chuan-post169589.info
  • An ninh thủ đô, tin gốc: http://anninhthudo.vn/giao-duc/hoi-hop-cho-xet-tuyen-dai-hoc/623219.antd