>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Còn 2 ngày nữa là kết thúc thời hạn nhận hồ sơ xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) 2015. Bên cạnh những trường đã “bội thu” về số lượng hồ sơ, hiện còn rất nhiều trường có số lượng thí sinh (TS) đăng ký rất khiêm tốn, chưa đủ so với chỉ tiêu đào tạo của trường hoặc đã đủ chỉ tiêu nhưng mặt bằng điểm chuẩn dự kiến chỉ trên dưới 20 điểm. Đây sẽ là cơ hội cho các TS không đủ điểm để “chen chân” vào các trường top trên.

Sáng 18/8, tại Học viện Ngân hàng Hà Nội có hàng trăm TS và người nhà đến tìm hiểu thông tin và nộp hồ sơ. Để thuận lợi cho TS trong việc tìm kiếm thông tin trước khi quyết định rút-nộp hồ sơ, nhà trường đã bố trí một màn hình máy tính lớn ngay giữa hội trường với đầy đủ các dữ liệu như chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, số lượng TS đăng ký, phổ điểm của TS đăng ký và điểm chuẩn dự kiến của từng ngành.

Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết: Tính đến hết ngày 17/8, đã có gần 3.300 hồ sơ đăng ký vào trường trên 2.500 chỉ tiêu. Trong đó, số lượng hồ sơ nộp vào trong những ngày gần đây áp đảo so với số rút ra. Cả 6 ngành đào tạo của trường đều đã “tràn” chỉ tiêu, điểm chuẩn dự kiến của ngành cao nhất đến hết ngày 17/8 là 22 điểm và ngành thấp nhất là 20,75 điểm.

“Năm nay trường có khoảng 300 chỉ tiêu hệ CĐ, tuy nhiên tính đến hết ngày 17/8, mới chỉ có khoảng gần 200 hồ sơ đăng ký. Đây sẽ là cơ hội cho các TS trên dưới 20 điểm có nguyện vọng học ngành Tài chính-Ngân hàng”-ông Dũng cho hay.

Tại ĐH Thủy lợi Hà Nội, do điểm chuẩn dự kiến của trường tương đối thấp và nhiều ngành chưa đủ chỉ tiêu nên trong ngày 18/8 có rất nhiều TS đến nộp hồ sơ.

Xét tuyển ĐH, CĐ 2015: Còn nhiều cơ hội cho thí sinh trên 20 điểm

Thí sinh đăng ký hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015.

Ông Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng nhà trường thống kê: “Tính đến hết ngày 17/8, trường có khoảng 2.500 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1. Chỉ tiêu năm nay của trường là 2.920 TS cho tất cả các khoa. Mấy ngày nay, số lượng TS nộp vào nhiều hơn rút ra, chủ yếu TS đến thay đổi nguyện vọng. Điểm chuẩn dự kiến vào các khoa khoảng từ 17-22 điểm”.

Theo thống kê của ĐH Điện lực, tính đến hết ngày 17/8, trường đã tiếp nhận được hơn 1.600 hồ sơ trong khi chỉ tiêu năm nay của trường là 2.000. Do số lượng hồ sơ đăng ký chưa đủ so với chỉ tiêu nên mức điểm chuẩn tạm thời của nhiều ngành vẫn ở ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển. Trong đó, chỉ có một số ngành “nóng” là có điểm chuẩn ở mức 17,75 đến 21,75 điểm.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã nhận được trên 4.600 hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, trong số hơn 20 ngành đào tạo của trường, còn có  nhiều ngành đào tạo như Công nghiệp kỹ thuật cơ khí, Quản lý đất đai số lượng hồ đăng ký hiện rất ít so với chỉ tiêu. Điểm chuẩn dự kiến tạm thời vào trường cũng chỉ ở mức trên điểm sàn, khoảng từ 15 đến 21 điểm.

Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cũng công bố mức điểm chuẩn dự kiến tính đến hết ngày 17/8 là từ 19 đến 21,75 điểm. Trong đó, ngành CNTT có điểm chuẩn cao nhất với 21,75. Đại học Tài nguyên - Môi trường và Học viện Phát triển Chính sách cũng mới chỉ nhận được khoảng trên 500 hồ sơ đăng ký, chưa đủ so với chỉ tiêu nên điểm chuẩn tạm tính của các ngành đều chỉ ở mức trên điểm sàn với khoảng 17 điểm. Điểm chuẩn của ĐH Công đoàn tính đến hết ngày 17/8 cũng chỉ dao động trong khoảng từ 17-20 điểm.

Tại ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), ông Hoàng Dũng Sỹ, Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Trường đã nhận được khoảng 1.600 hồ sơ xét tuyển với phổ điểm từ 16-21 điểm. “Trong 3 ngày qua, chủ yếu là TS đến nộp hồ sơ hoặc thay đổi nguyện vọng chứ chưa có TS nào rút. Tuy nhiên, do trường có tới 41 ngành đào tạo nên có một số ngành điểm chuẩn dự kiến sẽ chỉ bằng ngưỡng điểm đủ điều kiện xét tuyển là 15 điểm”-ông Sỹ cho biết.

Chia sẻ với PV Báo CAND, TS Lê Viết Khuyến, Phó trưởng Ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho rằng: Vào thời điểm “nước rút” này, các TS không nên dồn dập đăng ký vào các trường top cao vì nếu điểm số của mình không quá vượt trội thì cơ hội “trượt” sẽ là rất lớn.

“Nếu các em yêu thích một ngành nghề cụ thể thì có thể nghiên cứu cơ hội vào ngành đó ở các trường có điểm chuẩn dự kiến thấp hơn để tăng cơ hội đỗ.

Đơn cử như TS thích ngành Y, khi nhận thấy không đủ điểm vào ĐH Y Hà Nội thì có thể đăng ký vào ĐH Y của các tỉnh như ĐH Y Thái Bình, Y Hải Phòng, Y Thái Nguyên hay ĐH Y Huế, các trường này chất lượng đào tạo cũng rất tốt mà điểm chuẩn dự kiến lại thấp hơn.

Hay các em yêu thích ngành Kinh tế, không đủ điểm vào ĐH Ngoại thương thì có thể đăng ký vào ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Thương mại, những trường có một số ngành đào tạo khá tương đồng mà điểm chuẩn dự kiến thường thấp hơn so với Ngoại thương.

Bên cạnh đó, hiện vẫn còn rất nhiều trường ĐH chưa đủ hồ sơ đăng ký so với chỉ tiêu. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các TS có điểm thi trên 20 nhưng chưa xác định rõ được ngành nghề yêu thích và phù hợp với mình”, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Theo Công an Nhân dân, tin gốc: http://cand.com.vn/giao-duc/Con-nhieu-co-hoi-cho-thi-sinh-tren-20-diem-362424/