Kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đợt 1 đã kết thúc với cuộc chạy đua vô cùng kịch tính của cả thí sinh lẫn phụ huynh. Theo một số chuyên gia, lỗi không chỉ ở Bộ GD&ĐT mà còn nằm ở nhiều phía. Tuy nhiên, để kỳ thi sau thực sự thuận lợi cho thí sinh, các chuyên gia cũng cho rằng Bộ GD&ĐT cần có nhiều thay đổi.

Đánh giá về những đổi mới của kỳ thi THPT 2015 và đợt xét tuyển NV1 vừa qua, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP,HCM cho rằng có một sự đổi mới là rất lớn và rất rõ rệt. Bên cạnh đó, đợt xét tuyển NV1 vừa qua có những thành công nhất định.

PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng việc đổi mới trong công tác xét tuyển không chỉ giúp thí sinh chủ động chọn lựa ngành nghề mà còn giúp các trường nâng chất lượng đầu vào.

Ông Dũng đánh giá việc gộp hai kỳ thi là một sự đổi mới rất tốt, tiết kiệm được rất nhiều cho xã hội, duy chỉ có khâu xét tuyển có một chút trục trặc cần điều chỉnh, cần có sự chung tay từ các trường, các chuyên gia công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, quá trình thực tế đã nảy sinh một số vấn đề bất cập, khiến cho những đổi mới ấy bị che khuất.

Vị hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng phân tích rằng những bất cập trong đợt xét tuyển vừa qua ngoài nguyên nhân từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo thì còn có sự ngộ nhận của phụ huynh và thí sinh về năng lực thật của các em.

Do phải tích hợp 2 kỳ thi trong 1, bài thi năm nay điểm khá cao, gây ngộ nhận cho thí sinh và gia đình. Thực chất, những em 18-19 điểm năm nay chỉ tương đương 13-14 điểm năm ngoái nhưng ít ai, kể cả báo chí, đề cập vấn đề này làm các em cứ nghĩ 18-19 điểm là có thể vào các trường tốp trên và tập trung nộp hồ sơ vào các trường này khiến giờ chót phải rút.

Bên cạnh đó, việc nhiều trường đại học top trên do đảm bảo an toàn nên cũng lấy điểm xét tuyển là 15 điểm, bằng với mức điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Vì vậy, nhiều thí sinh ngộ nhận mình có thể đỗ vào những trường top trên với mức điểm thấp nên cũng nộp hồ sơ sai địa chỉ. Vì vậy, đã có hàng trăm nghìn thí sinh dưới 20 điểm đã nộp vào những trường top trên và đến ngày cuối phải rút hồ sơ vì không thể trúng tuyển.

Cũng có cùng quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng kỳ thi và đợt xét tuyển vừa qua rõ ràng đã có nhiều cải tiến, trong đó có sử dụng công nghệ thông tin để kiểm soát. Mục đích, ý định của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi muốn tăng cơ hội cho thí sinh là rất tốt, nhưng cách làm thì còn nhiều hạn chế.

Góp ý cho kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, ông Lê Việt Anh - Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu kỹ những bất cập năm nay để giảm bớt khó khăn cho thí sinh.

Ông Việt Anh cho rằng, với cách xét tuyển như hiện nay, các trường được thuận lợi vì không phải tổ chức thi nhưng lại bị động về nhân sự, tổ chức thu nhận hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nhập dữ liệu. Vì năm nay là năm đầu tiên tổ chức thi và xét tuyển theo phương thức mới nên có nhiều bỡ ngỡ.

Bên cạnh đó, dự báo định hướng của trường khó khăn hơn vì hoàn toàn bị động về số liệu. Nếu có thí sinh đến nộp hồ sơ thì nhà trường mới có dữ liệu. Điều này cũng gây ra khó khăn cho các thí sinh khi đăng ký xét tuyển vì có rất ít thông tin.

Cụ thể, những thí sinh có điểm gần với điểm trúng tuyển dự kiến có khả năng gặp rủi ro. Các bạn ấy tương đối vất vả, căng thẳng vì luôn phải theo dõi sát phổ điểm, số thí sinh nộp hồ sơ cũng như mức điểm trúng tuyển tạm thời theo chỉ tiêu.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và đặc biệt là những thí sinh ở những tỉnh xa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng tại nhà hoặc ở những nơi có mạng internet.

Cũng có cùng quan điểm này, PGS.TS Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giao sự chủ động cho các trường

Ông Lập cho rằng sau khi tổ chức xong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giao sự chủ động cho các trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên quản lý ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như tổng chỉ tiêu của các trường.

PGS Lê Hữu Lập đề xuất dữ liệu điểm thi của thí sinh nên có giá trị trong một năm, để các trường tuyển sinh 2 mùa, chẳng hạn mùa thu và mùa xuân. Thời gian xét tuyển 4 đợt kéo dài đến 100 ngày là mất hẳn một học kỳ, cho nên cần nghiên cứu lại.

Cũng ghi nhận thực tế trong đợt xét tuyển sinh 2015 nguyện vọng 1 vừa qua, Thạc sỹ Phạm Thành Công, Phó trưởng phòng Đào tạo Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng việc cho học sinh đăng ký trường sau khi biết điểm là một chủ trương đúng. Các em sẽ có nhiều cơ hội hơn lựa chọn vào những ngành nghề yêu thích và có điểm số phù hợp.

Bên cạnh đó, học sinh sẽ phải tìm hiểu kỹ càng hơn về ngành nghề đào tạo của các trường.

Bên cạnh đó, việc nhiều thí sinh và phụ huynh phải đi hàng trăm km để về các thành phố lớn để nộp hồ sơ do vẫn chưa yên tâm có thể nộp, rút hồ sơ tại các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT.

Vì vậy, TS Phạm Thành Công cho rằng công tác tuyên truyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải làm tốt hơn nữa để thí sinh và phụ huynh cùng hiểu.

“Tôi nghĩ rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải cải tiến phần mềm thi THPT quốc gia và cần có các biện pháp kỹ thuật để năm sau các thí sinh có thể ngồi ngay tại nhà để đăng ký, thay đổi nguyện vọng”, TS Công cho biết.

Theo Tiền Phong, tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/xet-tuyen-dai-hoc-cao-dang-dot-1-goc-nhin-tu-nhieu-phia-903928.tpo