>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Tuyển sinh 2015: Chẳng khác gì “chơi” chứng khoán

Năm nay, năm đầu tiên cải cách thi cử, các thí sinh và phụ huynh đều hồi hộp. Kỳ thi diễn ra trong những ngày nắng nóng kỷ lục rồi cũng qua đi. Học sinh biết kết quả thi, nhận giấy báo điểm rồi chọn trường phù hợp. Những mong như vậy sẽ tốt hơn, biết được điểm của mình ở mức độ nào mà nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học 2015, lại được đăng ký nhiều nguyện vọng, nên sẽ ít rủi ro hơn…

Không ngờ mọi chuyện lại chẳng trơn tru thế. Thí sinh biết điểm rồi, nên cuộc đua vào các trường top trên cực kỳ gay cấn. Ngay từ 3 ngày đầu, lượng thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH như Bách Khoa, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương… đã đông thí sinh đến nộp hồ sơ. Nhìn điểm của các thí sinh đã nộp cao chót vót, nhiều bạn điểm không cao bằng cảm thấy hoang mang.
Câu hỏi phổ biến nhất những ngày qua trên các diễn đàn mạng mấy ngày qua là: em được… điểm, liệu có đỗ vào ngành… không nhỉ? Và câu hỏi này thật khó trả lời, bởi điểm chuẩn trúng tuyển phụ thuộc vào số lượng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, điều này lại chỉ được xác định sau ngày 20/8, khi đã hết hạn nộp hồ sơ.
Cách duy nhất hiện nay là nộp hồ sơ vào, rồi hàng ngày (hoặc 3 ngày, tùy từng trường) theo dõi cập nhật bảng xếp hạng xem mình đang ở đâu. Thí sinh thót tim đếm xem mỗi ngày mình rớt xuống bao nhiêu thứ hạng. Rớt nhiều thì tan nát cõi lòng. Rớt ít cũng bất an. Nhiều bạn thốt lên: Ai điểm cao đi nộp sớm đi, làm ơn cho anh em được nhờ! Chỉ sợ rằng người được điểm cao cũng thận trọng, đến sát ngày hết hạn mới nộp ồ ạt thì lúc đó có muốn rút hồ sơ ra, e rằng cũng không kịp.

Nhưng điểm bao nhiêu là cao? 25-26 điểm ở các trường tốp trên, vẫn cảm thấy chưa an toàn vì các bạn điểm cao đều chọn những trường này để nộp, nên số điểm cao nhiều lắm.

Còn thí sinh đạt 20-22 điểm, muốn vào các trường tầm trung cũng mang nỗi lo: có khi các bạn 24-25 điểm người ta sợ rủi ro ở tốp trên, nộp vào các trường tầm trung, như vậy có khi cuộc đua lại gay cấn!

Thế là cha mẹ học sinh và thí sinh có khoảng 2 chục ngày hồi hộp, căng thẳng, như ngồi trên đống lửa. Ngày nào cũng mở bảng xếp hạng mấy trường, tính tính toán toán, mà vẫn chẳng có căn cứ nào thực sự đáng tin cậy để tránh rủi ro mà vẫn tương đối đạt được nguyện vọng của mình. Chẳng khác nào “chơi chứng khoán”.

Đành vậy, thí sinh an ủi nhau, đây là thử thách để rèn luyện lòng can đảm, bản lĩnh và sự kiên nhẫn trước khi bước vào đời!

Nhiều chuyên gia đều khuyên các thí sinh cân nhắc cơ hội trúng tuyển cho mình ở ngay nguyện vọng 1 vì hầu hết các trường sẽ tuyển xong trong nguyện vọng 1. Khả năng trúng tuyển đối với nguyện vọng 2 trở đi là khó vì lúc này thí sinh còn 3 giấy kết quả, mỗi giấy 4 nguyện vọng sẽ nộp vào các trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển, dẫn đến tỷ lệ ảo rất cao.

Sẽ có nhiều thí sinh muốn rút hồ sơ vào ngày 20/8, ngày cuối cùng hạn nộp hồ sơ, nếu thấy không có khả năng đỗ trường này, để nộp sang trường khác. Việc giải quyết rút hồ sơ, xóa dữ liệu xét tuyển của thí sinh trên hệ thống vì vậy sẽ chậm. Nếu dữ liệu từ trường thí sinh rút hồ sơ ra chưa kịp xóa, thí sinh không thể trực tiếp nộp hồ sơ xét tuyển vào trường khác. Nghĩ thế đã thấy thật éo le!

Nhiều thí sinh chia sẻ nỗi ước ao rằng giá như các trường thông báo dự kiến chỉ tiêu điểm chuẩn vào ngày 18/8 hoặc 19/8 thì tốt quá, để các thí sinh đang ở vị trí “chấp chới” kịp tìm đường thoái lui!

Nộp hồ sơ xét tuyển, chọn ngành nghề gì?

Đa số các trường đều tổ chức tư vấn cho thí sinh đến nộp hồ sơ. Nhiều em cẩn thận đến để nghe tư vấn, tìm hiểu thông tin của các trường rồi mới quyết định nộp: Khoa này, ngành này học những môn gì, sau này ra làm nghề gì, khả năng đỗ so với điểm số của mình đến đâu…

Tôi chứng kiến một nữ sinh nói với mẹ: mẹ là bác sĩ, bố là giáo viên, thì con chỉ biết 2 nghề đấy làm gì, còn những nghề khác con không biết, nên con chẳng biết chọn ngành gì cả, bởi vì con không thích nghề bác sĩ hay giáo viên!

Công tác định hướng nghề nghiệp cho các học sinh trung học phổ thông còn chưa được quan tâm đúng mức. Được biết, ở một số nước, học sinh trung học có khoảng thời gian (ví dụ: 2 tuần lễ) thực tập bắt buộc ở các cơ quan, xí nghiệp. Các em có thể lựa chọn để đăng ký vào đâu, rồi vào đó và phải làm quen với công việc. Trong các kỳ thực tập này, em học sinh cũng phải thức khuya dậy sớm, chấp hành mọi kỷ luật của đơn vị và thực tập những công việc được giao y như một nhân viên tập sự. Qua đó, các em khám phá xem mình ưa thích ngành nghề gì, phù hợp làm công việc gì.

Còn ở ta, hiện nay thí sinh tốt nghiệp phổ thông vẫn lựa chọn ngành nghề theo bạn bè, cha mẹ khuyên hoặc thị hiếu xã hội, mặc dù 4-5 năm sau có thể xã hội sẽ không còn nhu cầu. Nhưng làm thế nào để xác định được nhu cầu nhân lực của đất nước, của địa phương… điều này lại ngoài khả năng phán đoán của học sinh và phụ huynh.

Mấy ngày nay trên báo xuất hiện câu chuyện về cậu học sinh Phan Văn Huy ở trường THPT Hồng Lĩnh, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Huy thi đạt 26,75 điểm khối B, trong đó Toán 8,25, Sinh 8,5, Hoá 10. Với nhiều người, đây là số điểm mơ ước để đăng ký vào đại học, nhưng Huy lại không dùng tới điểm số này. Huy quyết định không học đại học.

Đó là lựa chọn của em Huy, có nhiều người tiếc cho em vì thực ra thời gian học đại học không chỉ là thời gian thu nhận những kiến thức bổ ích mà còn là trải nghiệm đáng nhớ trong đời mỗi con người. Tuy nhiên, em đã quyết lựa chọn như thế và ít ra Huy cũng biết chính xác mình muốn gì, mình đặt ra mục tiêu gì; trong khi nhiều bạn trẻ khác trước ngưỡng cửa cuộc đời vẫn hoang mang chưa kịp tìm hiểu xem mình định làm gì trong tương lai không xa.

Lỗi này không chỉ thuộc về bản thân các học sinh ấy!

Theo VOV.vn, tin gốc: http://vov.vn/blog/xet-tuyen-dai-hoc-2015-canh-bac-buoc-ke-choi-tien-thoai-luong-nan-420509.vov