Xây nền chất lượng cho giáo dục vùng khó

Xây nền chất lượng cho giáo dục vùng khó
GD&TĐ - Mang trọng trách xây dựng mô hình để tổ chức dạy học cả ngày cho các trường tiểu học trong tương lai, đến nay, Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) đã đi được 2/3 chặng đường với dấu ấn trải rộng khắp 284 huyện tại 36 tỉnh/thành khó khăn nhất của Việt Nam.

Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, TS Trần Đình Thuận - Phó Vụ trưởng, Giám đốc Chương trình SEQAP - cho biết: Vượt qua rất nhiều những khó khăn ban đầu, sau 4 năm triển khai thực hiện, SEQAP đã nỗ lực giúp 1.628 tiểu học vùng khó có những biến chuyển rõ rệt trong chất lượng giáo dục.


Xây nền chất lượng cho giáo dục vùng khó - Ảnh 2 TS Trần Đình Thuận

Những chuyển biến trong chất lượng  giáo dục toàn diện


- Với mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục trường học qua xây dựng mô hình dạy học cả ngày, góp phần nâng cao chất lượng kết quả học tập của học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho các nhóm đối tượng, ông có thể cho biết, cho đến thời điểm này, SEQAP đã đi đến đâu trong hành trình 6 năm?

SEQAP được coi như  một chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giúp các trường tiểu học ở vùng khó khăn thực hiện chuyển từ dạy học 1 buổi sang dạy học cả ngày, hướng tới các trường tiểu học trên phạm vi toàn quốc sẽ thực hiện dạy học cả ngày trong tương lai.

Chương trình có 3 mục tiêu lớn: Nâng cao chất lượng giáo dục  của cấp  tiểu học; tạo cơ hội, điều kiện cho các trường, đặc biệt tập trung vào các trường vùng sâu, vùng xa, khó khăn, để có đủ điều kiện tối thiểu cho việc đảm bảo chất lượng dạy học. Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh tiểu học thông qua việc tăng thêm thời gian học sinh được học tập và rèn luyện tại trường.

Mục tiêu cuối cùng là thử nghiệm mô hình dạy học cả ngày. Hiện nay, chương trình đang áp dụng 3  phương án: T30 (dạy học 5 buổi sáng, 2 buổi chiều), dành cho những nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn); mô hình T33 (5 buổi sáng, 3 buổi chiều) và T35 (dạy học 9 - 10 buổi trên tuần) dành cho những nơi có điều kiện để phát triển.

Bắt đầu triển khai từ tháng  3/2010, dù nguồn lực không lớn lắm, nhưng đến nay, SEQAP đã chứng tỏ hiệu quả rất tốt qua giá trị thực tiễn chương trình đem lại.

Cùng với việc giúp tạo các hành lang chính sách chung, SEQAP giúp các trường tiểu học vùng khó cải thiện cơ sở vật chất; đề xuất đưa ra các giải pháp khác nhau trong tổ chức dạy học ở các nhà trường; xây dựng các mô - đun bồi dưỡng, tập huấn; nâng cao chất lượng và trình độ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, bao gồm cả bồi dưỡng và đào tạo lại nhằm đáp ứng với yêu cầu mới.

Ở vùng khó, có được sự gia tăng chất lượng giáo dục và kết quả học tập của học sinh là cả một quá trình gian khổ vì thiếu rất nhiều các điều kiện khác nhau. SEQAP đã giúp tạo ra những điều kiện cơ bản, tối thiểu nhất của việc đảm bảo chất lượng giáo dục cho những vùng khó này.

Đến nay, đã có 1.628 trường của 284 huyện trên 36 tỉnh/thành khó khăn nhất của Việt Nam tham gia SEQAP và bước đầu đã được xây dựng và tổ chức dạy học cả ngày khá bài bản và nền nếp.

- Đúng như ông nói, tạo sự chuyển biến về chất lượng tại các trường vùng khó là một hành trình vô cùng khó khăn. Vậy, sau 4 năm tham gia SEQAP, các trường này có thực sự nâng cao được chất lượng giáo dục toàn diện?

Có thể nói, qua 4 năm học, chất lượng giáo dục toàn diện của các trường tham gia SEQAP đã tăng lên rõ rệt. Sự tiến bộ là trông thấy giữa các năm học, nhất là  đối với học sinh vùng khó khăn, học sinh dân tộc. Đặc biệt những học sinh dân tộc là nữ đạt các tiêu chuẩn giáo dục đều tăng lên hàng năm.

Có được kết quả này là bởi SEQAP đã mang đến các trường vùng khó những cơ hội và điều kiện đồng bộ nhất, những yếu tố cơ bản để thực hiện đảm bảo chất lượng giáo dục cho mỗi nhà trường.

Cùng với việc xây dựng tài liệu dạy học đảm bảo chất lượng các môn Toán, Tiếng Việt nhằm giúp đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng cho học sinh; Chương trình còn hướng dẫn cách thức tổ chức hoạt động cho cả bộ máy; xây dựng lộ trình thực hiện, chặt chẽ, hợp lý; thậm chí bồi dưỡng phương thức tổ chức các giờ vui chơi cho học sinh trong thời gian ở trường. Đồng thời, tập trung bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên để giao tiếp và hỗ trợ học sinh hiệu quả nhất.

Các trường tham gia SEQAP đã sử dụng hiệu quả quỹ thời gian tăng thêm, tập trung củng cố, kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt, môn Toán để học sinh đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học.

Sức lan tỏa mạnh mẽ và bài học xã hội hóa

- Cũng như ông đã nói, nguồn lực của chương trình này khá hạn chế. Vậy giải pháp nào giúp chương trình lan tỏa mạnh mẽ với nhiều kết quả tích cực như vậy?

Nhiều người cho rằng, để tổ chức dạy học cả ngày cần dựa hoàn toàn vào nguồn lực Nhà nước để thực hiện, đó là cách hiểu chưa  đầy đủ.

Trên thực tế của chương trình, Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các trường một số mục chi bằng nguồn vốn ODA, chỉ mang tính kích cầu, đẩy mạnh; còn lại là huy động sự tham gia của cộng đồng, các cấp chính quyền địa phương và nhân dân mới có thể thực hiện thành công dạy học cả ngày và nâng cao chất lượng giáo dục được.

Đáng mừng là đến nay các trường, nhiều địa phương đã thực hiện khá tốt vấn đề này. Ví dụ, bữa ăn trưa cho học sinh, SEQAP chỉ hỗ trợ được khoảng 40% số học sinh khó khăn. Nhưng cùng với hỗ trợ này, nhiều địa phương đã tuyên truyền cho người dân hiểu và ủng hộ để 100% các em tham gia ăn trưa, sinh hoạt cùng các bạn.

- Cuối cùng, ông có thể chia sẻ một số điểm khác biệt, góp phần tạo nên dấu ấn của SEQAP trong 4 năm vừa qua?

SEQAP là chương trình  đầu tiên thực hiện theo hình thức quản lý tài chính mới. Trên cơ sở kế hoạch của các trường, huyện, tỉnh, toàn bộ kinh phí thực hiện được chuyển về cho các địa phương theo đường ngân sách.

Cách làm này khá hiệu quả, giảm bớt các khâu trung gian, đưa kinh phí đến thẳng địa chỉ địa phương cần, nhưng phương thức này cũng cần phải có những điều chỉnh cần thiết và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành khi triển khai.

Các trường được quyền xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình và các yêu cầu tối thiểu, được quyền quyết định thực hiện trong phạm vi của mình; có tài khoản riêng, được hỗ trợ về Quỹ nhà trường, Quỹ học sinh; giáo viên, cán bộ quản lý được tập huấn, bồi dưỡng bài bản để nâng cao năng lực; được tự chọn các nội dung hoạt động phù hợp với học sinh và điều kiện của trường…. rõ ràng nhà trường đã chủ động hơn rất nhiều. SEQAP có 2 kênh kiểm soát, bằng báo cáo online trực tuyến và báo cáo bằng văn bản.

Mọi hướng dẫn và thông báo đều được chia sẻ trên website của chương trình, trong đó có cả thư viện số với nhiều tài liệu, video clip và các báo cáo nghiên cứu về dạy học cả ngày, tiến tới sẽ link với trang mạng “Trường học kết nối” của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phục vụ hàng chục triệu độc giả khác nhau. Bên cạnh đó là hoạt động tích cực, đầy trách nhiệm của đội ngũ tư vấn ở Ban quản lý Trung ương, tư vấn vùng, hỗ trợ đắc lực cho các trường tháo gỡ mọi khó khăn.

Một điều đặc biệt nữa, chương trình đang thực nghiệm mô hình dạy  học cả ngày, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để sau này phát triển và nhân rộng. Vì vậy, một yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tính bền vững của chương trình.

Tức là, sau khi Chương trình kết thúc, các trường vẫn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện mô hình dạy học cả ngày. Theo báo cáo của các địa phương dự báo cứ theo đà như hiện nay, nếu SEQAP kết thúc vẫn có khoảng 80 - 90% các trường tiếp tục duy trì dạy học cả ngày.

Bài toán khó nhất là làm thế nào để học sinh khó khăn được ăn trưa tại trường, về cơ bản đã được giải quyết qua chủ trương hỗ trợ gạo cho trẻ vùng khó của Chính phủ. Còn lại, chúng tôi yêu cầu các trường tích cực tuyên truyền, phổ biến đến các phụ huynh là, ở đâu thì cũng phải ăn, thay vì cho trẻ ăn trưa ở nhà thì “đem” bữa ăn đó tới trường, phối hợp cùng với nhà trường chăm sóc sức khỏe, giáo dục toàn diện cho các em.

Các trường tiểu học cần phải coi trọng tất cả các hoạt động giáo dục giúp học sinh có cơ hội và điều kiện được học tập cả ngày ở trường, thông qua đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là đối với học sinh vùng khó khăn. Đó là sự thay đổi quan điểm, cách nghĩ, cách làm.

- Xin cảm ơn ông!

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)