Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học

Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học
Bộ GD&ĐT thông báo kết quả hội thảo công tác tổ chức các hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường. Dưới đây là những nội dung liên quan đến công tác tổ chức các hoạt động văn hóa và định hướng triển khai trong thời gian tới.

Xây dựng văn hóa học đường từng bước đi vào nền nếp

Theo kết quả hội thảo, hầu hết các nhà trường, cơ sở giáo dục đều chú trọng đến việc xây dựng môi trường văn hóa, các hoạt động văn nghệ... để qua đó giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh sinh viên (HSSV). 

Việc xây dựng văn hóa học đường đã từng bước đi vào nền nếp; các phong trào thi đua của Ngành, các cuộc vận động, các hoạt động của nhà trường được tổ chức thường xuyên.

Các nhà trường đã từng bước xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện giúp HSSV phát huy tính tích cực trong học tập, rèn luyện và chủ động tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp.

Công tác phối hợp với các Ban, Bộ ngành liên quan (Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…) và các địa phương, các nhà trường trong công tác chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa cho HSSV và xây dựng môi trường giáo dục văn minh, lành mạnh, an toàn, ngày càng chặt chẽ hiệu quả.

Hoạt động của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội được tăng cường, nhất là trong các hoạt động giáo dục ngoại khóa, đền ơn đáp nghĩa.

Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của đời sống xã hội đã có ảnh hưởng đến cách tiếp cận, nhận thức của HSSV. Nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và chưa phù hợp, phần nào làm giảm hiệu quả các hoạt động văn hóa cho HSSV.

Ở một số nhà trường, nhận thức về vị trí, vai trò của việc giáo dục HSSV thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa chưa cao, chưa có sự đầu tư đúng mức cho công tác này;

Một số hoạt động văn hóa còn mang tính hình thức, thiếu sáng tạo và ít đem lại hiệu quả giáo dục, thậm chí gây quá tải, khó khăn cho người học. Mặt khác, hiện nay chưa có văn bản quy định chính thức về tổ chức các hoạt động văn hóa trong các trường phổ thông; các nhà trường triển khai công tác này gặp nhiều khó khăn.

Ưu tiên kinh phí triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ phù hợp

Định hướng công tác tổ chức các hoạt động văn hóa trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ, TCCN đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện tích cực Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT;

Tiếp tục quán triệt, thực hiện các nội dung của Quyết định 60 để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng hiệu quả hơn, phấn đấu xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ;

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 33/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, ưu tiên bố trí kinh phí, cơ sở vật chất... triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho phù hợp tình hình chính trị, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương, đơn vị;

Xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa cho HSSV phù hợp với ngành Giáo dục và đặc thù từng trường. Tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong nhà trường bằng những nội dung, hình thức phù hợp chuẩn mực giá trị đạo đức, lối sống văn hóa Việt Nam;

Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc;

Đặc biệt, chú trọng việc xây dựng môi trường văn hóa; định hướng nội dung hoạt động văn hóa cho HSSV nói chung, đặc biệt là học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, khoa dự bị đại học; vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn...

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)