Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Các chuyên gia nhận định không nên coi kết quả đáng khích lệ mà VN vừa đạt được qua cuộc khảo sát PISA như tấm bằng chứng nhận cho chất lượng của hệ thống giáo dục, và càng không nên vì vậy mà xao lãng các mục tiêu cải tổ.

Không lý do gì tự mãn và chủ quan'

Kết quả của kỳ thi khảo sát đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh lứa tuổi 15 trên thế giới (PISA 2012) được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 3.12 cho thấy VN đứng trong top 20 trong tổng số 65 nước và vùng lãnh thổ có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn 500, nhờ được đánh giá tốt ở cả 3 khả năng: đọc hiểu, toán và khoa học. Đặc biệt, học sinh VN được xếp hạng cao hơn hẳn các nước phát triển mà OECD khảo sát như Mỹ, Anh, Úc...

>>Nghiên cứu khoa học: Học sinh Việt Nam đứng thứ 8 thế giới

Đã có nhiều tranh luận xoay quanh phương pháp thực hiện đánh giá này cũng như tính chính xác của nó,  nhưng tựu trung lại các chuyên gia quốc tế đều khẳng định với Thanh Niên uy tín của PISA qua 5 lần tổ chức (3 năm một lần, bắt đầu từ năm 2000). Điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia, là VN cần tỉnh táo để đánh giá sòng phẳng ý nghĩa thực sự của kết quả này.

PISA không đánh giá toàn bộ nền giáo dục

PISA không đánh giá toàn diện nền giáo dục

Giáo sư Jim Cobbe, một học giả của chương trình Fulbright đã có nhiều nghiên cứu về giáo dục VN, nói với Thanh Niên: “Tôi không thấy lý do gì nếu như vì kết quả này mà các quan chức giáo dục trở nên tự mãn và chủ quan. Cùng lắm nó cũng chỉ cho thấy hệ thống giáo dục tiểu học, THCS (đến lứa tuổi 15) làm tương đối tốt. Nhưng nó chẳng nói lên điều gì về chất lượng giáo dục phổ thông, kỳ thi tuyển sinh đại học, và đặc biệt là thử thách lớn nhất của giáo dục VN: giáo dục đại học. Vì vậy, kết quả của PISA không nói lên được gì về chất lượng của một nền giáo dục”. Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Dennis Berg, người đã có hơn 20 năm làm cố vấn giáo dục tại VN, nói: “Đây là lần đầu VN tham gia cuộc khảo sát này và kết quả như vậy là đáng mừng. Tuy vậy, thành công trong một kỳ kiểm tra không nhất thiết là cá nhân đó đủ điều kiện để tồn tại trên thị trường lao động; và chắc chắn là không một công ty nào tuyển dụng một người chỉ đơn thuần có thành tích học tập tốt. Cho tới bây giờ tôi vẫn e là nền giáo dục VN vẫn chưa chú trọng đúng mức đến việc trang bị toàn diện các kỹ năng sống và năng lực tư duy cần thiết cho người học”.

Những cái 'nếu'

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh kết quả PISA chỉ khả tín nếu như các nước tham gia khảo sát tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật theo yêu cầu của OECD. Tiến sĩ James Thompson, ĐH London (Anh), nói với Thanh Niên: “Kết quả cao của một nước chỉ được thừa nhận nếu như nước đó đáp ứng tiêu chí chọn học sinh ngẫu nhiên từ nhiều trường khác nhau. Đồng thời, không được có bất kỳ một chương trình “luyện gà chọi” dành cho các học sinh tham gia khảo sát mà ảnh hưởng đến chương trình học chính khóa. Nếu bộ giáo dục của một nước tự mình loại những trường được coi là yếu ra khỏi cuộc khảo sát, chắc chắn có thể kết luận kết quả cuối cùng của nước đó là bị thổi phồng”.

Ví dụ trong trường hợp của Trung Quốc, bởi chỉ có một thành phố (Thượng Hải - nơi thu nhập của phụ huynh khá hơn nhiều các vùng khác và 84% học sinh tốt nghiệp phổ thông có điều kiện học tiếp đại học, trong khi tỷ lệ toàn Trung Quốc chỉ là 24%) tham gia khảo sát nên kết quả đó không thể cho là đại diện cho Trung Quốc được.

Tiến sĩ Berg nhận định: “Tôi không muốn nói điều này chút nào nhưng quả thực có rất nhiều người hoài nghi về các dữ liệu do VN cung cấp. Cho dù đây là một cuộc khảo sát mang tầm vóc quốc tế với phương pháp luận tốt, người ta vẫn cứ bàn rất nhiều về các dữ liệu từ phía VN”.

Tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về kết quả thi này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: “Kết quả này là hoàn toàn chính xác và khách quan vì VN đã thực hiện nghiêm túc và bài bản các quy trình kỹ thuật theo yêu cầu của OECD, dưới sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ của OECD”.

Điều gì là quan trọng ?

Các chuyên gia cũng đặt vấn đề: Liệu có đáng không khi rất nhiều người hoan hỉ với kết quả PISA 2012 theo kiểu trình độ học sinh VN đã “vượt” học sinh Mỹ. Tiến sĩ Berg nhận định: “Nên nhớ là trong các cuộc khảo sát như thế này, Mỹ chưa bao giờ đạt thành tích tốt; trước giờ họ ở vị trí làng nhàng ra sao thì bây giờ vẫn vậy”. GS Cobbe giải thích thêm: “Một bộ phận học sinh Mỹ lúc 15 tuổi có rất ít động lực, hay chịu rất ít áp lực, phải đạt thành tích học tập cao. Trong khi đó, học sinh VN phải chịu áp lực thành tích đó ngay từ rất sớm và được rèn giũa các kỹ năng thi cử thành thục; trong khi đó, kỹ năng thi cử của học sinh Mỹ không tốt. Thêm nữa, khái niệm “học thêm” không xa lạ gì với học sinh VN trong khi ở lứa tuổi 15, học sinh Mỹ hầu như hoàn toàn không biết gì về nó”.

GS Diane Ravitch (ĐH New York) nhận định với Thanh Niên: “Tôi ủng hộ quan điểm một nền giáo dục mà quá chú trọng vào thi cử là một hệ thống giết chết sáng tạo, khả năng khám phá cái mới và suy nghĩ khác biệt. Trong hệ thống đó, học sinh nào suy nghĩ khác biệt sẽ bị điểm thấp. Chúng ta càng nặng nề về thi cử thì chúng ta chỉ biết đánh giá cao những ai phục tùng nguyên tắc và đưa ra câu trả lời đúng. Tôi chấp nhận đánh cược vào những con người không được điểm cao trong các kỳ thi để được tính sáng tạo, dám nghĩ dám làm của họ. Những tiêu chí đó, theo tôi, không một cuộc thi PISA nào đo lường được”.

GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan - Úc) đúc kết: “Hơn hết, tôi nghĩ không thể hay rất khó so sánh điểm của học sinh trong một hệ thống học vẹt với điểm của học sinh trong một hệ thống học tự do ở các nước phương Tây. Chạy theo những bảng xếp hạng như thế này chỉ làm chúng ta xao lãng vấn đề lớn hơn trong giáo dục - đó là cải cách”.

Vấn đề về cách thức lấy mẫu

GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan - Úc) cho biết vấn đề của PISA làm ông “quan tâm và dè dặt” là cách thức lấy mẫu. GS Tuấn nói: “PISA cho biết mỗi quốc gia họ lấy mẫu tối thiểu là 4.500 học sinh tuổi 15 (dĩ nhiên nước nhỏ như Iceland thì số học sinh ít hơn). Một vài nơi như Úc thì số học sinh lên đến 30.000 em. Theo nguyên tắc thì học sinh xuất thân từ nhiều thành phần kinh tế xã hội khác nhau, nhưng tôi không thấy họ hiệu chỉnh kết quả cho những khác biệt về thành phần kinh tế xã hội. Nếu không hiệu chỉnh cho yếu tố này thì khác biệt giữa các nước là có thể do thành phần kinh tế chứ chẳng phải do khả năng của học sinh”.

Ông nhận định: “VN có thể có hạng cao nếu VN chỉ chọn học sinh từ thành thị và một phần nhỏ từ nông thôn. Đây cũng là một điểm yếu mà rất nhiều nhà nghiên cứu giáo dục chỉ ra trong quá khứ”.

Không phản ảnh chính xác chất lượng giáo dục

Kết quả kiểm định của PISA không phản ảnh chính xác chất lượng giáo dục THPT vì mỗi quốc gia có cấu trúc hệ thống THPT khác nhau. Ví dụ như Mỹ thiên về kiến thức xã hội, kỹ năng cá nhân, phản biện, kỹ năng đọc sách; trong lúc các nước châu Á học thiên về kiến thức khoa học. Nền tảng THPT tại Mỹ giúp cho học sinh học tốt ở bậc đại học, sau ĐH và vững vàng khi vào môi trường làm việc.

Nếu lấy chương trình học của một trường tư thục nội trú tại Connecticut (Mỹ) từ lớp 9 đến 12 so với VN, sẽ thấy các môn toán, vật lý, hóa tại VN tương đương với các môn năm thứ nhất của ngành kỹ sư; môn sinh tương đương với môn năm thứ nhất của ngành sinh, sinh - hóa tại ÐH ở Mỹ. Môn toán của lớp 10 và 11 ở các trường THPT của VN tương đương với toán PreCalculus cho sinh viên năm thứ nhất của các ngành kinh doanh, xã hội ở các trường ĐH Mỹ. Theo Trần Thắng (Chủ tịch Hội Văn hóa và Giáo dục VN tại Mỹ - IVCE)

Theo An Điền, TNO