Nhiều người ví phỏng vấn xin visa đi Mỹ như “cửa ải” khó vượt qua. Còn các viên chức lãnh sự của Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM cho rằng xin visa vào Mỹ là điều có thể…

“Không có giới hạn về số lượng tối đa visa được cấp trong thời gian nào đó. Thực tế, chúng tôi luôn muốn cấp thật nhiều visa cho học sinh Việt Nam sang Mỹ học” - ông Joshua Shen, viên chức lãnh sự của Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM, nhấn mạnh như vậy khi trình bày về vấn đề thị thực vào Mỹ tại triển lãm về các chương trình liên kết đào tạo Việt Nam - Mỹ chiều 30-1.


Visa du học Mỹ: Không có giới hạn về số lượng! - Ảnh 1

Ông Joshua Shen trình bày về visa du học Mỹ Ảnh: QUỐC THẮNG

Nên thi IELTS, TOEFL trước khi phỏng vấn

Viên chức lãnh sự quan tâm điều gì khi phỏng vấn đối tượng sẽ du học? Đó chính là kế hoạch du học. Ông Joshua Shen diễn giải: Khi nói đến kế hoạch du học, bạn phải thể hiện được sự chuẩn bị của mình cho việc này. Ví dụ, từ lớp 10 đã có ý định du học Mỹ thì đã làm gì, chuẩn bị gì và nỗ lực như thế nào.

Trình độ tiếng Anh cũng là mối quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh. Cần có khả năng tiếng Anh như thế nào khi đi phỏng vấn? Theo ông Joshua Shen, khả năng tiếng Anh của đối tượng du học không phải tốt ngay từ đầu nhưng cần phải thể hiện được có sự chuẩn bị cho việc học. Nếu du học Mỹ mà không nói được tiếng Anh có nghĩa là bạn thiếu nghiêm túc trong việc học của mình. Tốt nhất là nên thi lấy chứng chỉ IELTS, TOEFL trước khi phỏng vấn. Dù điểm thi có thể không cao nhưng viên chức lãnh sự biết được bạn đã cố gắng và biết được trình độ bạn như thế nào. Lưu ý rằng nếu xin học ĐH thì mang học bạ THPT bản gốc.

Khi đi phỏng vấn đi du học Mỹ, cần chứng minh tài chính bao nhiêu?

Ông Joshua Shen cho biết phải có tối thiểu chi phí cho năm học đầu tiên. Nếu được học bổng toàn phần thì rất tốt cho việc xin visa. Thật ra, không có định mức như thế nào về thu nhập để được chấp nhận visa. Điều quan trọng là bạn phải nói đúng sự thật. Viên chức lãnh sự nhìn vào khả năng tài chính của người đi học nhưng nếu học hành nghiêm túc thì sẽ thể hiện được điều đó.

Lưu ý là cần mang giấy tờ chứng minh tài chính của gia đình, bố mẹ. Đôi khi viên chức lãnh sự sẽ hỏi công việc của cha mẹ. Nếu cha mẹ buôn bán thì bạn phải biết buôn bán cái gì, có bao nhiêu nhân viên… Có nhiều điều đơn giản về công việc gia đình nhưng bạn phải biết để có thể trả lời các câu hỏi của viên chức lãnh sự.

Và điều quan trọng là bạn thể hiện được mình muốn trở về Việt Nam sau khi học xong. Việc trở về không bắt buộc là thời điểm nào vì nhiều người sẽ học lên thêm nhưng nói ở lại để kết hôn thì không được.

Không nên học thuộc lòng khi phỏng vấn du học Mỹ

Điều viên chức lãnh sự không muốn thấy ở người đi phỏng vấn là giấy tờ giả. Đó là điều tối kỵ. “Đừng bỏ tiền mua giấy tờ giả. Sẽ có công ty tư vấn du học, công ty du lịch hoặc nhiều người đứng đối diện cổng lãnh sự quán bắt chuyện, xem giấy tờ của bạn và kêu mua thêm giấy này giấy nọ, điều đó là không nên”.

Nếu bạn nói được tiếng Anh khi đi phỏng vấn thì tốt nhưng không nên học thuộc lòng bài nào đó ở nhà, sẽ mất tự nhiên. Ông Joshua Shen nhấn mạnh: “Đừng nói bằng ngôn ngữ của người khác. Nếu bạn nghiêm túc trong việc học thì hoàn toàn có thể tự nói được về kế hoạch du học của mình”.

“Không có chuyện viên chức lãnh sự này khó hơn viên chức lãnh sự kia, cũng không có câu trả lời nào đúng cho tất cả đối tượng. Vấn đề là bạn cần làm một số điều và tránh một số điều như đã nói ở trên” - ông Joshua Shen đúc kết.

Phỏng vấn lần hai phải có cải thiện

Nếu bạn phỏng vấn lần thứ nhất không đạt thì khi phỏng vấn lần hai, viên chức lãnh sự sẽ tìm hiểu xem bạn đã thay đổi như thế nào. Do đó, bạn phải thể hiện được mình đã có cải thiện. Ví dụ, bạn đã tìm hiểu kỹ về trường dự định học ở Mỹ. Ngoài ra, còn phải thể hiện cho viên chức lãnh sự thấy tiếng Anh của bạn đã tốt hơn, qua việc lấy được chứng chỉ IELTS, TOEFL. Lời khuyên của ông Joshua Shen là bạn không nên đăng ký phỏng vấn lại nếu chưa cải thiện được gì so với lần trước.

Theo Người Lao Động